Voi Khăm Bun- từ rừng về Thủ đô học làm xiếc

14/10/2008 14:18 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 20/12/2006, hai ông Y Sốt Thiu và Y Phôi Niê cùng ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk săn bắt được một con voi đực, có tên “khai sinh trong lý lịch” là Khăm Bun, tên khoa học là Elaphas maximus – loài động vật hoang dã có trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Sau gần một năm, con voi này đã được giao về cho Liên đoàn xiếc Việt Nam…

Trước khi “nhập hộ khẩu về thủ đô” và tương lai sẽ trở thành một “nghệ sĩ trên sân khấu tròn” voi Khăm Bun phần vì đang còn bản năng thú tính tự nhiên, phần vì chân trái bị thương tật do mắc bẫy nên hiện tại vẫn chỉ “dạo chơi, xơi mía” mà chưa thể luyện tập được gì…
 
Chú voi rừng & 10 lễ cúng

 Ông Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam
Voi Khăm Bun có lẽ là một trong những con voi nhỏ nhất trong tổng số khoảng 20 con voi ở vùng rừng Ia Chi Lây, huyện Ea Súp. Ông Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người trực tiếp đến Buôn Đôn tiếp quản và giao tiền công chăm sóc voi Khăm Bun để đón về Hà Nội cho biết: “Tôi nghe người dân ở đây kể lại là con voi này vì nó nhỏ nên khi tháo chạy, bị tụt lại sau nên "dính" thòng lọng của những người thợ săn hồi cuối năm 2006. Sau khi bắt được, ngày 20/12/2006, những người thợ săn đưa con voi về buôn Ea Rông, tổ chức lễ cúng tạ Yang (trời), tạ thần Ngoắc Nguan (vị thần quản lý chăm sóc loài voi theo quan niệm của đồng bào), làm lễ đặt tên là Khăm Bun, sau đó đưa vào rừng thuộc Khu du lịch sinh thái của Công ty cao su Đắk Lắk (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để thuần dưỡng. Theo họ cho biết thì chỉ có chỗ đó mới thích hợp với việc thuần dưỡng voi vì có cây cao, bóng mát, suối nước chảy…”

Lúc mới “nhập làng” voi Khăm Bun cao 1,4m, dài 2m, có hai ngà dài 15cm, có trọng lượng ước tính khoảng 500kg. Sau khi từ rừng về, voi đã trải qua tổng cộng 10 lễ cúng theo phong tục, tập quán bắt voi và thuần dưỡng voi rừng của người dân nơi đây… Theo bản kê khai của ông Y Phôi Niê tổng cộng 10 lễ cúng đó tiêu tốn của 11 hộ dân trong làng là 102.650.000 đồng, trong đó có 3 mục “ngốn tiền” nhất và đáng “chú ý nhất” như sau:

Một, tại mục C: “Thời gian thuần dưỡng con voi này đúng vào thời gian mùa khô cho nên ở Tây Nguyên đúng lúc cháy rừng, lúc này voi con không có cỏ ăn nên phải bỏ phí thuê xe chở cỏ về liên tục trong 5 tháng (từ 19/12/2006 đến 19/05/2007). Theo đó mỗi tuần chở về 3 chuyến cỏ với giá 300 ngàn đồng/1 chuyến, mỗi chuyến lại thuê thêm một người phụ với công chi trả là 30.000 đồng. Tổng cộng tiền thuê tất tần tật liên quan đến việc để làm sao có cỏ cho voi Khăm Bun ăn trong vòng 5 tháng vị chi là 18 triệu đồng”.

Hai, tại mục Đ: Theo phong tục tập quán khi vào rừng bắt được voi về: “Một con voi săn phải 2 người cưỡi. Đợt đi này có 4 con voi săn nên phải có 8 người cưỡi trong đó, một con voi trồng dây chính, một con voi có nhiệm vụ phải dẫn con voi săn được về. Hai con voi này phải thuê là 2 con trâu "hết cỡ" mà 1 con trâu tương đương với 8,5 triệu, hai con bằng 17 triệu đồng. Người cưỡi voi trồng dây chính có 2 người (tức là hai người này cưỡi một con voi bắt được voi con về). Tiền phong tục cứ một người phải thuê một con trâu lớn hết cỡ tương đương với số tiền là 8,5 triệu đồng. Hai người này phải thuê hai con trâu tương đương với số tiền là 1,7 triệu đồng (tức 34 triệu).

Ngoài ra theo nội dung bảng kê thì tiền chi trả cho công tổ nuôi dưỡng và thuần dưỡng gồm 8 người là: 695 ngày công x 50 ngàn đồng/ngày = 34 triệu 750 ngàn đồng. Chi phí công cán cho tổ nuôi dưỡng và thuần dưỡng voi Khăm Bun cộng với “công làm theo phong tục, thuê xe, thuê người cắt cỏ, voi lạc đường phải chuộc về và thuê dụng cụ” rải rác ở các điều khoản khác cộng lại vị chi hết hơn 102 triệu đồng như đã nêu ở trên.
 
Dạy Khăm Bun thành “nghệ sĩ xiếc”

Theo như nội dung biên bản bàn giao voi Khăm Bun thì trách nhiệm của Liên đoàn xiếc Việt Nam là phải quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, và sử dụng voi đúng quy định hiện hành đối với động vật hoang dã quý hiếm. Tuy vậy, hiện chưa thể khẳng định được là đến bao giờ voi Khăm Bun mới chính thức được luyện tập bởi theo như ông Tạ Duy Nhẫn thì dù tình trạng voi Khăm Bun sau khi về Hà Nội sức khỏe đã ổn định nhưng vì chân trái của voi Khăm Bun bị mất một móng cùng với di chứng do mắc bẫy để lại đến giờ chưa khỏi hẳn nên voi vẫn đi lại khập khiễng, hàng ngày chỉ được các nghệ sĩ thuộc bộ môn xiếc thú tắm rửa và cho “đi dạo” quanh khu vực nuôi cho khỏi tù túng.
 
Voi Khăm Bun đang được cho ăn

Để chữa lành lặn vết thương cho voi Khăm Bun, theo ông Tạ Duy Nhẫn trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn vì: “Chúng tôi không tìm đâu ra một máy chụp X-quang toàn bộ vùng chân trái bị thương của voi Khăm Bun. Vì không chụp được để phân tích nên mỗi khi voi tỏ ra khó khăn trong khi đi lại hoặc dấu hiệu vết thương nhiễm trùng chúng tôi chỉ biết vệ sinh và tiêm kháng sinh. Hơn nữa, vì một móng của voi đã bị bong hẳn mà để mọc lại thì rất lâu nên cùng với di chứng do mắc bẫy để lại chúng tôi đang nghĩ đến việc sẽ cho voi Khăm Bun “đeo ủng”. Nếu thấy ổn thì sẽ tiến hành sắp xếp thời gian thích hợp luyện tập dần cho voi. Còn không có tiến triển gì buộc chúng tôi phải tiếp tục chờ. Tuy nhiên, nếu làm vậy nom vào voi sẽ rất xấu vì phần nào làm mất đi sức mạnh thể hiện qua đôi chân của loài vật lực lưỡng mang vẻ đẹp hoang dã này. …”

Ông Nhẫn tâm sự: “Hàng ngày chúng tôi vẫn phải cắt cử người chăm sóc voi, chi tiền mua thức ăn và thuốc thang cho voi…, nghĩa là vẫn phải chi mà chưa được thu. Cũng phải thôi, bởi voi đang “chấn thương” mà. Nhiều lúc rất sốt ruột nhưng lại không thể vội vàng, gấp gáp được. Làm gì chứ làm “nghệ sĩ không tiếng nói” này cũng cần rất nhiều thời gian khổ luyện. Hơn nữa đây là con voi do Chính Phủ giao cho, nên chúng tôi càng phải quyết tâm hơn trong việc nuôi dưỡng, chữa trị vết thương cho voi, không để xảy ra bất cứ sơ xuất nào đáng tiếc. Nhất định chúng tôi sẽ đào tạo Khăm Bun trở thành một "nghệ sĩ trên sân khấu tròn’”.
 
"Chúng tôi dự định sẽ có buổi biểu diễn ra mắt Thủ tướng"

Hiện tại, ông Nhẫn cùng với những nghệ sĩ thuộc bộ môn xiếc thú đang lên tiết mục để đợi khi voi Khăm Bun đi lại được như ý sẽ bắt đầu cho luyện tập. Ông Nhẫn nói: “Voi Khăm Bun tuy là một con voi đực, giống voi vốn dĩ có bản năng tự nhiên rất mạnh, khó thuần dưỡng hơn voi cái nhưng là một con voi đẹp. Nếu khi nào đó cảm thấy voi đã bình phục hoàn toàn chúng tôi sẽ cho tập một số tiết mục như voi đi, đứng bằng hai chân, voi ngồi ghế, voi chống đầu, biểu diễn cùng người hoặc một số động vật khác….

Được ông Nhẫn cho tiếp xúc với voi Khăm Bun và xem chi tiết “bệnh án” chúng tôi thấy tình trạng sức khỏe của voi tiến triển tốt, vết thương nơi chân trái của voi cũng đã dần kín miệng, không còn lở loét như ảnh chụp ông Nhẫn cho xem ngày voi còn đang ở với người dân bản trong Đắk Lắk.
 
Vết thương trên chân trái voi Khăm Bun do mắc bẫy đang dần kín miệng

Ông Nhân phấn khởi cho biết: “Sau khi chữa trị và tập luyện cho voi trở thành một "diễn viên xiếc chuyện nghiệp" trên sân khấu tròn, chúng tôi dự định sẽ có buổi biểu diễn ra mắt Thủ tướng cùng khán thủ đô, qua đó bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với Chính phủ vì đã rất quan tâm đến ngành xiếc nói chung và bộ môn xiếc thú nói riêng… Và, chúng tôi tin sẽ làm được, làm thành công việc đó”

Yên Khương

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm