Bài 4: Cha truyền, con không nối

11/05/2009 11:52 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Nhạc trưởng thì có đũa chỉ huy, còn “nhạc trưởng” A-Ver chỉ có cây búa sắt. Trông công việc có vẻ khá dễ dàng và nhanh lẹ, nhưng hóa ra không đơn giản như chúng tôi quan sát.

Lấy tay xoa xoa cây búa nhỏ, A-Ver thủng thẳng bảo: “Tiếng chiêng có “đường” của nó, nhìn chiêng phải đọc được “đường” để biết gõ cao, thấp chỗ nào. Phải làm cho mặt nó căng đều tiếng mới tốt. Trước đây búa “dạy chiêng” bằng đồng, bây giờ đồng bị người ta thu mua hết, nên mới phải dùng búa sắt. Búa sắt cứng, không cẩn thận sẽ làm thủng hoặc bể chiêng!”.

Vậy người chơi chiêng có tự phát hiện ra tiếng chiêng hư, cần phải “dạy lại” không?- chúng tôi tò mò. “Có chứ!”. Vậy sao không tự sửa? “Không được đâu” - mấy “nghệ sĩ” trong dàn chiêng của A-Ver cùng trả lời, chắc nịch, như đó là chân lý!
 
Nghệ nhân A-ver và các thành viên trong đội chiêng làng Kon Rơbang
(ảnh Trần Công Minh)

“Nghề” của A-Ver, ở thành phố có nghề tương tự, là thợ lên dây đàn (piano), nói là thợ, nhưng không phải những người thợ thông thường, mà đều là cao thủ đã mòn tay chơi đàn như ông Hòa “chảy” ở Sài Gòn, ông Hiếu ở Hà Nội. Họ không chỉ nắm được kỹ thuật lên dây, chỉnh tiếng đàn, mà còn có lỗ tai cực kỳ tinh tế và thính nhạy với thanh âm. Tuy nhiên với các nhạc cụ phương Tây, hiện tại người ta có thể căn chỉnh bằng máy. Riêng với chiêng Tây Nguyên, có một hệ âm thanh riêng, không thể “son fe” như Tây “đồ, rê, mí”, và cũng không giống bất cứ dàn chiêng của các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Mianmar, Lào, Malaysia). Cũng chính nhờ có “hệ âm thanh riêng” này mà khi nghe GS.TS Tô Ngọc Thanh trình bày tại Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế - một trong những tổ chức tư vấn quốc tế cho UNESCO về âm nhạc, các thành viên của Hội đồng đã nhất trí bỏ phiếu cho không gian văn hóa cồng chiêng Việt Nam trở thành Kiệt tác của văn hóa thế giới.

Một khác biệt nữa của cồng chiêng Tây Nguyên, là nếu như tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, biểu diễn cồng chiêng đã được nâng lên thành chuyên nghiệp và mang tính cung đình, thì cồng chiêng Tây Nguyên chỉ được biểu diễn trong cộng đồng, gắn liền với không gian sống văn hóa của từng bộ tộc, từng buôn làng. Với những “người trần mắt thịt” như chúng tôi, thoạt trông tưởng chiêng nào cũng giống nhau, và các bản nhạc chiêng nghe cũng na ná nhau, nhưng kỳ thực không phải vậy. Theo ông A-Ver thì bên Kontum người ta thích nghe “nốt” (giai điệu), còn bên Gia Lai lại thích nghe “nhịp” (bè) hơn. Vì vậy “biên chế” dàn chiêng ở mỗi dân tộc, mỗi địa bàn cư trú của người Tây Nguyên cũng khác nhau: Dàn 2 chiêng bằng gọi là chiêng Tha của người Brâu, dàn 3 cồng núm của người Churu, Bana, Giarai, Gié-Triêng, dàn 6 chiêng bằng của người Mạ, dàn Stang của người Xơđăng, dàn chiêng của các nhóm Gar, Noong, Prơng thuộc dân tộc M’nông; dàn chiêng Diek của nhóm Kpạ người Êđê, dàn chiêng 11 hoặc 12 chiếc của người Giarai, Bana, Steng... Ở tộc người Churu, Xơđăng, M’nông và đặc biệt người Giarai, Bana, thì phụ nữ (nhất là các cô gái trẻ) làm thành một dàn múa đồng hành với bản nhạc chiêng. Cũng giống như điêu khắc trong mỗi nhà gươl của người Cơ Tu tiếng chiêng cũng sống trong những không gian văn hóa riêng của từng bản làng, từng dân tộc ở Tây Nguyên...
 
Nghệ nhân A-ver và các thành viên trong đội chiêng làng Kon Rơbang
(ảnh Trần Công Minh)

Và cũng chính vì “hệ âm thanh riêng” và những không gian văn hóa cồng chiêng riêng biệt như vậy, mà những đôi tai của nghệ nhân chỉnh chiêng Tây Nguyên và đôi tay tài hoa của họ là một thế giới riêng, gắn với từng cộng đồng người ở đây. Như đã nói, khi người Tây Nguyên mua chiêng từ miền xuôi lên hay từ Lào sang, thì chiêng “không có tiếng”. Những nghệ nhân chỉnh chiêng, hay còn được gọi bằng cái tên “đương đại” hơn - bác sĩ cho chiêng, cũng chính là người “dạy tiếng” cho chiêng và toàn bộ những kỹ năng “dạy tiếng”, chỉnh sửa này đều được truyền dạy qua các thế hệ theo kiểu cha truyền con nối. Một người muốn học nghề chỉnh chiêng phải có thâm niên đánh cồng chiêng (để thẩm âm) từ 20 - 30 năm.

Thông thường mỗi vùng sẽ có một người dạy chiêng của vùng ấy. Bố của A-Ver là nghệ nhân quá cố A - Yong (mất năm 1975), là người dạy tiếng cho chiêng nổi tiếng khắp vùng Dak - rinh. Chiêng mua về không có tiếng - người ta gọi lúc ấy chiêng “chết”, “chết”, thoạt đầu ông A-Yong phải “tìm tiếng” cho chiêng, sau đó chỉnh sửa hoàn chỉnh cho cả dàn. Như A -Ver nhớ lại, thì hồi đó, ông A - Yong dạy chiêng rất nhanh, chỉ cần khoảng một giờ đồng hồ là chiêng “sống liền”. Từ năm 10 tuổi A-Ver đã biết đánh chiêng, nhưng sống hơn nửa đời người, ông mới theo nghề cha, vì nếu không tự sửa cho bộ chiêng nhà mình thì dàn chiêng ở làng Kon Rơbang sẽ “tắt tiếng” do không bói đâu ra người chỉnh chiêng nữa.

Hơn hai tháng trước khi chúng tôi đến Kontum tìm A-ver thì người “dạy tiếng cho chiêng” giỏi nhất vùng này, ông Kuonh ở làng (Plei) Tơngnhe vừa mất. Ở xã Dakla có một nghệ nhân khác, ông Yeu, đang ốm dở. Ở xã Dak - Mạ, huyện Dak - Hà có em ruột ông A-Ver là ông A-Bom, năm nay 70 tuổi cũng biết chỉnh sửa chiêng. Ở huyện Sa Thầy nghe nói cũng còn một người. Nhưng theo lời AVer thì tất cả đều là những “nghệ nhân bất đắc dĩ”, vì không còn ai nên bắt buộc phải ra tay để những bộ chiêng được “sống”. So với trình độ nghệ nhân Kuonh (vừa mất), thì ông A-Ver tự đánh giá mình và một vài người khác chỉ đạt điểm 5/10.

Ở tuổi 74, hàng ngày A-Ver vẫn phi xe máy đi dạy mấy đội chiêng thanh niên trong vùng, nhưng nghề chỉnh chiêng thì chưa biết truyền cho ai mặc dù ông có tới bốn người con trai. Con trai cả của A-Ver, là A - K’lin, năm nay 42 tuổi, là một người thợ tài hoa ở Kon Rơbang, nghề mộc, nghề (thợ) nề, nghề (làm) sắt... cái gì cũng giỏi, đánh chiêng cũng giỏi, nhưng nói đến học chỉnh chiêng thì lắc. Nói đến chuyện truyền nghề cho con, ông trầm ngâm: “Biết làm thế nào bây giờ, nó không thích thì bảo nó thế nào được!”.

Tạm biệt Kon Rơbang, xa dần tiếng chiêng của làng và hình ảnh nghệ nhân A-Ver, dáng vóc vững chãi của một già làng với nước da đồng hun và mái tóc bạc trắng, mà lòng sao không yên.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai, trước năm 1980 trong các bản làng của người Giarai, Bana trong tỉnh có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng, có gia đình sở hữu 2-3 bộ, mỗi bản làng có hàng chục bộ. Đến năm 1999, cả tỉnh chỉ còn 5.117 bộ, năm 2002 còn lại chưa đến 3.000 bộ. Từ năm 1982 đến 1992, tỉnh Đắc Lắc đã mất 5.325 bộ chiêng, từ năm 1993 đến 2003 lại mất tiếp 850 bộ... Đấy là những con số thống kê từ nhiều năm trước, bây giờ sẽ còn lại bao nhiêu? Và các bản nhạc chiêng cũng đang dần dần mất cùng với sự ra đi của các nghệ nhân. Nghe nói người M’nông trước đây có 40 bản nhạc chiêng, nay các nghệ nhân chỉ còn nhớ, lưu truyền và trình diễn được 10 bản. Lại nghe nói một số cán bộ văn hóa địa phương đòi cải tiến chiêng bằng cách bảo dân gò lại theo đúng như hàng âm thanh phương Tây - đồ rê mi pha son... Ở Gia Lai đã có những dàn chiêng bị gò lại để đánh các bài mới và không thể đánh được các bài dân tộc nữa...

Và rồi mai này, khi những A-Ver, A-Bom.v.v cũng chỉ còn trong câu chuyện kể, những dàn chiêng không còn ai “dạy tiếng” có khác chi những dàn chiêng nằm trong các bảo tàng hay các bộ sưu tập tư nhân - những dàn chiêng “chết” khi vĩnh viễn rời xa không gian văn hóa của chúng?

Đón đọc bài tiếp theo: Theo dấu những đêm kể khan
 

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

Thủy Phạm - Hà Châu Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm