Ý niệm về nhiếp ảnh ý niệm (Bài 1)

04/08/2011 07:09 GMT+7 | Văn hoá


Một tác phẩm ý niệm của nhiếp ảnh gia Misha Gordin

Nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography) nằm trong nghệ thuật ý niệm (conceptual art), từ lâu đã tồn tại trong dòng chảy của nhiếp ảnh hiện đại, có điều ở một vài thời điểm nó không được thừa nhận. Trong lịch sử phát triển, nhiếp ảnh ý niệm để lại nhiều cái tên sáng giá và trở thành trào lưu của nhiều tay máy nghệ thuật. Ở Việt Nam trào lưu này đang manh nha xuất hiện (dù đã không còn mới ở phương Tây) và tất nhiên sẽ xuất hiện câu hỏi: Nhiếp ảnh ý niệm là gì? Đó là một câu hỏi không dễ để trả lời.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG


(TT&VH Cuối tuần) - Khác với những “bức ảnh của khoảnh khắc” gần gũi với nhiếp ảnh báo chí mà công chúng quen thuộc lâu nay, những bức ảnh ý niệm thường được thiết kế rất kỹ trước khi chụp. Chính những ý tưởng, ý niệm ẩn giấu dưới sự thể hiện của bức ảnh mới là linh hồn của tác phẩm, hay mới chính là nghệ thuật... Các thao tác chụp ảnh, kỹ thuật xử lý, tất cả chỉ là phương tiện để tạo nên một tác phẩm theo ý đồ của nhiếp ảnh gia.

Ra đời

Khi nói tới nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), không thể bỏ qua khởi nguồn của nó là nghệ thuật ý niệm (conceptual art) mà nghệ sĩ người Pháp Marcel Duchamp với tác phẩm nổi tiếng Fountain trưng bày một chiếc bồn tiểu nam vào năm 1917 được xem như cha đẻ của trào lưu mới này. Có thể hiểu một cách sơ lược và ngắn gọn, trong một tác phẩm nghệ thuật ý niệm, thì ý niệm (concept) hay ý tưởng (idea) là điều quan trọng nhất. Người nghệ sĩ có thể dùng bất cứ cái gì có thể (anh ta không cần cầm cọ hay bay vẽ) để tạo nên tác phẩm.

Ý tưởng là cái duy nhất “đẻ” ra tác phẩm! Nghệ thuật ý niệm, vì thế không giới hạn các loại hình mà nó chỉ xem như chất liệu. Các đồ vật có sẵn trong nghệ thuật ý niệm tạo ra Sắp đặt nghệ thuật (installation). Trình diễn trong nghệ thuật ý niệm tạo ra Trình diễn nghệ thuật (performance art). Điện ảnh trong nghệ thuật ý niệm tạo ra video art... Trong hàng loạt các nhánh của nghệ thuật ý niệm, thì Nghệ thuật thị giác (visual art) đã sử dụng nhiếp ảnh (cùng với nhiều loại hình khác, từ tranh vẽ, điêu khắc, in, video, điện ảnh…) làm một chất liệu. Nhiếp ảnh ý niệm cũng được sản sinh ra trong dòng chảy này, khi đối tượng hiện thực không còn là nhân vật quan trọng như đối với nhiếp ảnh hiện thực, bởi vì ý niệm, ý tưởng mới là linh hồn của nhiếp ảnh ý niệm. Nói cách khác, trong thể loại nhiếp ảnh này, những chủ thể, đối tượng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường không phải là nội dung chính của bức ảnh. Nội dung chính trong ảnh ý niệm là những ẩn ý nằm bên dưới diện mạo tổng thể của bức ảnh.

Tác phẩm Follow Me của Wang Quin Song

Nói một cách đơn giản, nhiếp ảnh ý niệm là một phương thức thể hiện tư tưởng, triết lý của người chụp ảnh thông qua những đối tượng, vật thể được chụp. Để chuyển tải được một thông điệp hay ấn tượng nào đó của cuộc sống đến với người xem, nhà nhiếp ảnh thường phải để cho “ý niệm tiên khởi”, rồi sau đó mượn những biểu tượng, đường nét, sắc độ để hiện thực hóa ý tưởng đó. Ý tưởng có sâu nông, kỹ thuật có hay/dở, chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý tưởng và các thủ pháp nhiếp ảnh, mới giúp tăng sự súc tích của ngôn ngữ nhiếp ảnh. Thường thì cái được hiển thị chưa chắc đã là điều mà tác giả nhắm đến, nhưng những khơi gợi của nó, sẽ giúp người xem tiến sâu hơn vào tư duy của tác giả... Nhiếp ảnh dần phá bỏ những quy luật khắt khe để khoác lên mình sự tự do của nghệ thuật.

Sự tự do khiến nhiếp ảnh ý niệm không có khái niệm bó buộc trong bất kỳ thể loại nào, miễn sao ý tưởng được nhìn nhận. Các tay máy có thể cho một tấm phim lộ sáng hai lần để lồng ghép những lớp ảnh dẫn người xem vào nơi ý tưởng. Và sự phát triển vũ bão của công nghệ đã cho phép ý tưởng bay bổng hơn chứ không dừng lại những kỹ thuật phòng tối thông thường. Ngày nay, những bộ ảnh thời trang cũng mang đậm tính siêu thực, một đóa hoa cũng chứa đựng Nghệ thuật ý niệm khi chụp với kiểu Rayography. Giờ đây nhiếp ảnh ý niệm xuất hiện khắp nơi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những nghệ sĩ ý niệm

Misha Gordin được xem là một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc của nhiếp ảnh ý niệm. Sinh năm 1946 tại Riga (Liên Xô cũ), Gordin bắt đầu cầm máy từ khá sớm, năm 19 tuổi. Lúc đầu ông chú tâm vào ảnh chân dung và ảnh báo chí nhưng rồi sớm từ bỏ chúng vì chán sự đơn điệu. Theo tâm sự của Gordin, khi đó ông đã xếp máy ảnh lại và chú tâm nghiên cứu các tác phẩm văn học Nga như của Dostoyevsky, Bulgakov và các tác phẩm điện ảnh của Tarkovsky, Parajanov… Ông muốn tìm tòi một phương thức thể hiện những cảm giác, ý niệm cá nhân thông qua nhiếp ảnh. Năm 1972, Gordin bắt đầu chụp những bức ảnh conceptual - ý niệm đầu tiên của mình với tên gọi Confession (Lời thú tội) và đó là một đột phá.

Tuy nhiên, trường phái nhiếp ảnh ý niệm của Misha Gordin đã không nhận được sự ủng hộ ở đất nước Xô Viết thời đó. Có lẽ sự đề cao tính cá nhân, sự thể hiện một cách mãnh liệt cái tôi của Gordin đã đi ngược với tinh thần tập thể của xã hội Xô Viết, với trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa trong nghệ thuật. Năm 1974, Misha Gordin rời đất nước Liên Xô sang sinh sống và sáng tác tại Mỹ. Ngay sau đó, bộ ảnh Doubt (Nghi ngờ) với loạt ảnh người đàn ông chỉ còn một chân với thân thể đầy thương tích bị trói trong những tư thế khắc khổ nhất (với ý nghĩa kẻ hay nghi ngờ sẽ trở thành chính nạn nhân của mình với sự cô đơn và bệnh hoạn) ngay lập tức đã đưa Misha Gordin lên như người khai sáng của nhiếp ảnh ý niệm khi đi tìm cách thể hiện “ngoài nhiếp ảnh”.

Thực ra, trước Misha đã có rất nhiều bậc thầy nhiếp ảnh sử dụng “conceptual art” vào trong những cú máy của mình, mà tên tuổi nổi bật nhất có thể kể đến là Irving Penn. Cái nhìn sáo rỗng (Bunkly vision) là bức ảnh tiêu biểu của Irving mang hơi hướng ý niệm được chụp năm 1949. Cô gái đang được châm thuốc nhìn qua chai rượu uống dở. Mảng sáng tối của chiếc chai cũng như sự méo mó của nó làm cô gái trông thánh thiện, không rượu lẫn thuốc lá. Irving Penn thực sự đã khơi dậy và là nguồn sáng tạo vô tận cho những nghệ sĩ trẻ.

Tác phẩm Cái nhìn sáo rỗng của Irving Penn

Và cũng từ đây nhiếp ảnh ý niệm chia ra thành trường phái sắp đặt (sắp đặt mọi thứ hoàn hảo ngay từ khi bấm máy) của Irving Penn và trường phái xử lý buồng tối hoàn hảo sau khi chụp, của Misha Gordin. Sự sắp đặt đơn giản luôn được các nghệ sĩ trẻ ưu ái bởi tính chất đơn giản của thông tin bằng hình ảnh. Và đại diện xuất sắc của trường phái này chính là David LaChapelle.

William Zuback cũng là một trong những cái tên được nhắc đến với sự kính trọng, đặc biệt là với bộ ảnh Gestation. Những con búp bê bọc trong một trái bóng tròn được bán tràn lan qua máy tự động. Sự “thai nghén” (gestation) được sắp đặt đơn giản mang đặc tính của tay máy trẻ và kiểu xử lý ánh sáng dứt khoát tạo cái nhìn đến từ thế giới khác lạ.

Ở châu Âu lúc này cũng xuất hiện nhiều cái tên mà trong đó một cái tên được nhắc đến thường xuyên với phong cách khá táo bạo, Erwin Olaf. Thoạt nhìn những hình ảnh trong bộ ảnh Paradise The Club của Erwin, ai cũng giật mình như thể màu sắc của David LaChapelle nhưng khác hơn nhiều bởi ảnh ý niệm của Olaf vui tươi và trong sáng hơn.

Châu Á, một châu lục hiện thân của sự khép kín cũng không cưỡng lại được sự xâm lăng của nhiếp ảnh ý niệm mà trung tâm là Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn Quốc với đại diện là Bohnchan Koo còn Trung Quốc chắc chắn phải nhắc đến Wang Quin Song. Đột phá và phản kháng là những gì Wang luôn mang tới cho người xem. Anh đi tiên phong trong việc mang chính bản thân mình làm mẫu cho những bức ảnh ý niệm. Anh quan niệm chẳng ai có thể nói thay cho mình, chi bằng chính anh là nhân vật của mình. Chùm ảnh chân dung của anh với hàng loạt ký tự Hán ngữ trên mặt cho đến khi chữ đặc kín trở thành gương mặt đen. Anh phản kháng cái thói áp đặt chữ nghĩa lên mình, càng ép buộc với chữ nghĩa cổ xưa, ý tưởng của bạn sẽ lại càng tối đen.

Tiếp đó, Wang cho ra đời Follow Me như cách chống lại lối sống Tây Âu nửa mùa của một số kẻ giàu mới ở Trung Quốc. Một ông thầy nghiêm nghị đang cầm thước chỉ lên bảng với ký hiệu của Mc Donald, Nike và thật dễ nhận ra chai Coca Cola trên bàn. Điều gì khơi gợi từ bức ảnh ấy nếu không phải mang thông điệp của một sự xâm lấn văn hóa?

Tương lai nhiếp ảnh ý niệm

Ở Việt Nam, nhiếp ảnh được tiếp nhận dè dặt hơn với mức thể nghiệm là chính. Chưa thực sự có sự đột phá táo bạo từ những tay máy trẻ. Nhưng trước sự đơn giản và sức mạnh của ngôn ngữ hình ảnh, sẽ chẳng có một biên giới nào ngăn cản những nghệ sĩ trẻ tìm đến nhiếp ảnh ý niệm. Tất cả nền nghệ thuật sẽ đón nhận nhiếp ảnh ý niệm như một bước tiến hóa tất yếu.

Bài 2: Nhiếp ảnh Việt Nam trong cái nhìn "ý niệm"

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm