Olympic VN từ trận thắng Campuchia 2 – 0: Lạc quan

19/09/2010 09:03 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Trước một ĐT Campuchia được tổ chức bài bản, các cầu thủ trẻ Olympic VN đã chơi rất đĩnh đạc, cầm bóng và tổ chức trận đấu theo cách của mình, buộc đối thủ phải hở sườn. 2 bàn thắng của Olympic VN đều xuất phát từ những tình huống cố định, nhưng nó cũng phần nào lột tả được khả năng chớp thời cơ của hàng công (dù vắng Anh Đức, do chấn thương cổ chân). Nên nhớ, tận dụng bóng chết cũng là một nghệ thuật.

Bàn thắng đầu tiên là pha đá phạt hàng rào và Văn Thắng có vẻ như đã gặp may, khi bóng chạm người cầu thủ Campuchia rồi đổi hướng, nhưng đến tình huống ghi bàn thứ 2 (trung vệ Hữu Phước) thì lại là pha phối hợp phạt góc rất cơ bản.

Hình hài của “tiqui – taca”


“Cầm bóng và chơi đi! Tiếp tục đi! Sai rồi làm lại, không tiếc nuối”, chất giọng khàn khàn đặc trưng của HLV Phan Thanh Hùng từ cabin BHL. “Hiếu chuyển hướng bóng đi. Khải quay lại nhả về cho Đồng, người ta bịt hướng đó rồi. Dũng chạy đi, chạy mạnh. Tùng mở ra và bứt tốc đi, không ngoảnh đầu lại…”, vẫn những chỉ đạo của vị tướng họ Phan. 19/29 cầu thủ Olympic VN đã được sử dụng trong trận đấu tập này và cơ bản đều hoàn thành nhiệm vụ.



 ĐT Olympic VN (trái) đã có màn ra mắt khá ấn tượng trước ĐT Campuchia. Ảnh: Phương Nghi

Đối thủ đã phải đuổi theo bóng bở cả hơi tai cả 3 – 5 phút, nhưng vẫn không đoạt lại được bóng. Tính từ vị trí trái bóng được phát triển (hậu vệ biên), Olympic VN có đôi khi thực hiện đến vài chục đường ban ngắn, để đưa bóng tới gần vạch 16m50 của Campuchia. Những pha đập nhả tanh tách, nhịp nhàng và nó khiến cho người xem cảm thấy rất thích mắt. Vài trăm khán giả có mặt trên khán đài sân Thành Long 1 đã không tiết kiệm những tràng pháo tay.

Cũng thi thoảng xuất hiện những đường chuyền dài, ví như khi cần chuyển hướng bóng tấn công hoặc mảng miếng phối hợp đập nhả, đánh tam giác theo nhóm 3 người trở lên. Phần lớn thời gian của trận đấu, các cầu thủ Olympic VN được hiệu lệnh cầm bóng chắc và phối hợp với nhau ở cự ly gần, xoay quanh những tiền vệ trung tâm (Văn Hiếu, rồi Văn Bình ở nửa cuối hiệp 2), trước khi chuyển ra biên cho tiền đạo cánh hoặc đánh thẳng vào trung lộ khi có không gian.


Đó là hình hài của “tiqui-taca”, chắc chắn rồi.


Khủng hoảng thừa khu giữa sân


Với sơ đồ 4 – 5 – 1 kiểu mẫu và đang được xây dựng trên bình diện cả 2 ĐT, hàng tiền vệ chiếm phân nửa quân số trên sân. Tuy nhiên, nó lại không xông xênh như nhiều người nghĩ. Những người có thiên hướng bám biên (tiền vệ hoặc tiền đạo cánh, khi dịch chuyển chiến thuật) khá tách biệt so với phần còn lại. Olympic VN đang có Mạnh Dũng, Ngọc Điểu và Thanh Trung đá cánh trái; Danh Ngọc, Đức Thiện và Đình Tùng (phải). Riêng với trường hợp của Văn Khải thì tương đối khó để tìm vị trí phù hợp cho cầu thủ này và trên thực tế, Khải cũng khá yếu thế so với các cái tên vừa nhắc.


Chiều qua, nếu như Công Huy phải ngồi ngoài vì chấn thương, thì Quang Tình và Vũ Anh Tuấn cũng không xuất trận. Cùng với Văn Hiếu (được sử dụng 2/3 thời gian trận đấu) và Văn Bình (ở 1/3 khoảng thời gian còn lại), những cái tên vừa nhắc đều có sở trường đá ở giữa sân, những người dường như sinh ra để làm ông chủ của trận đấu. Ngay cả Thái Dương (cũng giữ thiên chức này), cũng không ý thức được vị trí của mình ở đâu, khi được tung vào sân về cuối trận.


Một cuộc khủng hoảng thừa thực sự ở khu vực vòng tròn trung tâm và thậm chí cả tuyến 2. Nhưng đây là một tín hiệu lạc quan, cho kế hoạch chuẩn bị tiến tới Asian Games 16. Danh sách 20 cầu thủ dự Asian Games 16 (theo điều lệ của giải đấu) sẽ được chốt vài ngày trước khi lên đường.


Với trình độ sàn sàn nhau và phần lớn đều được rèn giũa ở đấu trường V-League, nên cuộc cạnh được dự báo là rất khắc nghiệt, nếu muốn trụ lại, hoặc nữa là giành suất đá chính.


TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm