Kịch Hà Nội (Bài 3): Về đâu kịch Hà Nội

15/07/2009 09:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Có hay không thì việc sáp nhập Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là đề tài được bàn đến “nóng bỏng” nhất khi nói đến con đường phía trước của sân khấu kịch Hà Nội.

NSƯT CHÍ TRUNG (TRƯỞNG ĐOÀN KỊCH 2 NHÀ HÁT TUỔI TRẺ): Sáp nhập là xu hướng tất yếu!

Tôi tạm gọi tình trạng hiện nay của hai nhà hát là “hình như sẽ sáp nhập”. Bởi, các nguồn tin vẫn chỉ đến từ báo chí và những câu chuyện truyền tai, chứ chưa có một quyết định chính thức nào.

Nếu sáp nhập, tôi tin chắc chuyện tinh giảm về đội ngũ diễn viên sẽ xảy ra. Hiện tại Nhà hát Tuổi trẻ có khoảng 180 người, còn bên phía các đồng nghiệp của Nhà hát kịch Việt Nam là 120. Dù được đầu tư kinh phí tới đâu thì anh Hùng (NSND Lê Hùng) cũng chẳng thể nuôi nổi một quân số “khổng lồ” như vậy. Những ai không đủ tài, đủ sức tồn tại thì sẽ dần bị đào thải thôi. Muốn hay không, đó là điều phải biết chấp nhận trong quy luật tồn tại của nghệ thuật. Với tôi, sáp nhập và đào thải bớt trong sân khấu là tất yếu - cũng như tất yếu rằng trong tương lai, việc bao cấp cho sân khấu cũng phải xóa dần, để các đơn vị có thể tồn tại vững trước nhu cầu của khán giả hàng ngày. Đơn giản là nền sân khấu phía Bắc của chúng ta hiện nay vẫn tồn tại chủ yếu theo dạng cào bằng, với những nguồn kinh phí được rót định kỳ hàng năm. Cách làm như vậy chỉ sinh ra những cơ thể èo uột, với những vở diễn nửa vời. Nói ví von thì đó là những đốm lửa nhen nhúm, cháy lom đom cả năm, chỉ thỉnh thoảng bừng lên trong những kỳ hội diễn, liên hoan hoặc kỉ niệm các ngày lễ lớn.

Về phần mình, nếu có chuyện sáp nhập và đào thải, chúng tôi vẫn tin vào tương lai. Thứ nhất, việc chạy chọt, vận động hành lang khi “tinh giảm biên chế” là điều không có trong tiền lệ của Nhà hát Tuổi trẻ. Tất cả chỉ phụ thuộc vào một lời giải duy nhất: năng lực cá nhân của người nghệ sĩ. Thứ hai, tuy được bao cấp nhưng từ 5-7 năm nay, chúng tôi học cách tự vứt mình ra ngoài thị trường để kiếm sống bằng nghề một cách thật sự. Nếu đời sống sân khấu có những thay đổi thì kịch Tuổi trẻ cũng đủ tự tin để “đón gió mới” rồi.

ĐẠO DIỄN NSND LÊ HÙNG (GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT KỊCH VIÊT NAM VÀ NHÀ HÁT TUỔI TRẺ): Đừng “lăn tăn” chuyện nhập hay không…

Như tôi đã nói nhiều lần, nếu có sáp nhập dưới cái tên Trung tâm kịch nghệ Quốc gia Việt Nam thì Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là hai nhà hát thành viên, chứ không thể vì thế mà mất đi thương hiệu của mình. Đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã có hơn 30 năm thành lập, còn Nhà hát kịch Việt Nam là 57 năm. Cùng với thương hiệu thì phong cách của mỗi nhà hát cũng định hình từ lâu rồi, nôm na như là mái đình thì phải khác với mái chùa. Nếu hai nhà hát có đặt cạnh nhau thì cũng không thể vì thế mà hòa tan được. Việc xây dựng chương trình biểu diễn cho hai nhà hát thì sẽ phụ thuộc vào phong cách riêng của mỗi đơn vị.

Mọi thứ còn ở phía trước và phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo Bộ VH, TT&DL. Nếu sáp nhập, nghệ sĩ sẽ có một môi trường làm việc quy củ và có tính khoa học cao trong hệ thống tổ chức biểu diễn. Bớt phân tâm về chuyện hành chính thì nghệ sĩ có thể tập trung cao độ cho sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí, với việc rót kinh phí của Nhà nước thì chuyện “quy một mối” như vậy cũng thuận lợi hơn nhiều. Khi kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, tôi đã nói với anh em trong đoàn: tôi sẽ dành trọn một tuần cho việc cơ cấu lại công việc, thông qua các dự án chi tiêu. Sau đó thì thôi, chúng ta đừng họp nhiều, đừng nói nhiều nữa, đã tới lúc phải làm nghề. Với những gì diễn ra tại Nhà hát kịch Việt Nam trong thời gian vừa qua, sự tập trung làm nghệ thuật là liều thuốc hợp lý nhất để kéo sự nhiệt tình của anh em lên.

TS NSND PHẠM THỊ THÀNH (NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT TUỔI TRẺ): Không có nền sân khấu cho trẻ em, giờ ta phải trả giá!

Mấy chục năm nay, ta không có một nền sân khấu dành cho trẻ em, hoặc nói cách khác, ta không cho trẻ em thưởng thức một món ăn tinh thần là nghệ thuật sân khấu, vì thế khi trở thành người lớn rồi, con người đấy không thấy có nhu cầu ăn món đó. Chính vì thế ngày nay, nhiều người thờ ơ với các vở diễn sân khấu. Còn sân khấu dành cho trẻ em ư? Đối với loại người thiển cận thì đó là sự bày vẽ không cần thiết. Chính vì thế mà ngày nay ta phải trả giá!

Ta thử nhìn ra nước ngoài, đối với các nước phát triển, ở Pháp chẳng hạn, rõ ràng cơ sở vật chất của họ hiện đại, tiện nghi và đầy đủ hơn ta, vậy mà trong một liên hoan sân khấu tổ chức hàng năm ở Avignon, có đến trên 200 đoàn tham dự, trong đó, có gần 100 đoàn kịch được nhà nước tài trợ mang tính mẫu mực và tiên tiến về nghệ thuật. Như với đoàn Piter Brook, họ diễn vở Bão táp của Shekspears ở một sân khấu ngoài trời có 2.500 chỗ ngồi, cách thành phố 16 km, trên một vách núi đá cao. Khi chúng tôi đến đó xem, có rất nhiều người cầm tấm biển ghi dòng chữ “Có vé thừa không?” đứng dọc hai bên lề đường. Người phiên dịch nói với chúng tôi: “Để có được vé cho các anh chị, chúng tôi phải đặt trước hàng tháng”. Được như thế, chính là vì họ có một nền sân khấu cho trẻ em từ hàng trăm năm nay và hàng trăm nhà hát cho trẻ em.

Ở Đan Mạch, với số dân hơn bảy triệu người mà có đến 80 đoàn và nhà hát cho trẻ em, trong đó một nửa là của nhà nước tài trợ.

Ở Nhật có gần 100 nhà hát dành cho trẻ em, đa số là của tư nhân nhưng được nhà nước giúp đỡ. Gần chúng ta nhất là Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc cũng đang dạy Kinh kịch cho trẻ em.

Ở ta, đã có một số buổi diễn dành cho trẻ em, nhưng chưa nhiều. Trong đề án về vở Ngôi nhà có phép lạ của Nga và Đức cùng nhau dự thảo và đề xuất cho hội nghị ban chấp hành ASSITEJ ở Caracat mà tôi từng nhận được, nguyên văn có đoạn: “Phần lớn khán giả trẻ em một khi đã mất đi khả năng cảm nhận sân khấu, chúng sẽ không đến với sân khấu nữa khi trở thành người lớn. Như vậy sân khấu mất đi khán giả tương lai.”

Theo kinh nghiệm của một số nước bạn như Malaysia, Thái Lan, Singapore..., chúng tôi thấy cần học tập họ việc gìn giữ, phát triển sân khấu dân tộc bằng cách đưa vở diễn đến trường diễn cho học sinh xem và mời các nghệ sĩ giỏi đến tận trường dạy cho học sinh ca kịch dân tộc.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã lập ra dự án Sân khấu học đường. Giai đoạn một, từ năm 1999 đến 2000 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, các em học sinh xem các vở truyền thống hết sức say mê và thích thú, đăng ký rất đông để được tuyển chọn vào các đội tuồng chèo của trường mình... Nay dự án đang bước vào giai đoạn hai, từ 2002 đến 2010, chúng tôi đã đưa dự án đến hơn 20 tỉnh trong cả nước, mỗi tỉnh đã thành lập từ hai đến ba đoàn sân khấu thiếu nhi. Với dự án Sân khấu học đường, chúng tôi chỉ muốn chứng minh đưa sân khấu vào nhà trường là một trong những cách thực tế làm cho sân khấu, không chỉ sân khấu truyền thống, có tương lai.

Minh Châu, V.Q (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm