Bài 5: Theo dấu những đêm kể khan

20/05/2009 13:44 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - “... Làng Đăk Rơwa bên bờ con sông Đak Bla hiền hòa của Kontum. Làng như một tổ chim nhỏ đậu trên một gành đá hơi nhô ra trên mặt sông ở đoạn này vừa duyên dáng như một cô gái lại vừa thư thái như một cụ già. Cả làng là một tiếng ngân dài nhẹ nhàng và sâu lắng của chính dòng sông kia và những cánh rừng kia, bên này và bên nọ con sông hiền hòa ấy. Nhà rông của làng, có lẽ vào loại nhà rông đẹp nhất hiện nay ở Kontum, cũng rất tài tình, nhỏ thôi nhưng không hiểu tại sao lại tạo cảm giác rất cao, bay bổng mà đằm chắc, mảnh mai và vững chãi. Chính trong ngôi nhà rông ấy tôi đã nghe già làng Đăk Rơwa hát kể sử thi...” (*)

Nhưng đấy là câu chuyện từ hơn 10 năm trước của nhà văn Nguyên Ngọc. Lần này dẫn chúng tôi về lại Kontum, ông bảo: “Còn mấy nghệ nhân hát kể sử thi hay lắm...”
 
Ngôi nhà rông nơi từng diễn ra những đêm kể khan
Có lẽ một trong những điều kỳ lạ nhất của văn hóa Tây Nguyên nhiều bí ẩn chính là sử thi. Người Êđê gọi đó là khan, người M’nông gọi là Ót Nrông, người Gia Lai gọi Hri, Bana gọi H’ăng mon, còn người Kinh gọi đó là trường ca. Một trong những bản trường ca tráng lệ nhất, gần như học sinh phổ thông nào cũng biết, ấy là Bài ca chàng Đam San - Khan Damsan, từng gây chấn động giới nghiên cứu folklore châu Âu khi nó được phát hiện và xuất bản lần đầu năm 1927 (người phát hiện và sưu tầm, dịch khan Damsan từ tiếng Êđê ra tiếng Pháp là viên Công sứ Pháp cai trị tại Đăk Lăk lúc bấy giờ, Léopold Sabatier.

Năm
1927 cuốn sách được xuất bản tại Paris, do Toàn quyền Pháp P.Pasquier và nhà văn Roland Dorgelès viết lời tựa). Lời ca của khan Damsan đến bây giờ vẫn có thể khiến chúng ta phải nghiêng mình kính nể về sự gợi cảm, sức tưởng tượng và bay bổng của từng con chữ. “Hãy đánh vang lên tiếng chiêng nhịp nhàng, hãy đánh thật êm, cho điệu nhạc vang xa khắp xứ. Hãy đánh lên, tiếng chiêng luồn qua dưới sàn nhà, dâng lên cao và thoát ra từ các xà trên mái nhà; cho con khỉ Hua quên cả nắm lấy cành cây; cho các ác thần và các phù thủy quên làm hại con người; cho con rắn mang bành cuộn mình trong hang phải bò ra nằm dài; cho con hươu phải dừng lại, lắng nghe; cho con thỏ phải ngồi yên dựng ngược tai lên; cho con hoẵng phải dừng lại, trương cổ ra mà quên cả gặm cỏ; cho tất cả đều chỉ còn có thể nghe đến tràn ngập tiếng chiêng nhịp nhàng của Damsan...”(**)

Được dự đoán ra đời vào khoảng thế kỷ 16, khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi lớn do các cuộc chiến tranh giữa các buôn làng và từng được so sánh với thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên cũng gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại của buôn làng Tây Nguyên như Đam San, Đăm Di, Xinh Nhã... Thậm chí sử thi Tây Nguyên còn được đánh giá là nhiều hơn hẳn thần thoại Hy Lạp về dung lượng, với hơn 200 bộ đã được sưu tầm, ghi chép; có những sử thi ngắn mà cũng có tới vài trăm câu, có những sử thi dài tới 30.000 câu, có thể xếp vào loại dung lượng lớn nhất trong văn học dân gian thế giới!

Nhưng sự kỳ diệu của sử thi Tây Nguyên so với nhiều sử thi dân gian các dân tộc khác, cũng giống như sự độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên (xem loạt Di sản văn hóa Tây Nguyên bài 3 và 4), là sức sống đương đại của nó trong các buôn làng: chiêng phải được đánh lên và khan phải được kể, được hát lên. Khan được kể trong những đêm đặc biệt ở nhà rông, với những nghi lễ cũng thật đặc biệt.
 
Và nhà rông với mái tôn (Ảnh: Trần Công Minh)
“... Đêm trong nhà rông, hầu như cả làng đều có mặt. Mấy ché rượu cần đã được mở. Từng nhóm quây quanh ché rượu. Cười nói lúc râm ran, lúc thì thào. Đủ mọi chuyện, chuyện có con thú lạ nào đó mới xuất hiện trong từng, tiếng kêu lạ, dấu chân lạ, hành tung cũng lạ. Con thú gì? Vì sao nó tìm đến rừng này? Hay một con thú quen không biết bỏ đi đâu lâu lắm rồi nay bỗng đột ngột trở về, đã có người gặp, điềm gì đây? Chuyện mùa tỉa lúa đã bắt đầu, những cơn mưa mong chờ sao còn chưa đến? Chuyện mắng mỏ và khuyên nhủ một cậu con trai mới lớn chưa biết ứng xử cho phải phép với người già. Cả chuyện ngoài Hà Nội vừa nghe được trên đài. Cả chuyện quốc tế nữa, bên Mỹ, bên Tàu... (kiểu này ngôn ngữ đương đại của người Kinh gọi là “tám”). Thỉnh thoảng một cô gái trong một nhóm ở cuối nhà rông bỗng đột ngột cất lên tiếng hát. Rồi tiếng hát chợt tắt, cũng như nó đã chợt bắt đầu... (một kiểu “hát với nhau”?). Nhưng, đến một lúc, có ai đó gõ mạnh mấy tiếng xuống mặt sàn, và như một dấu hiệu đã được thống nhất, các nhóm rải rác khắp nhà bỗng kéo nhau dồn hết về một chỗ: quanh bếp lửa ngay chính giữa nhà rông. Hóa ra nãy giờ nhân vật chính của đêm nay đã ngồi sẵn ở đấy: già làng. Và việc chính đêm nay bây giờ mới khởi sự: già làng sẽ kể sử thi!”.

Ông già gỡ chiếc ống điếu ra khỏi miệng và gõ nhẹ lên hòn đá dùng làm ông đầu rau ở bếp lửa. Tiếng gõ nhẹ nhưng rất âm vang. Im lặng. Ông cụ ngồi thẳng người, đằng hắng lấy giọng và bắt đầu hát. Giọng ông ngân nga, trầm bổng, một điệu nhạc đều đều, đôi khi hơi cất lên một thoảng, lại chùng xuống, đều đều, đến buồn tẻ, nhưng rồi bỗng đột ngột vút lên, cao vọi, đến ngút hơi, và cũng đột ngột như vậy, lại trầm xuống đến thì thầm...

Có kịch nữa. Lời đối thoại được hỗ trợ bằng chuyển động phong phú và liên tục trên khuôn mặt người kể, bằng cả động tác tay, có lúc toàn thân... Thỉnh thoảng ông cụ đứng hẳn dậy, bước đi và vung vẩy tay chân trong một không gian tưởng tượng” (*).

Giống như một giao hưởng, khan cũng có từng chương với những khoảng lặng khá dài. Và cũng giống như một vở kịch, với những nguyên tắc ước lệ rất cao. Một khan như già làng Đăk Rơwa đã kể, kéo dài qua nhiều đêm, có thể 10 đêm như vậy mới xong. “Có một nguyên tắc bất di bất dịch khi hát kể sử thi: đã bắt đầu một sử thi thì mười hay đến mấy chục đêm cũng không bao giờ được bỏ dở. Hết đêm trắng này qua đêm trắng khác, phải hát kể cho tận cùng, phải nghe theo cho đến tận cùng. Bởi, cũng như mọi con người ở trên trần gian và mọi vật trong vũ trụ vô biên này, các nhân vật trong sử thi cũng phải đi cho kỳ hết số phận của mình, không ai được dừng lại dang dở giữa chừng” (*). Nhưng hơn 10 năm đã qua rồi. Vâng, tất cả những câu chuyện kể trên là chuyện của 10 năm trước. Con đường mà hơn 160 năm trước, những nhà truyền giáo Pháp đầu tiên tìm lối lên Tây Nguyên muốn vượt qua phải mất nhiều tháng và nhiều người đã gục ngã, thì giờ đây chỉ mất hơn nửa ngày từ Đà Nẵng và khoảng một ngày đi xe từ TP.HCM. Mọi thứ lao nhanh với tốc độ khiến chính chúng ta cũng phải giật mình. Và cũng giống như mọi con người trên trần gian và mọi vật trong vũ trụ vô biên này, những đêm kể khan đang đi đến đến dấu chấm hết cho số phận của mình...

(*) Trích từ Những chiều kích của rừng - Nguyên Ngọc
(**) Trích Bài ca Chàng Đam San

Đón xem tiếp kỳ tới: Chương “final” của bản giao hưởng sử thi
Phạm Thị Thu Thủy

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

 

 


 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm