“Rì tua” phim Tết 2012: Sau chơi vơi là… chới với?

21/02/2012 07:09 GMT+7 | Phim


(TT&VH Cuối tuần) - Những bộ phim nghệ thuật gây nhiều tranh cãi thường là những phim chứa đựng trong đó sự… chơi vơi, của ý tưởng, của cảm xúc (nhờ thế mà nó bắt khán giả không ngừng tự khám phá). Nhưng với dòng phim thương mại, giải trí thì mọi thứ đều phải rõ ràng, đặc biệt về thể loại: hài thì phải khiến người ta cười, bi khiến người xem ngậm ngùi rớt nước mắt, kinh dị khiến người ta sợ hãi, trinh thám khiến người xem nghẹt thở, hành động võ thuật khiến người xem đã mắt..., còn chơi vơi chỉ khiến cho người xem bực mình và nhà đầu tư thì chới với.

Chơi vơi là chới với

Nhà đầu tư thắng lớn trong Tết này, Phước Sang với đặc sản “hài nhảm” Hello cô Ba, đã từng chới với khi chơi vơi. Đó là vào mùa phim Tết 2009, khi Phước Sang quyết định “làm sang” dòng phim Tết của mình với Huyền thoại bất tử. Đạo diễn Lưu Huỳnh, diễn viên Dustin Nguyễn dĩ nhiên đã tạo nên một sản phẩm phim Tết khác hoàn toàn những gì “made in Phước Sang” trước đó. Tuy nhiên, vẻ như đã quyết thử làm khác một lần, thì nhà sản xuất “bạo miệng” này lại rơi vào cảm giác… chơi vơi, tới mức, để lấy lại sự an tâm, đoạn kết bộ phim này được “gán ghép” cho thêm phần tươi sáng, để hợp với phim Tết hơn(!). Kết quả, thua về doanh thu thì đã chắc rồi, nhưng một tác phẩm trọn vẹn của Lưu Huỳnh lại có cái “đuôi Phước Sang” thành ra cũng “bại” nốt về nghệ thuật. Nếu được làm tới cùng, chắc chắn Huyền thoại bất tử đã trở thành một sản phẩm hoàn hảo hơn, và nếu không cố đấm ăn xôi chiếu vào mùa phim Tết thì bộ phim thuộc loại tử tế này cũng không đến nỗi bị lôi ra làm ví dụ cho những “cái chết” của phim Việt. Lẽ dĩ nhiên, nhà sản xuất này không dại gì “chết” thêm lần nữa. Cú thắng lớn của Hello cô Ba Tết này cho thấy rõ hơn: Không chơi vơi, làm cái gì ra đúng cái đó, chắc thắng.

Lẽ ra đây sẽ là vai diễn “xi nê” nhất của Thành Lộc
nếu đạo diễn đừng bắt anh nói giọng Bắc!

Tuy vậy kinh nghiệm của Phước Sang có lẽ không truyền đạt được hết cho những nhà đầu tư khác. Tết 2010, nhà đầu tư Thiên Ngân gây choáng cho cả dân trong nghề lẫn báo giới khi trình làng dự án phim liêu trai huyền bí Khi yêu đừng quay đầu lại. Choáng, không phải vì thể loại còn khá mới mẻ đối với điện ảnh Việt Nam, mà căn bản vì đó là tác phẩm “xuất chiêu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh sau Mùa len trâu đầy thuyết phục. Mời một đạo diễn phim nghệ thuật làm phim thương mại được xem như một chìa khóa tạo bất ngờ. Và bất ngờ thật, bởi không những bại về doanh thu, bộ phim còn được nhiều khán giả đặt cho cái tên mới: Xem xong đừng quay đầu lại!, còn tài năng của vị đạo diễn đáng kính bỗng dưng trở thành dấu hỏi chơi vơi trong nhiều người từng hâm mộ anh.

Kiên trì với ý tưởng được khơi ra từ mùa phim Tết 2 năm trước, năm nay hãng phim Thiên Ngân tiếp tục mời đạo diễn tên tuổi của dòng phim nghệ thuật, Bùi Thạc Chuyên, thử một lần bước sang thế giới phim thương mại, với Lời nguyền huyết ngải.

Chơi vơi với Lời nguyền

Thực tế thì khi bộ phim chưa công chiếu, thì chính người trong cuộc đã… chơi vơi trước. Trước đó cả năm trời, Lời nguyền huyết ngải vẫn được giới thiệu là phim kinh dị, nhưng gần đến ngày chiếu thì cả nhà sản xuất lẫn đạo diễn cùng đăng đàn đính chính rằng đây là phim trinh thám, kỳ bí chứ không phải phim kinh dị! Tất nhiên, kinh dị và trinh thám là hai thể loại phim hoàn toàn khác nhau và thủ pháp làm phim (từ khâu đầu tiên là kịch bản) cũng khác. Vậy thực sự Lời nguyền huyết ngải là loại phim gì?

Với những thủ pháp thể hiện trên màn ảnh, có thể khẳng định Lời nguyền huyết ngải là phim kinh dị đúng nghĩa, với đầy đủ đặc thù của nó: có giết người, có ma hiện hồn, có máu chảy, có điềm báo, có quỷ đội mồ sống dậy… Có điều, khán giả lại “xem không sợ hãi”. Tại sao lại… kỳ quái như vậy?

Thời điểm Lời nguyền huyết ngải công chiếu, các rạp vẫn còn đang chiếu bộ phim tình cảm hài Hàn Quốc Lời nguyền tình yêu (Spellbound), đặc biệt ở chỗ dựa trên nền một câu chuyện ma! Do là tình cảm hài (không phải phim kinh dị) nên những cảnh ma xuất hiện chỉ chiếm khoảng ¼ độ dài của phim, tuy nhiên những cảnh ma ấy thật sự rùng rợn. Lời nguyền huyết ngải thì thuần kinh dị, nhưng kịch bản và cách thể hiện lại thiếu kinh dị. Chọn câu chuyện hư cấu về cây huyết ngải làm trung tâm của câu chuyện là một sự khôn ngoan và đủ sức hấp dẫn, nhưng ngay từ đầu, đạo diễn sa vào kể lể dông dài xen lẫn hồi tưởng, nhằm giải thích cho khán giả hiểu về truyền thuyết huyết ngải, khiến nó không còn đáng sợ nữa. Kiểu kể chuyện này đã làm ngắt mạch tâm lý của khán giả và chuyển sự chú ý của họ qua hướng điều tra trinh thám của các nhân vật.

Phải nói rằng đạo diễn đã thực hiện được những thủ pháp làm phim kinh dị, đó là màu sắc của phim, là soundtrack bám được nhịp điệu của phim với những đoạn hát ru rất gợi, là kỹ xảo chuyên nghiệp... Tuy nhiên, phim chỉ tạo được không khí nặng nề u ám, chứ không đủ làm cho khán giả sợ hãi do thiếu những tình huống đột biến gây bất ngờ. Đã vậy, đạo diễn đã không xử lý rốt ráo các nhân vật xuất hiện trong phim. Nhân vật của Yu Dương rất khó hiểu, hành vi là của ma, sinh hoạt thì như người, lúc lại trở thành Thánh cô… Nhân vật của nghệ sĩ Như Quỳnh cũng thế, kỳ bí không ra kỳ bí, thân phận mù mờ, đang nhợt nhạt thì đến phút chót bỗng nhiên nhảy phắt vào kể huỵch toẹt mọi bí mật, trong khi khán giả đang mong chờ bàn tay của đạo diễn vén lên bức màn bí ẩn đó. Với “nhân vật chính”, cây huyết ngải, khi chẳng ai biết hình thù của Lời nguyền huyết ngải như thế nào, đáng lẽ đạo diễn có thể mặc sức tạo cho nó một ấn tượng, một sức hấp dẫn riêng - nghĩa là sự kinh dị phải bắt đầu từ nó. Nhưng tạo hình của cây huyết ngải trong một không gian mang nặng tính sân khấu hơn là điện ảnh, không làm được điều này.

Thành Lộc là vai diễn “đinh”, nhằm thu hút khách và tên tuổi của anh đã làm được vế thứ hai hơn là thứ nhất. Bởi lẽ ra đó phải là nhân vật tạo bất ngờ nhưng đạo diễn đã để nhân vật tự bộc lộ thân phận ngay từ những cảnh đầu tiên qua tạo hình và diễn xuất của nhân vật này. Từ ăn mặc, tóc tai đến hành tung, thầy Hoàn Sinh đã để lộ vai trò chìa khóa của mình. Nghệ sĩ Thành Lộc vốn là một “phù thủy” siêu hạng của sân khấu kịch với khả năng hóa thân ít ai bì kịp, nhưng đó cũng là một thử thách lớn cho bất cứ đạo diễn điện ảnh nào làm việc với anh. Ở những phim trước đây, người ta vẫn còn thấy chất kịch đậm đặc trong các vai diễn của Thành Lộc. Còn với Lời nguyền huyết ngải, lẽ ra đây sẽ là vai diễn hay nhất, “xi nê” nhất của anh nếu như đạo diễn… đừng bắt anh nói giọng Bắc! Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn nổi danh về sự cầu toàn kỹ tính khi làm phim, đó là điều đáng trân trọng. Diễn viên phải nói bằng giọng thật của mình, đó là điều bắt buộc trong điện ảnh hiện đại. Tuy nhiên, Thành Lộc đã không thành công khi nói thứ tiếng Bắc kiểu nửa nạc nửa mỡ. Bản thân Thành Lộc cũng bộc bạch nỗi sợ lớn nhất của anh khi đóng phim này là phải nói giọng Bắc. Lo “đối phó” với giọng nói đã ảnh hưởng không nhỏ tới diễn xuất tự nhiên của Thành Lộc, khiến nhân vật thầy Hoàn Sinh của anh càng dễ bị lộ chân tướng. Kỹ với Thành Lộc như vậy, nhưng đạo diễn lại đồng ý lồng tiếng người khác cho vai diễn của Phan Anh, chẳng hóa ra sự cầu toàn của đạo diễn cũng… chơi vơi?

Đạo diễn có nói rằng anh mất 3 năm cho bộ phim này. Nhưng xem xong phim, người ta chới với không hiểu Bùi Thạc Chuyên muốn khẳng định điều gì trong sự nghiệp làm phim của mình với bộ phim này?

Mỵ Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm