Con trai Ama Kông ra khám bệnh cho voi

14/05/2009 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin trong bài: Voi Khăm Bun - từ rừng về thủ đô học làm xiếc. Voi Khăm Bun được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Trước khi “nhập hộ khẩu về Thủ đô”, voi Khăm Bun do bị mắc bẫy nên chân trái mang một vết thương khá nặng. Vì vậy, trước khi trở thành “nghệ sĩ trên sân khấu tròn”, việc trước nhất buộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải làm là bằng mọi giá chữa khỏi chân cho Khăm Bun...

Sau hai năm chữa trị, có lúc người dân đã tận mục cảnh Khăm Bun được dẫn đi dạo sát vỉa hè đường Trần Nhân Tông. Ngỡ tưởng Khăm Bun đã hoàn toàn bình phục, nào ngờ, gần đây tin về voi Khăm Bun có thể “bị cắt chân” do “vết thương nhiễm trùng nặng đã ăn vào tủy và xương chân”, bị ngất... đã làm không ít người lo lắng, thậm chí khuyến cáo Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên trả Khăm Bun về với thiên nhiên hoang dã...

TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam để tìm hiểu thực hư về chuyện này!

Kết hợp “phẫu thuật hiện đại” với “phương pháp dân gian”?

* Hôm qua (13/5) hai ông Khăm Phết Lào, con trai thứ 7 của “vua voi” Ama Kông và ông Ama Bích đã “địu thuốc” từ Đắk Lắk bay ra Hà Nội thăm, khám bệnh cho voi Khăm Bun. Tình hình có khả quan không thưa ông?

- Chúng tôi đã mời ông Khăm Phết Lào theo số điện thoại in trên báo Tiền Phong vì trên báo này có nói đã từng chữa trị những vết thương như Khăm Bun mắc phải cho hàng chục con voi. Tuy nhiên, sau khi cùng chúng tôi xem qua vết thương của Khăm Bun, ông Khăm Phết Lào chỉ mới yêu cầu chúng tôi hãy tìm những ụ đất mối rừng mang về “rải thảm” cho Khăm Bun đứng vì cho rằng trong đất mối có khoáng chất chống khuẩn rất tốt, giúp cho vết thương ở chân Khăm Bun không bị nhiễm trùng, lở loét chứ chưa đưa ra phương pháp điều trị.
 
Ông Khăm Phết Lào đang hỏi thăm Khăm Bun

* Nghĩa là ông Khăm Phết Lào cũng đang còn cân nhắc hay do Liên đoàn còn hoài nghi về khả năng của ông ấy?

- Nếu chúng tôi hoài nghi khả năng chữa trị của ông Khăm Phết Lào thì chẳng bao giờ chúng tôi mời ông ấy ra Hà Nội! Ông Khăm Phết Lào còn khen chúng tôi đã chăm cho voi tốt, chăm cho voi khỏe và đặc biệt Khăm Bun rất hiền, không tệ như tin đồn. Ông Khăm Phết Lào cũng hoàn toàn đồng ý với phương pháp của chúng tôi là phải tiến hành phẫu thuật, mở rộng vết thương để xem còn di vật trong đó hay không. Ông còn yêu cầu cho xem phác đồ điều trị trước đây, những ý kiến hội chẩn của các chuyên gia xem có trùng với chẩn đoán của ông hay không để nếu “quan điểm gặp nhau”, ông hứa sẽ bắt tay vào điều trị bằng thuốc của mình... Vì vậy chưa thể biết được là ông Khăm Phết Lào có “bó tay” hay không!

* Nếu quan điểm... không gặp nhau thì Liên đoàn Xiếc có tiếp tục để cho ông Khăm Phết Lào chữa trị cho Khăm Bun, vì dù sao ông Khăm Phết Lào cũng đã khẳng định trên một tờ báo là có thể chữa khỏi cho Khăm Bun?

- Chúng ta đang sống trong thời kỳ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tôi cho rằng, bằng phương pháp phẫu thuật hiện đại, tìm ra kết luận cuối cùng, chính xác về tình trạng thương tật ở chân Khăm Bun thì chắc chắn sẽ có cách điều trị hiệu quả. Những phương pháp dân gian như của ông Khăm Phết Lào cũng rất tốt, xong tôi nghĩ, tốt hơn là để cho giai đoạn hậu phẫu!

* Còn các cơ quan, tổ chức y tế mà ông đã nhờ cậy?

- Họ rất nhiệt tình. Tuy nhiên, do không chụp chiếu được phần trong vết thương nên họ cũng chỉ tạm đưa ra những đánh giá tạm thời dựa trên khám lâm sàng. Họ góp ý về cách phòng tránh nhiễm trùng và khuyên chúng tôi nên tiếp tục tìm sự trợ giúp từ những chuyên gia trên thế giới về chăm sóc thú y và điều trị voi...

Cắt chân voi là cắt thế nào?!!

* Trở lại tình trạng vết thương của voi Khăm Bun. Xin ông cho biết mức độ thương tật vừa mới tái phát ở chân Khăm Bun hiện nay ra sao rồi?

- Vết thương do bẫy thòng lọng gây ra gần như đã liền lại quanh chân, nhưng vẫn còn một vết thương hở, không lành được. Chỗ này là vết thương trên da đã nhiễm trùng và sưng tấy. Vết thương sâu chừng 5cm, mưng mủ và nhỏ giọt ra từ vết thương. Trên lòng bàn chân trái có một vết nứt rất sâu, ít nhất một ngón chân đã bị hủy, những ngón còn lại đều bị biến dạng. Tuy nhiên, sức đề kháng của Khăm Bun là rất tốt, tăng cân đều và khỏe mạnh.
 
Vết thương ở chân Khăm Bun khi mới đem về (trái) và hiện nay (phải)

* Nguyên nhân khiến chân Khăm Bun bị thủng là do tái phát chấn thương hay “gặp tai nạn”?

- Không tai nạn gì cả mà do vết thương cũ tái phát. Theo chẩn đoán ban đầu, chân voi bị xưng và chảy mủ là do bên trong vết thương có một ổ áp xe rất lớn hoặc còn di vật nằm lại trong đó. Có thể đó là phần móng chân bị gãy quặp hoặc một mẩu dây cáp làm bẫy còn sót lại trong đó. Với vết thương này, nằm một chỗ có thể không sao nhưng khi đứng dậy bước đi, trọng lượng cơ thể đè xuống, di vật bên trong đồng thời bị tác động làm Khăm Bun bị kển, miệng vết thương rách, mủ ứ đọng bên trong do đó cũng bị bắn ra ngoài qua khe nứt ở gan bàn chân và chỗ da non trên thẹo, tạo thành một lỗ thủng...

* Có tin cho rằng: “Vết nhiễm trùng nặng đã ăn vào tủy và xương chân”... Và Khăm Bun “có nguy cơ bị cắt chân”. Ý kiến của ông?

Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng vết thương để vệ sinh, kháng khuẩn cho Khăm Bun đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng xem có di vật sót lại bên trong vết thương hay không để kịp thời xử lý?! Có điều, hiện nay chúng tôi vẫn không tìm đâu ra loại thuốc chống viêm đặc chủng cho voi và máy móc để chụp X quang phần trong của vết thương...” - (phát biểu của ông Tạ Duy Nhẫn).
- Cắt là cắt thế nào? Ngay cả các chuyên gia, bác sĩ chuyên chữa trị vết thương cho động vật nói chung, cho voi ở Việt Nam và trên thế giới chúng tôi mời đến hội chẩn nói riêng cũng chỉ tạm kết luận là “nhiều khả năng xương chân cũng bị tổn thương và nhiễm trùng” chứ chưa ai dám khẳng định “vết nhiễm trùng nặng đã ăn vào tủy và xương chân”. Chúng tôi còn chưa tìm được chuyên gia thực thụ về bệnh của voi thì làm sao dám “tự xử Khăm Bun” như vậy được?! Với lại, cắt chân Khăm Bun không phải là phương án của chúng tôi!

* Còn khuyến cáo nên trả Khăm Bun về với thiên nhiên hoang dã thì mới mong Khăm Bun sống sót và khỏi bệnh. Ông nghĩ sao?

- Việc này không thuộc thẩm quyền của tôi mà là của Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Nếu họ có lệnh, chúng tôi sẽ thi hành lệnh!

* Xin cảm ơn ông.

Huy Thông
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm