Từ Champions League ngẫm chuyện V-League

23/02/2011 12:11 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Tuần trước, V-League vừa chứng kiến trận đấu “gà cùng một mẹ” giữa HN.T&T với SHB.ĐN, và tới cuối tuần này, đến lượt giải hạng Nhất cũng có show diễn tương tự, khi 2 anh em trong gia đình Xuân Thành là BHTS Quảng Nam và SG.XT đọ sức với nhau trên sân Tam Kỳ. Tất nhiên, về danh nghĩa, các đội bóng cùng nhà này đều có tư cách pháp nhân độc lập để đăng ký một cách hợp lệ với VFF, nhưng với những người trong cuộc, chẳng khó để biết thực sự những cặp anh em này có mức độ độc lập như thế nào với nhau.

Trong tương lai, những trường hợp như HN.T&T-SHB.ĐN hay BHTS Quảng Nam-SG.XT sẽ không còn là cá biệt, bởi nếu sau này Hà Nội, SQC Bình Định (hạng Nhất) hay SHB.Đà Nẵng (hạng Nhì) giành vé thăng hạng V-League, giải VĐQG sẽ chẳng khác nào giải vô địch bóng đá doanh nghiệp mở rộng, khi có sự xuất hiện của 2, 3 hoặc thậm chí là 4 đội bóng từ cùng một nhà.

Như thế thì V-League, giải bóng đá mà chúng ta luôn tự nhận là số 1 Đông Nam Á, liệu có còn duy trì được sự công bằng hay không? Câu trả lời là “Rất khó”, bởi như phân tích của một nhà chuyên môn kỳ cựu đang làm việc cho VFF: “Chỉ cần có 2 đội bóng cùng nhà để áp dụng chiến lược 3 điểm sân khách 3 điểm sân nhà thôi cũng đã là lợi thế cực lớn so với các CLB khác rồi”.

Các cầu thủ SHB.ĐN công kênh ông bầu Đỗ Quang Hiển

Trước đây, mỗi khi động tới vấn đề chống tiêu cực trong bóng đá, người ta luôn viện dẫn tới câu nói: “Chứng cứ đâu? Làm sao tìm được chứng cứ?” để che đậy cho sự bất lực (hoặc giả như bất lực của mình). Thế nhưng, khi cơ quan chức năng vào cuộc và đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ tiêu cực, từ đội bóng, trọng tài cho tới cả cầu thủ, thì tất cả mới thấy rằng hóa ra chống tiêu cực không khó như vẫn tưởng, mà vấn đề là chúng ta có muốn làm và có quyết làm đến cùng hay không mà thôi.

Và dĩ nhiên, khi tiêu cực đã phát triển thành ung nhọt, bắt buộc phải dùng biện pháp cứng rắn để loại trừ thì hậu quả để lại sẽ rất ghê gớm, mà bằng chứng tiêu biểu là việc bóng đá VN đã mất đi rất nhiều trọng tài và cầu thủ giỏi sau sự cố năm 2005. Vì thế, việc ngăn chặn những tiêu cực từ khi nó còn là biểu hiện, hoặc mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bóng đá VN, mà như người ta vẫn nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Có một thực tế là bóng đá thế giới đã có những tiền lệ rõ ràng và cả cách xử lý để một cá nhân không được sở hữu nhiều hơn một đội bóng ở cùng một giải đấu, bởi những hậu quả của việc “gà nhà (cùng) đá (với) nhau” là rất nghiêm trọng, nhưng không hiểu vì sao mà cuối cùng chuyện này vẫn xuất hiện ở sân cỏ VN và thậm chí còn đang có xu hướng phát triển thành một trào lưu.

Nói tới đây lại chợt nhớ tới chuyện xảy ra ở giải hạng Nhất năm 2010, khi số vé thăng hạng chuyên nghiệp chính thức lại phụ thuộc vào những CLB không có khả năng thăng hạng, và bởi thế mà á quân giải hạng Nhất Than Quảng Ninh đã mất vé thăng hạng trực tiếp.

Bất cập đã rõ ràng đến như thế mà ở mùa bóng năm nay quy định này vẫn tiếp tục tồn tại, trong khi để thay đổi điều đó chỉ cần sửa vài chữ trong Điều lệ giải là xong. Chuyện nhỏ như thế mà người ta còn không làm, vậy biết mong gì ở việc lớn hơn như “gà nhà (cùng) đá (với) nhau”? Thôi thì đành an ủi, V-League chứ có phải Champions League đâu mà cứ đòi làm theo UEFA!

Nhật Huy

Cách đây chưa lâu, khi vừa phong thanh nghe tin ông trùm dầu lửa Nga Roman Abramovich định mua lại cổ phần của CLB FC Copenhagen thuộc giải VĐQG Đan Mạch cho cậu trai 16 tuổi là Arkady, ngay lập tức UEFA đã tiến hành điều tra và có những cảnh báo nghiêm khắc, vì luật UEFA quy định một cá nhân không thể sở hữu cả 2 CLB cùng lúc, và với các thành viên cùng gia đình cũng tương tự.

Thế nên, cuối cùng Abramovich chỉ mua có 30% số cổ phần (chưa đủ 51% để được công nhận quyền sở hữu) của FC Copenhagen. Sự cảnh giác của UEFA là không thừa, bởi chỉ một thời gian ngắn sau đó, kết quả bốc thăm vòng 1/8 Champions League đã đưa FC Copenhagen trở thành đối thủ của Chelsea, và chẳng ai dám chắc nếu FC Copenhagen thực sự thuộc quyền sở hữu của ông trùm Abramovich thì nhà tài phiệt này có yêu cầu FC Copenhagen “thả” cho Chelsea vào tứ kết, hay sẽ yêu cầu 2 đội thi đấu hết mình, như niềm tin mà VFF dành cho 2 anh em HN.T&T-SHB.ĐN vừa qua hay BHTS Quảng Nam-SG.XT sắp tới?

Trước đó không lâu, năm 2007, khi phát hiện nhà Abramovich sở hữu cổ phần của CSKA Moscow, mà CLB này năm đó sẽ tham dự vòng sơ loại Champions League, UEFA đã gây sức ép để buộc Abramovich phải bán cổ phần của gia đình mình ở CSKA Moscow cho cổ đông khác, nếu không cả 2 CLB Chelsea và CSKA Moscow sẽ cùng bị loại khỏi Champions League.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm