Phim tài liệu không cam phận… xếp xó

30/08/2012 13:50 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Cuộc đời sau trang sách, bộ phim về người khuyết tật, từng được chiếu tại Hà Nội nhưng tiếng vang không lớn. Hôm 28/8, đạo diễn Phan Huyền Thư tổ chức ra mắt phim và cùng các nhân vật giao lưu với khán giả, quyết tâm không để một tác phẩm ý nghĩa bị xếp xó.

Cuộc đời sau trang sách dài 52 phút, nhân vật chính là anh Nguyễn Sơn Lâm, một người nhiễm chất độc da cam, chỉ cao 90cm và phải đi lại bằng nạng. Phim kể về hành trình anh Lâm đi đến nhiều địa phương trong nước tìm kiếm những người cùng hoàn cảnh với anh, tìm hiểu cuộc sống của họ và kết nối họ. Ngoài ra còn mô tả quá trình anh Lâm chinh phục đỉnh núi Phan Xi Păng. Phim đoạt giải C - Giải Báo chí toàn quốc năm 2011.



Đạo diễn, nhà thơ Phan Huyền Thư và Trần Trà My, một cây bút viết văn trẻ đang sống ở TP.HCM và là nhân vật trong phim Cuộc đời sau trang sách. Ảnh: Mi Ly

“Làm bạn trước, làm phim sau”

“Các nhà báo hay hỏi tôi những câu hỏi thiên về kỹ năng kiểu như làm thế nào để tìm được những nhân vật trong phim, tôi trả lời rằng, đơn giản trước đó họ đã đều là bạn của tôi”, đạo diễn Phan Huyền Thư nói về Cuộc đời sau trang sách.

“Nếu không làm bạn với các nhân vật thì tôi sẽ không bao giờ có được những thước phim đó. Khi bộ phim kết thúc thì tình bạn của chúng tôi vẫn tiếp diễn. Tôi không muốn làm phim kiểu đưa các nhân vật đến địa điểm quay, “đè” ra quay rồi đến khi phim xong xuôi thì chẳng liên lạc gì nữa, coi như không hề quen biết”.

Nhờ tác động của bộ phim và các tin bài trên báo chí, những nhân vật trong phim đã nhận được những hỗ trợ tài chính. Chị Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, bị liệt toàn thân chỉ cử động được cơ cổ, đã được hỗ trợ xe lăn. Chị Trần Trà My, 26 tuổi, sắp ra mắt tập truyện văn học thứ hai Yêu trên từng ngón tay.

Trong buổi chiếu, ban tổ chức tiếp tục vận động hỗ trợ kinh phí điều trị chạy thận cho bố con thầy Nguyễn Ngọc Ký hay mua máy tính cá nhân cho Minh Trí, thứ mà em rất ao ước.

“Chúng tôi là những người bình thường”

Họ, các nhân vật, được gọi chung là người khuyết tật để phân biệt với người bình thường. Nhưng từ “người khuyết tật”, dù không có tính kỳ thị, vẫn khiến những người được gọi thấy chạnh lòng. “Tôi nghĩ những người khuyết tật về tâm hồn mới có vấn đề”, anh Nguyễn Sơn Lâm, một người nhiễm chất độc da cam, nhân vật chính kiêm người dẫn truyện, phát biểu trong bộ phim.

“Mọi người thường coi chúng tôi là những nhân chứng sống của lịch sử, những nạn nhân của chất độc dioxin, còn chúng tôi thì muốn nói một điều giản dị hơn: Chúng tôi không chấp nhận những ai sống không có ước mơ. Đã sinh ra làm người thì đơn giản là phải cố gắng sống tốt và có ích”.

Nhiều khi, tình cảm trong mắt những người lành lặn dành cho người khuyết tật không phải là tình thương, đó là sự thán phục. Khán giả xuýt xoa khi chứng kiến cách những nhân vật trong phim xoay sở với cuộc sống hằng ngày. Em Nguyễn Minh Trí ở vùng sông nước An Giang, năm nay học lớp 11, sinh ra với hai bờ vai tròn phẳng lỳ, không hề có cánh tay. Em đã luyện tập đôi chân có thể thay tay làm mọi việc: ăn cơm, rửa mặt, chèo thuyền đi học, bơi…

Không cẩn thận sẽ bị kỳ thị

Như nhiều phim tài liệu vốn Nhà nước khác, Cuộc đời sau trang sách được sản xuất với một tương lai đã được định sẵn: cất vào kho. Sau đợt chiếu ở LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam hồi tháng 6/2012, tưởng như bộ phim cũng yên phận trong kho, nhưng đạo diễn Phan Huyền Thư quyết định bằng cách tổ chức ra mắt và mời hẳn những nhân vật trong phim xuất hiện để đưa phim đến với nhiều người hơn.

Khi một khán giả hỏi có thể mang phim về chiếu tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) hay không, nữ đạo diễn trả lời: “Đó là điều chúng tôi rất mong muốn” và khẳng định, mục tiêu chính không phải là danh tiếng mà là góp thêm một lời kêu gọi có sức nặng hơn để xã hội quan tâm đến đóng góp và quyền lợi của người khuyết tật.

Chị nói rõ thêm: “Tôi sẵn sàng đưa phim đến với các trường tiểu học, trung học và đại học. Bản thân tôi và các nhân vật rất muốn xuất hiện để giao lưu với học sinh, sinh viên, nhưng cũng chỉ nên xuất hiện thưa thưa thôi, vì tôi không muốn công chúng hiểu lầm chúng tôi như một guồng máy lăng-xê. Không cẩn thận thì sẽ bị kỳ thị”.

Nghịch lý ở Việt Nam

Do hậu quả chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất thế giới. Chúng ta cũng thường tuyên truyền rất rộng rãi về các hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng, các phương tiện giao thông công cộng và những tòa nhà vẫn không quan tâm đến việc thiết kế lối đi và chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật. Đó là một thiếu sót lớn.

Trong phim Cuộc đời sau trang sách, hình ảnh Sơn Lâm xoay sở với đôi nạng để trèo lên chiếc ghế xe khách quá cao so với anh là một ví dụ tiêu biểu. Hay việc Trà My chật vật leo lên bậc tam cấp trước một tòa nhà, sau đó được một người đàn ông nước ngoài giúp đỡ vì chính anh Lâm đi cùng cũng không giúp được. Chỉ vài chục giây mô tả sự việc, không quá bi kịch hóa, nhưng nỗi khó khăn của người khuyết tật khi muốn hòa mình vào cuộc sống thường ngày đã được khắc họa rất rõ.

Đó là chưa kể, các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng thường là để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người số ít chứ không phải số đông. Thế nên, chưa bàn đến việc lượng người khuyết tật ở Việt Nam rất đông đảo thì thiếu sót này cũng đã đáng được các cơ quan chức năng để tâm đến.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm