Phim tài liệu về đồng tính nữ đầu tiên ở VN không dành cho số đông?

15/02/2012 10:30 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Được sản xuất trong thời gian từ cuối 2010 đến đầu năm 2011, Đường nào đi tới biển – bộ phim tài liệu về đồng tính nữ đầu tiên ở VN gần như rơi vào… quên lãng cho đến khi nó tham dự Liên hoan phim Tài liệu ASEAN Lifescape vừa diễn ra ở Chiang Mai, Thái Lan.

Khi những “chị Hội” (nhân vật do Thái Hòa thủ diễn trong Để Mai tính) đã khá quen thuộc với khán giả điện ảnh, việc làm phim về những người đồng tính nữ ở VN vẫn khá xa lạ. Nếu như Chơi vơi, hay Phía cuối cầu vồng được xem là những bộ phim dám “đụng” tới đề tài khá hóc búa này thì thực tế, VN đã có những phim tài liệu ghi lại “người thật-việc thật” xung quanh những câu chuyện đồng tính nữ.

Từ những câu chuyện có thật

Đường nào đi tới biển được xem là câu chuyện về một thế giới bí ẩn khuất sau những kỳ thị và cấm đoán, ghẻ lạnh và sợ hãi, chìm trong bóng tối. Bộ phim từng gây chú ý ngay từ cái tên giản dị song lại như một câu hỏi đầy mơ hồ: “Đường nào đi tới biển?”. Tên phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện của hai nhân vật S. và L. ở đầu phim, khi S. đưa L. xem cuốn sách Đường nào đi tới biển. Với cái tên đầy hình ảnh, phim kể về cuộc sống hiện thực của những phụ nữ đại diện cho cộng đồng đồng tính nữ ở Hà Nội, Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM. 5 cuộc phỏng vấn 4 cặp đồng tính nữ trong phim nói về những vấn đề xoay quanh cuộc sống thường ngày cũng như  thách thức mà họ phải đối mặt sau khi công khai giới tính của mình...

Đã từng thành công với bộ phim Khoan nói lời yêu thương (đạo diễn Nhuệ Giang) về đề tài chống bạo lực gia đình (dành 3 giải thưởng Cánh diều vàng 2009), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ, vị thành niên (CSAGA) - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ quyền phụ nữ và trẻ em bị tổn thương do Đại sứ quán Thụy Điển tài trợ tiếp tục hoàn thành với dự án phim này. Đường nào đi tới biển được thực hiện bởi ê-kíp đạo diễn Thanh Hiên và Mai Phương là những thành viên của DOCLAB - Trung tâm Thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video tại Hà Nội. Họ đã được CSAGA hỗ trợ kiến thức về đồng tính nữ, về xu hướng tình dục và “bắt mối” với các nhân vật thông qua trưởng mạng BGVN. Tuy nhiên, để có được 35 phút trên phim, tất cả ê-kíp đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và cần tới sự giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân đến từ nhiều nơi cùng thuyết phục những người trong cuộc đồng ý có mặt trong phim tài liệu này.

Poster phim Đường nào đi tới biển

Nhưng không dành cho số đông

Chị Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim: “Chúng tôi từng làm việc với những người bị tổn thương, đó là các phụ nữ bị bạo lực gia đình, những phụ nữ, trẻ em gái bị buôn bán trở về, những nạn nhân bị xâm hại tình dục… Họ đều là những nhân vật rất khó xuất hiện trước ống kính, không muốn lộ diện với truyền thông. Với nhóm đồng tính nữ cũng tương tự. Trong một bối cảnh còn nhiều kỳ thị, việc lộ diện không đảm bảo cho an toàn, sự yên ổn của người trong cuộc nên chúng tôi luôn phải đảm bảo danh tính cho những “người thật – việc thật” có mặt trong phim.”.

Tuy nhiên, nếu như Khoan nói lời yêu thương được trình chiếu và khán giả có thể tham gia vào các diễn đàn trực tuyến để thảo luận về phim thì Đường nào đi tới biển hầu như có rất ít cơ hội tiếp cận với công chúng. Mục đích cho ra đời bộ phim là chỉ ra sự tồn tại của cộng đồng đồng tính nữ, những khó khăn và khao khát của họ. Vì thế, lúc đầu phim dự định được chiếu cho nhiều đối tượng khác nhau như nhóm cha mẹ của người đồng tính, sinh viên trong các trường đại học, các thầy cô giáo, những người làm công tác xã hội, những người làm luật và thực thi luật. Nhưng dự định đó đã phải thay đổi khi phim hoàn thành.

Các nhân vật đồng ý cho quay, nhưng không đồng ý chiếu rộng rãi hay để hình ảnh xuất hiện trên truyền thông và đặc biệt là phản ứng khá gay gắt với yêu cầu chiếu cho cha mẹ họ. Vì vậy, đoàn phim Đường nào đi tới biển đã cam kết chỉ chiếu trong nhóm nhỏ, không chiếu trên truyền hình, không chụp ảnh đưa lên báo. Thực tế, phim mới chỉ được chiếu cho các tổ chức phi chính phủ, cho các cơ quan ban ngành chính phủ và một số trường đại học (kèm theo sách, đĩa về chủ đề đồng giới).

Những khó khăn khi thực hiện bộ phim này cho thấy sự đòi hỏi người làm phim không chỉ quan tâm đến giá trị nghệ thuật, danh tiếng hay những thành công của tổ chức, cá nhân, mà điều quan trọng hơn phải quan tâm đến cảm xúc, sự an toàn của những người mà mình đang hỗ trợ (người đồng giới), vì hiện nay, họ vẫn đang phải sống trong “bóng tối”, chịu sự kỳ thị của xã hội và bị tổn thương. Cũng vì lẽ đó nên mặc dù phim tham gia Liên hoan phim Tài liệu ASEAN nhưng việc nó có được đánh giá cao về tính nghệ thuật hay chuyên nghiệp nằm ngoài mong đợi của đoàn phim.

Lam Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm