“Một ông chủ 2 đội bóng” ở bóng đá VN: Cần có sự công bằng

23/02/2011 13:38 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trao đổi với TT&VH, dù ở cương vị HLV trưởng hay nhà quản lý thì lãnh đạo các CLB ở V-League và hạng Nhất cũng đều không tán thành phương án “một ông chủ 2 đội bóng” và cho rằng đây là một bất cập của bóng đá VN.

Ông Nguyễn Thành Vinh (HLV trưởng HP.HN)

Tôi có theo dõi trận đấu giữa HN.T&T và SHB.ĐN ở vòng 3 Eximbank V-League 2011 và cảm nhận rằng, đó là một trận đấu “sạch”. Nhưng chừng đó vẫn là quá ít để xóa tan những dị nghị của thiên hạ. Vì có những nguyên tắc mà chúng ta không thể vượt qua, chẳng hạn nguyên tắc một vợ một chồng đã được quy định trong luật Hôn nhân và gia đình.

Đồng ý rằng trong hoàn cảnh không có gì “nước sôi lửa bỏng”, 2 đội bóng cùng một chủ sở hữu có thể chơi sòng phẳng với nhau. Nhưng hãy thử đặt ra những tình huống nhạy cảm hơn, liệu họ có đứng nhìn nhau “chết”?

Nếu theo dõi bóng đá quốc tế, các bạn cũng thấy là FIFA quy định rất chặt chẽ nguyên tắc: 2 đội bóng có cùng chủ sở hữu thì sẽ không được phép thi đấu trong một giải, dù là với bất cứ lý do nào. Bây giờ chuyện này lại ngang nhiên tồn tại ở VN, cả ở hạng Nhất và V-League. Nếu FIFA biết chuyện này, có thể không chỉ các CLB đó mà ngay cả VFF cũng bị phạt rất nặng.

Trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá VN không tránh khỏi những thiếu sót, bất cập nên nói nhiều đôi khi thành ra mất hay. Cá nhân tôi chỉ mong rằng mọi người hãy vì mục tiêu chung là sự phát triển của bóng đá VN mà biểu hiện quan trọng nhất của nó là các trận đấu diễn ra sòng phẳng và công bằng.

Ông Vương Tiến Dũng (HLV trưởng V.Hải Phòng)

Vấn đề xem xét tư cách của 2 đội bóng cùng một chủ sở hữu nhưng vẫn thi đấu ở cùng một giải là trách nhiệm của VFF chứ không phải là những HLV như tôi. Có thể hơi khó nghe nhưng tôi buộc phải nói thẳng là chẳng có nước nào làm bóng đá giống như VN cả. Ngay cả một nguyên tắc tối thiểu như thế mà còn không đáp ứng được thì quả là rất khó hiểu.

Cả V-League lẫn giải hạng Nhất đều mới chỉ diễn ra vài vòng nên chưa thể kết luận điều gì. Nhưng tôi tin rằng nếu ở trong một tình huống khác, những “bất cập” của việc 2, 3 đội bóng chung một chủ sở hữu sẽ lộ ra.

Đặt vào địa vị người dẫn dắt một đội bóng như tôi các bạn mới thấy là thân cô thế cô đi liền với rất nhiều thiệt thòi. Thành công hay thất bại luôn phải dựa vào chính năng lực của mình. Chưa nói đến “cứu” nhưng ngay cả  việc “dọn dẹp” những đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì cũng không ai giúp mình cả.

Vấn đề này đã được nhiều người nói rồi nhưng tôi nghĩ cũng không thay đổi được điều gì. Chỉ mong cái gì cũng nên có chừng mực và giới hạn để không ảnh hưởng đến cuộc chơi chung.  

Ông Nguyễn Tấn Anh (Trưởng đoàn bóng đá HA.GL)

Quan điểm của tôi cho rằng đây là một tồn tại bất hợp lý của BĐVN hiện tại, vì một ông chủ sở hữu 2 đội bóng trong cùng một hạng đấu thì sẽ ảnh hưởng đến toàn cục diện của giải đấu đó.

Theo tôi đã tìm hiểu thì không nền bóng đá nào trên thế giới có trường hợp ngoại lệ như ở VN chúng ta. Thậm chí từ xa xưa, bóng đá VN cũng không có tiền lệ này. Ở quá khứ, TP. HCM có những đội bóng như CA. TPHCM, Cảng Sài Gòn, Hải Quan… Hà Nội có CAHN, Đường sắt VN, Thể Công…, song tất cả đều thuộc sở hữu của những người, ban ngành khác nhau.

Cứ nhìn cách xử trí của UEFA trong vụ việc CSKA Moscow và Chelsea ở Champions League 2007 là đủ thấy ở nền bóng đá tiên tiến, họ ngăn chặn chuyện này từ khi còn trong trứng nước. 

Một ông bầu sở hữu 2 đội bóng, khi quyền lợi xung đột, lấy ai đảm bảo những điều nhạy cảm sẽ không xảy ra. Có câu “máu chảy ruột mềm”, là anh em trong nhà, em ngã thì anh nâng và anh ngã thì ngược lại, em nâng. Nhìn nhau như vậy mà không xót xa sao được. Trận đấu giữa HN. T&T và SHB.ĐN vừa rồi, mọi chuyện xảy ra là không có gì đáng nói. Nhưng tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu?

Việc bầu Hiển làm, bầu Thụy làm, thì tất cả những ông bầu khác, như bầu Đức, cũng có thể làm được, vấn đề là bầu Đức không thích như vậy. Nhưng lấy gì đảm bảo là tất cả những ông bầu khác đều không chạy theo điều này và lúc đó bóng đá VN sẽ thế nào? Tôi không tiện nói ra nhưng tôi biết có những người đang manh nha ý đồ sở hữu cùng lúc hơn một đội bóng ở cùng một giải đấu.

Còn những mô hình bóng đá như Bình Dương và Hà Nội là  ngoại lệ, và tôi nghĩ đó là một điều tốt, đáng học tập. Họ đầu tư những đội bóng ở các hạng đấu khác nhau (ở Bình Dương là TDC.BD và B.BD; ở Hà Nội là Hà Nội và HN.T&T - PV), không bị xung đột về mặt thành tích, quyền lợi. Sắp tới, chúng tôi cũng muốn làm chuyện đó, tạo thêm một sân chơi để cho cầu thủ trẻ cọ sát và sẽ thay thế dần lớp đàn anh trong tương lai.

Tôi không có ý ghét bỏ ai nhưng không thể để những điều không công bằng như thế tồn tại trong nền bóng đá VN hiện tại. Tham khảo các nền bóng đá trên thế giới, tôi chưa gặp tiền lệ này. Ngay cả những quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… không hề có chuyện đó.

Với quan điểm nhìn về cái chung, tôi khẳng định bóng đá VN muốn phát triển thì không nên có những tình trạng như thế. VFF đang tạo ra một tiền lệ không tốt cho bóng đá VN.

Ông Trần Bình Sự (HLV trưởng Đồng Nai Berjaya)

Theo tôi, luật FIFA đã có rồi, VFF nên chiếu theo đó mà làm thôi. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là mình phải tìm cách xác minh chính xác, nguồn gốc kinh phí nuôi cả 2 đội bóng đó là do ai chi, có phải một mình ông chủ đó nuôi cả 2 đội bóng thật không.

Khi một ông chủ sở hữu 2 đội bóng thì ai mà biết được ông có chỉ đạo nhường, tập trung điểm cho đội này để đội này vô địch, hoặc tập trung điểm cho đội kia để đội kia chống xuống hạng hay không. 2 đội bóng trong cùng một hạng đấu là không công bằng và không nên để thực trạng này tồn tại mãi được. Quan điểm của tôi là không đồng ý với vấn đề này.

Hoàng Minh - Việt Hòa (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm