Cần một VPF trong lòng VFF

25/11/2011 12:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Trong 4 kỳ SEA Games gần đây nhất, có tới 3 lần màn trình diễn của ĐT U23 VN Đại hội thể thao Đông Nam Á đã trở thành cơn ác mộng với người hâm mộ VN (năm 2005, 2007 và 2011), và bây giờ đã đến lúc phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc rằng, phải chăng cần có một VPF nữa, nhưng không phải là để điều hành V-League mà nhằm mụ đích thay thế vai trò của chính VFF.

Ai cũng biết sự ra đời của VPF xuất phát từ nhu cầu bức thiết và thực tế sau khi năng lực làm việc của BTC giải do VFF chỉ định không đáp ứng được yêu cầu công việc, khiến giải VĐQG mỗi năm lại có thêm nhiều diễn biến phức tạp bên cạnh những vấn nạn tồn tại dai dẳng. Vì thế, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, VPF từ chỗ chỉ là ý tưởng của 6 ông bầu bóng đá nêu ra tại Hội nghị Chủ tịch các CLB đã được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức phê duyệt để đi vào hoạt động ngay ở mùa giải sắp tới.


Thất bại của ĐT U23 VN ở SEA Games 26 không thể chỉ quy trách nhiệm cho một mình HLV Falko Goetz. Ảnh: Quốc Khánh

Câu hỏi đặt ra ở đây là đến bao giờ thì có một VPF như thế trong bộ máy của VFF, để những nỗi buồn mang theo rất nhiều dư vị cay đắng như 3 kỳ SEA Games 2005, 2007 và 2011 không còn lặp lại?! Thắng thua trong bóng đá là chuyện bình thường, và ngay cả đội bóng số một thế giới như Tây Ban Nha hiện nay cũng có lúc bại trận, song cứ thất bại như ĐT U23 VN ở 3 kỳ SEA Games nêu trên thì không thể không khiến dư luận bức xúc.

Thật không thể tưởng tượng nổi thi đấu bạc nhược và thất vọng như ĐT U23 VN ở trận thắng 3-1 trước ĐT U23 Lào ở vòng bảng SEA Games 26 mà vẫn được VFF phóng tay thưởng tới 1 tỷ đồng, trong khi các VĐV thi đấu ở những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic của đoàn thể thao VN như bơi lội, điền kinh, cử tạ dù giành được HCV SEA Games 26 cũng chưa chắc nhận được số tiền thưởng bằng 1/10 con số 1 tỷ kể trên.

Phải chăng vì mỗi chiến thắng, hay chính xác hơn là thành tích khả quan của ĐT bóng đá, ở các giải đấu chính thức là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cho chiếc ghế của một số quan chức trở nên chắc chắn hơn, nên người ta không ngại tung ra những khoản tiền khổng lồ để làm liều doping tinh thần cho các tuyển thủ? Ở một khía cạnh nào đó thì đây không phải là một loại hình “đầu tư mạo hiểm”, bởi khi ĐT chiến thắng và có danh hiệu thì sẽ rất nhiều nhà Mạnh Thường Quân chủ động tìm đến, lúc ấy thì kể cả thưởng cho ĐT hàng chục tỷ đồng cũng chẳng phải là bài toán khó khăn.

Còn nhớ, sau SEA Games 2007, khi ĐT U23 VN thất bại nặng nề và khiến dư luận cả nước sôi lên sùng sục nhưng chiếc ghế của các quan chức VFF vẫn vững như bàn thạch, lúc mọi chuyện đã yên ổn, một lãnh đạo VFF đã bật mí: “Thực ra hồi ấy áp lực cũng ghê gớm lắm, thiếu chút nữa thì…”. Cái từ chính xác nằm sau dấu ba chấm không được vị lãnh đạo VFF kể trên nói nốt, nhưng ai cũng hiểu được ý ông muốn ám chỉ điều gì.

Niềm vui của vị lãnh đạo VFF lúc ấy có khi lại là nỗi buồn của không ít người hâm mộ, bởi nếu VFF được cải tổ triệt để ngay từ thời điểm đó thì có thể tấn bi kịch tại SEA Games 24 năm 2007 sẽ không xuất hiện trở lại ở SEA Games 26 năm 2011. Ai cũng công nhận rằng hiện giờ bóng đá VN đã sạch hơn rất nhiều, kể từ thời điểm năm 2005, khi hàng loạt vụ tiêu cực trong làng bóng VN được cơ quan chức năng phanh phui và đưa ra xét xử, và phải chăng hiện tại nền bóng đá VN đang cần thêm một cú hích nữa?

Tất nhiên, chúng ta không chờ đợi sẽ có thêm một ai đó đứng trước vòng móng ngựa, vì nếu điều đó trở thành hiện thực thì đấy sẽ là nỗi đau chung cho tất cả chứ không riêng gì cá nhân nào, nhưng sự ra đời của một VPF nữa trong lòng VFF hẳn là khát vọng mà không ít CĐV đang nóng lòng chờ mong, vì có lẽ chỉ như thế mới có thể giúp bóng đá VN tránh khỏi việc lặp lại những nỗi đau như SEA Games 26 vừa qua.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm