Cận cảnh "Thiên mệnh anh hùng"

06/02/2012 07:16 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - LTS: Năm 2011 kinh tế VN oằn mình trong cơn bão khủng hoảng của kinh tế thế giới. Nhiều người nói đó chỉ mới là bước khởi đầu! Nhưng đối với giải trí, cuối năm 2011 lại đánh dấu bước khởi đầu thật sự của thị trường điện ảnh nội địa sau nhiều năm mò mẫm thăm dò. Số lượng tăng đột biến với 8 phim Việt ra rạp chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng (từ Noel đến Tết Nguyên đán), đặc biệt đa dạng về thể loại và thành phần tham gia.

Trên số báo Tất niên ra ngày cuối cùng của năm cũ, nghệ sĩ hài độc thoại Dưa Leo đã dự đoán kết cục mùa phim Tết 2012 qua các trailer. Dự đoán trúng, trật thế nào, mọi sự nay đã rõ (xin nhớ đây là dự đoán của một nghệ sĩ hài nên kết quả cũng rất… hài hước: Dưa Leo khuyên một đằng (chớ có xem), thì bà con khán giả lại làm một nẻo (càng xem cho đã), nên kết cục cập nhật của tuần này là bộ phim Hello cô Ba đang dẫn đầu doanh thu phòng vé!. Tuy nhiên, chuyện đếm vé ăn tiền là chuyện của các nhà sản xuất, còn sau tiền là gì - hay chất lượng điện ảnh VN trong “cơn bão phim Việt” - sẽ là vấn đề được góc Xem-Thấy-Nghe-Đọc bàn tới, từ số báo Tân niên. Mở đầu loạt bài “rì tua” phim tết, TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của Vũ Duyên Anh, một fan “ruột” của điện ảnh VN, như một góc nhìn từ hàng ghế khán giả về bộ phim được đánh giá là “đỉnh” nhất của phim Việt mùa tết năm nay.

Khen đã xứng tầm?

Không chỉ so trong 8 phim của đợt ra rạp này mà thậm chí cộng thêm cả vài năm trước nữa, thì Thiên mệnh anh hùng (TMAH) vẫn ở trên tầm những bộ phim của điện ảnh VN hiện nay vài bậc. Tầm ở đây chính là sự nghiêm túc và tôn trọng khán giả qua tác phẩm này. Phải bái phục các nhà làm phim đã hoàn thành một khối lượng hậu kỳ khổng lồ trong thời gian cực ngắn (chưa tới 2 tháng), nhưng vẫn kịp ra cho ra đời một bộ phim khá “vừa ý” với khán giả dịp Tết 2012. Đến TMAH thì có thể khẳng định, dù những phim của Victor Vũ vẫn còn nhiều “lời ra tiếng vào”, nhưng anh luôn làm phim bằng tất cả nhiệt huyết và tận tâm với nghề nghiệp - điều đang là “của hiếm” đối với các đạo diễn ở VN (từ trẻ đến già) hiện nay!

Những lời khen mà TMAH nhận được nhiều nhất từ báo chí truyền thông và khán giả là phim “thuần Việt” (không hiểu sao người VN lại cứ bị ám ảnh nặng nề 2 chữ này!). Quay đẹp, cảnh đẹp và dàn dựng cảnh võ thuật sống động nhất trong lịch sử phim cổ trang VN… Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Cảnh đẹp là đương nhiên bởi 80% những gì được thấy trên phim đều từ “trường quay” của khu du lịch sinh thái Tràng An, và quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) - đây có lẽ là một trong những thắng cảnh thiên nhiên và công trình xây dựng kỳ vĩ bậc nhất ở VN. 20% còn lại là những cảnh dựng làng mạc mái lá sơ sài, và điểm nhấn là căn phòng nơi diễn ra trận tử chiến cuối cùng. Những cảnh triều đình cung cấm cũng gây chút ấn tượng, nhưng bối cảnh chùa Bái Đính lại quá vĩ đại nên phần ngoại cảnh có cảm giác chưa phù hợp lắm với nước Việt thời ấy.

Những cảnh võ thuật hành động của TMAH đúng là được thực hiện tốt nhất từ trước đến giờ ở VN. Tuy đồng ý với đạo diễn Victor Vũ là TMAH sử dụng võ hiệp kỳ ảo, nhưng văn hóa bay lượn và “tung chưởng” kiểu võ hiệp Kim Dung lại đích thị 100% là “đặc sản” phim Tàu. Mấy chục năm qua món “đặc sản” này đã ngấm sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ khán giả VN. Vay mượn một chút thì được, chứ copy lại quá nhiều chiêu thức cũ từ những bộ phim võ hiệp Trung Hoa, khiến cho người xem có cảm giác phải ăn lại món ngon đã thuộc vị. Có thể chỉ ra trong TMAH từ những cảnh hành động, tạo hình nhân vật, cho đến các khuôn hình góc máy của đạo diễn, những nhang nhác từ: Anh hùng, Dạ Yến, Hoàng Kim Giáp, Địch Nhân Kiệt (Trung Quốc), Cung thủ siêu phàm (Hàn Quốc), Kungfu Panda 2, X-men, Hellboy 2 (Mỹ)… Về chỉ đạo võ thuật cũng phải “thông cảm” cho Johnny Trí Nguyễn, trước giờ anh chỉ sở trường hành động võ thuật quyền cước. Biên đạo thể loại kiếm hiệp cổ trang là lĩnh vực cực khó, đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn và sức tưởng tượng rất phong phú. Trong thời gian thực hiện TMAH quá ngắn như vậy, anh cóp nhặt lại chiêu trò từ những phim khác là một giải pháp… tối ưu chăng? (trên mạng YouTube hiện đang lan truyền clip mang tên Thiên mệnh anh hùng cóp nhái phim Tàu).

Rối rắm trong cách kể chuyện

Cảnh quay đẹp, bối cảnh quần áo đẹp chưa bao giờ quyết định một bộ phim hay. Khi xem TMAH, tôi đã bỏ qua những cảnh hành động để chăm chú vào đường dây câu chuyện, và coi đến cuối cùng nhưng thật khó để biết trọng tâm của câu chuyện kể về cái gì.

Mở đầu phim, cảnh sư phụ khắc chế con Kỳ Lân đá, kỹ xảo thì thô sơ khỏi bàn đến, nhưng người xem cứ tưởng đây là phim thần thoại. Phim chỉ có 100 phút, nhưng riêng đoạn ở chùa Kỳ Lân giữa 2 thầy trò Nguyên Vũ đã kéo dài đến 15 phút.

Chỉ lấy cảm hứng chứ không dựa vào tiểu thuyết Bức huyết thư, nên kịch bản TMAH không có một nền tảng câu chuyện vững chắc. Có lẽ vì sợ khán giả không hiểu, nên mạch phim cứ vài phút là bị cắt vụn bởi các nhân vật hồi tưởng lại chuyện quá khứ. Hơn một phần ba đầu phim là chuyện tầm thù cá nhân của Nguyên Vũ và chị em Hoa Xuân. Hai phần ba còn lại bỗng xuất hiện câu chuyện về Bức huyết thư - hoàn toàn không liên can gì đến 2 nhân vật chính là Nguyên Vũ và Hoa Xuân - thế là 2 người chuyển từ mục tiêu tầm thù sang truy tìm Bức huyết thư để mưu đồ đại sự. Đột ngột đến phút cuối chỉ qua vài câu thoại, mục tiêu chính là Hoàng thái hậu bỗng chuyển phắt qua gã Hoàng thân xuất hiện mờ nhạt từ đầu đến cuối phim!?

Những người am hiểu sử Việt xem phim còn thấy rắc rối, huống hồ đa phần giới trẻ hiện giờ không rành sử Việt, có mấy ai theo kịp được những uẩn khúc của thời kỳ u ám đó. Nghe đâu Victor Vũ đã phải cắt đi 30 phút dựng để cho phim được tròn 100 phút (để được nhiều xuất chiếu hơn?). Nếu vậy thì có lẽ đó là một trong những nguyên do chính dẫn đến sự vội vàng gấp gáp trong xử lý tình tiết, lời thoại, và một câu chuyện phim rối rắm.

Dàn diễn viên chỉ có Huỳnh Đông (Nguyên Vũ) và Vân Trang (Hoàng thái hậu) là tạm tròn vai. Midu (Hoa Xuân), Kim Hiền (Hoa Hạ), Minh Thuận (Sư phụ), đặc biệt yếu là Văn Anh (Hoàng thân), đều diễn dưới trung bình - một phần do đạo diễn để người khác lồng tiếng cho các nhân vật này. Riêng nhân vật Trần tướng quân do Khương Ngọc đóng, là một tạo hình nhân vật quá xa lạ với VN khi copy y chang từ các bộ phim nước ngoài (đầu trọc, mắt trái hỏng, mặc giáp đen, sử dụng đôi đoản kiếm từ 2 ống tay…).

Trang sử mới của phim võ hiệp VN?

Quá đúng! Nhưng đó là một trang sử có lẽ sẽ không ai dám viết tiếp, trừ… Nhà nước. TMAH về góc độ sản xuất thật sự là một “thảm họa”, với kinh phí nhảy vọt lên đến 300% (khoảng 25 tỷ đồng). Như vậy phải thu được ít nhất là 50 tỷ thì mới đạt đến điểm hòa vốn, một con số không tưởng trong thời điểm hiện nay. Khi bài này ra mắt bạn đọc, thì doanh thu của TMAH chỉ mới hơn 10 tỷ (1/5 con số cần phải đạt tới). 10 tỷ doanh thu cho một bộ phim cổ trang thật sự là một tín hiệu rất vui, vì đó là những chiếc vé giá trị của những khán giả thật sự muốn xem một tác phẩm điện ảnh đích thực. Một bộ phim làm đàng hoàng tử tế như TMAH là rất hiếm của điện ảnh VN trong nhiều năm trở lại đây. Khát vọng Thăng Long đã thua trắng, giờ TMAH lại đứng trước nguy cơ tương tự, liệu trang sử vừa mới viết có phải gấp ngay lại không?.

Vũ Duyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm