Kịch Hà Nội (Bài 2): Cơn bĩ cực

14/07/2009 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Sân khấu kịch Hà Nội đang ở thời bĩ cực nhất: khan hiếm kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên có tài, có tâm, phê bình sân khấu không có chân trong đời sống nghệ thuật, quản lý nghệ thuật không phát huy được vai trò…

Việc cách chức giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đối với nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng vì các lý do: nợ bằng đại học năm năm hay khai năm sinh muộn đến ba năm đều không quan trọng bằng việc trong quá trình lãnh đạo nhà hát, năng lực quản lý yếu dẫn tới nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhà hát.


Cảnh trong Đời cười 7 "á chủ bài" nhiều năm của Nhà hát Tuổi trẻ

Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị năng động trong nền kinh tế thị trường. Nếu xét trên mối tương quan với Nhà hát kịch Việt Nam, Đoàn kịch Hà Nội thì có thể thấy như vậy. Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với Thành Đoàn Hà Nội cùng công ty CP giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô đã khai trương sân khấu (tạm gọi là) hài đầu tiên của miền Bắc tại 37 Trần Bình Trọng với hội trường hiện đại chứa hơn 500 chỗ ngồi cùng ba vở hài kịch. Vé vào cửa trong tháng khai trương dừng lại ở con số ít ỏi là 30.000 đồng (vừa đủ mua một bát phở), thế nhưng, chính các nghệ sĩ của Nhà hát cũng không mấy hy vọng kéo được khán giả trở lại rạp.

Biểu diễn “khoán”

Từ năm 1995 đến nay, hội diễn sân khấu dần mất tác dụng vốn có. Chất lượng các tác phẩm ngày một giảm sút, trong khi những việc tiêu cực thông qua hội diễn ngày một gia tăng như: cố mời được tác giả, đạo diễn có vị trí trong ban tổ chức, ban giám khảo hoặc người thân của họ tham gia làm vở; “chạy” huy chương vàng (đối với tập thể và cá nhân diễn viên), gắng mời bằng được đạo diễn giỏi đến dựng vở trong khi đạo diễn giỏi lại quá ít, dẫn tới việc bao sân, thời gian gấp rút dẫn tới vở dựng vội vàng, gượng gạo, “méo mó”. Chính vì thế, mặc dầu vở diễn đạt HCV nhưng rất ít người xem. Thế nhưng, hài hước là ở chỗ, hầu hết các đoàn kịch ở Hà Nội khi dồn tài chính, công sức cho một vở nào đó thì hầu như không ngoài mục đích tham gia Hội diễn. Bởi gắng chạy đua lấy thành tích ảo, không quan tâm đến thị trường và khán giả, nhiều đoàn lao vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Đến nay, các sân khấu kịch Hà Nội vẫn sống nhờ bao cấp của Nhà nước. Mỗi năm, để “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành chỉ tiêu nhà nước”, các đoàn (lắm khi phải gắng gượng) dựng ra hai vở mới, kinh phí vẫn theo kiểu xin - cho. Dựng vở theo kiểu khoán sản phẩm cộng với nguồn hỗ trợ hạn hẹp đã không kích thích được sự sáng tạo của nghệ sĩ, không đòi hỏi nhà quản lý phải động tâm, động não đi tìm giải pháp “thoát hiểm” cho đơn vị mình. Sự quản lý kém nhất có thể nhìn thấy được là việc ra đi của các diễn viên tài năng. Nhà hát Kịch Việt Nam được coi như một trường hợp điển hình. Đây là nhà hát ra đời sớm nhất (năm 1952) với sự góp mặt của các bậc truyền nhân: Thế Lữ, Song Kim, Trúc Quỳnh, Lệ Thanh, Đào Mộng Long; về sau có: Quang Thái, Thu Hà, Lại Phú Cường, Trần Tiến; gần đây có: Nguyệt Ánh, Thế Anh, Trọng Khôi, Hoàng Dũng. Thế nhưng hiện tại, ngoài diễn viên Xuân Bắc “nổi đình đám” ra - mà cũng ít ai biết Xuân Bắc là người của đoàn bởi anh mải kiếm sống qua các show của truyền hình - nhà hát chỉ còn những gương mặt diễn viên mờ nhạt.

Nhà hát không rạp hát

Ở Hà Nội, rạp nằm ở vị trí đắc địa có thể nhắc ngay đến Hồng Hà của nhà hát Tuồng Trung ương, rạp Chuông Vàng của nhà hát cải lương Hà Nội, rạp Công Nhân của Đoàn kịch Hà Nội... tuy nhiên, việc sử dụng rạp cho chương trình biểu diễn của chính các “chủ nhà” lại rất hạn chế. Trong khi chờ ngày khánh thành rạp Công Nhân (đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp), Đoàn kịch Hà Nội phải tập dượt trong một nhà kho xập xệ, cũ nát, ngoài nền xi măng xây cao hơn mặt sàn khoảng nửa mét dùng làm sàn diễn, không thấy bất kỳ đạo cụ sân khấu nào.


Sàn tập tạm của Đoàn kịch Hà Nội

Với Nhà hát kịch Việt Nam, mặc dầu có thời gian dài Nhà hát Lớn là nơi biểu diễn chính của đoàn nhưng tựu trung, Nhà hát vẫn không có rạp hát ngoài một sàn diễn nhỏ chứa vỏn vẹn 150 chỗ ngồi nằm bên hông Nhà hát Lớn. Nhiều buổi diễn, đoàn phải cho nghệ sĩ đến đón khán giả vào rạp vì sợ họ đi nhầm, và trên thực tế rất ít khán giả biết đến sự tồn tại của sàn diễn này.

Với nhà hát Tuổi trẻ, địa điểm dễ tìm hơn, ở 11 Ngô Thì Nhậm, nhưng sân khấu cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Theo NSƯT Vũ Hoài - Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, có thể nhận thấy hầu hết các rạp ở Hà Nội đều cũ kỹ, không gian biểu diễn chật chội, thiếu phương tiện, tiện nghi cho việc biểu diễn nghệ thuật. Phần lớn, các rạp được cải tạo từ những hội trường cũ, kể cả khi được nâng cấp, cũng không thoát khỏi thiết kế rạp - hội trường. Khi biểu diễn ở những rạp như vậy, các đoàn kịch không biết phải xử lý âm thanh ra sao để khắc phục tiếng vang, tiếng nhại, tiếng ồn trong khán phòng, không rõ nên treo phông màn, sắp đặt cảnh trí thế nào theo đúng thiết kế và có thể di chuyển nhanh theo tiết tấu biểu diễn...

Ngay đến Nhà hát Lớn Hà Nội, vốn được coi là nhà hát bậc nhất Việt Nam hiện nay, với tầm vóc kiến trúc đồ sộ, nguy nga, sang trọng, cầu kỳ và lộng lẫy... vẫn chưa thực sự là nơi lý tưởng để biểu diễn. Ở từng đêm diễn, một đống thiết bị âm thanh được xếp ở ngay lối đi chính của phòng khán giả. Sân khấu thì thật bất tiện cho diễn xuất bởi nó vươn dài ra phía trước, không tương ứng với hệ thống cánh gà, nếu diễn ở phần sân khấu vươn dài ấy, diễn viên khó xuất hiện lẫn rút lui vì cánh gà nằm tít phía đằng sau, còn nếu diễn ngang với diềm đầu tiên thì phía trước cảnh diễn sẽ là một mặt sàn trống trơn, bắt sáng, lóa mắt khán giả.

Kịch bản yếu, đạo diễn thiếu, diễn viên kém tài

Một thực tế đáng buồn, nhiều người viết kịch hiện nay chưa qua lớp đào tạo bài bản nào. Học kinh nghiệm từ vài khóa tập huấn, trại sáng tác không đủ giúp cho tác giả có nhiều kiến thức về lịch sử biên kịch hoặc những hiểu biết kỹ thuật viết cơ bản. Và ngay tại trường có lớp đào tạo biên kịch, giáo trình đào tạo đã tỏ rõ sự lúng túng và giảng viên biên kịch hầu như không có.

“Tình trạng đào tạo người viết nói trên đã gây nên một sự lệch ngôi giữa tác giả và đạo diễn”, NSND Đình Quang nhận xét. “Một số đạo diễn tự thấy mình là người có học bài bản hơn nên dễ tùy tiện sửa đổi, cắt xén tác phẩm. Thật khó mà nói được đâu là một vở diễn thực sự dựa theo nguyên tác, có một sự ăn ý hoàn toàn giữa người viết và người dựng... Trước tiếng xì xào cứu vở hay bóp méo vở nhiều khi cũng khó biết đâu là sự thực".

Về phía đạo diễn, ở Hà Nội, nhìn trước ngó sau cũng chỉ có dăm ba người có “thương hiệu” nhưng cũng đã bước sang tuổi ngũ tuần. Còn các sinh viên -đạo diễn trẻ sau khi ra trường, hầu như không có cơ hội để dựng vở, có học mà không được hành. Từ đó, dẫn tới việc đạo diễn có thương hiệu bao sân, và cũng bởi bao sân, họ ít có thời gian nghiên cứu tìm tòi nên thường lặp lại chính mình qua nhiều vở diễn, số lượng vở diễn được dựng thì nhiều mà chất lượng thì thấp. Với diễn viên, các lỗi về nghệ thuật biểu diễn thường xuyên bị mắc phải. Diễn xuất ngượng nghịu, gây tẻ nhạt đã đành, đằng này, chuyện diễn viên nói vấp, nói nhịu, không thuộc kịch bản... là những lỗi khó có thể bỏ qua. Nguyên nhân một phần là do diễn viên không đủ sức sáng tạo, làm tốt, hoặc đóng cho đạt vai diễn, ngoài ra, cũng là do đạo diễn vốn thạo nghề, muốn dựng vở nhanh nên ẩu, có “vài miếng võ” thì lắp vở trước cũng được, vở sau cũng xong, dẫn tới việc áp chế khả năng sáng tạo của diễn viên, biến diễn viên thành cái bóng lờ nhờ.

Đón đọc Bài 3: Về đâu kịch Hà Nội

Tuấn Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm