Ngang nhiên đấu giá tác phẩm "rởm"

05/11/2011 13:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thị trường nghệ thuật Trung Quốc đang phát triển chóng mặt. Song kèm theo đó thì các tác phẩm nghệ thuật giả cũng nhiều như nấm, đánh lừa nhà đầu tư vì được đấu giá một cách “ngang nhiên”.

Do Luật Đấu giá chưa chặt chẽ nên những việc làm khuất tất của các công ty đấu giá lại không bị trừng trị bằng pháp luật. Trong khi, các chuyên gia và hãng đấu giá không đủ chuyên môn đã làm xói mòn lòng tin của khách hàng bằng những tấm giấy xác nhận “rởm”.

Các chuyên gia thẩm định kém chuyên môn


Bức tranh được đấu giá 72,8 triệu NDT này bị cho là không phải của Từ Bi Hồng.

The Portrait of Lady Jiang Biwei, bức tranh sơn dầu vẫn được cho là một kiệt tác của danh họa Từ Bi Hồng (1895- 1953), đã lập kỷ lục khi đạt giá 72,8 triệu NDT (11,47 triệu USD) trong phiên đấu giá hồi tháng 6/2010.

Song hồi tháng 9/2011, 10 họa sĩ đương đại Trung Quốc tuyên bố đây là tranh của một sinh viên Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc vẽ trong giờ thực hành hồi năm 1983. Họ tuyên bố sự thật đó với mục đích bảo vệ danh tiếng của Từ Bi Hồng và cảnh báo các nhà sưu tầm về nạn tranh giả.

10 năm qua thị trường nghệ thuật Trung Quốc đã phát triển rất mạnh. Năm 2010, Trung Quốc từ vị trí thứ 9 đã vươn lên thứ nhất về lượng tác phẩm nghệ thuật được bán ra trên toàn thế giới. Nhiều khả năng, năm 2011 việc kinh doanh của thị trường nghệ thuật Trung Quốc cao gấp đôi so với năm ngoái.

Theo thống kê hồi tháng 11/2010, đầu tư vào một tác phẩm nghệ thuật sinh lãi cao hơn tới 26%, so với đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Nhưng đầu tư vào nghệ thuật cũng mang tính rủi ro cao khi thị trường nghệ thuật trong tình trạng thật giả khó lường như vậy. Như trường hợp của bức tranh sơn dầu The Portrait of Lady Jiang Biwei, nhà sưu tầm không chút nghi ngờ khi mua bức tranh bởi nó đã được chính con trai của cố danh họa Từ Bi Hồng xác thực.

“Trường hợp này phản ánh những khó khăn hiện nay trong việc xác thực tác phẩm nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật tràn ngập những tác phẩm giả với nhiều giấy chứng nhận xác thực khác nhau” - Gan Xuejun, Giám đốc điều hành của Công ty Đấu giá Huachen Bắc Kinh, cho biết.

“Nhiều chuyên gia và công ty nghệ thuật đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu chứ không tính đến danh tiếng và sự trung thực, họ thường xác nhận các tác phẩm nghệ thuật mà không điều tra ngọn ngành” - Gan nói.

Chen Lusheng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, cho biết có nhiều người được coi là chuyên gia thẩm định đồ cổ, nhưng thực tế họ chẳng am hiểu gì, dù thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình.

Nhiều người cho rằng, giá tác phẩm nghệ thuật bị đẩy lên cao một cách phi lý là do sự định giá của các chuyên gia “rởm”.

Luật chưa thích đáng

Ở các nước phát triển, các phòng trưng bày phi lợi nhuận đóng vai trò chính trong thị trường nghệ thuật và là nơi để các công ty tổ chức đấu giá. Song ở Trung Quốc, các công ty đấu giá lại chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật. Do đó, các công ty thẩm định và đấu giá thường liên kết với nhau nhằm thu được lợi ích kinh tế ở mức tối đa.

Những điều quy định trong bộ luật của Trung Quốc hiện nay và các chế tài lại quá nhập nhằng, gây khó xử lý. Điều 61 trong Luật Đấu giá của Trung Quốc ghi: “Các công ty đấu giá không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu như trước khi tổ chức đấu giá có tuyên bố không đảm bảo tính xác thực và chất lượng của tác phẩm”.


Khung cảnh một phiên đấu giá ở Trung Quốc

Như vậy, điều luật này đã trở thành “chiếc ô” cho các công ty đấu giá khi bán tác phẩm giả và gây khó khăn cho các khách hàng khi nó không bảo vệ được quyền lợi cho họ nếu mua phải đồ rởm.

Trong khi đó, thị trường đấu giá nghệ thuật quốc tế lại áp dụng những quy tắc rất rõ ràng từ 100 năm qua. Như công ty đấu giá nổi tiếng Sotheby’s cam kết với khách hàng, nếu một tác phẩm bị phát hiện là giả sau 5 năm được đấu giá thì công ty sẽ hủy hợp đồng và trả lại tiền cho khách hàng. Hãng đấu giá nổi tiếng khác là Christie’s cũng làm tương tự như vậy.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm