"Nhà giàu" chơi tranh để tìm lối thoát

28/10/2011 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Hơn 20 năm sau khi qua đời, Andy Warhol, ông vua Pop-art, với câu nói nổi tiếng của mình: “Good business in the best art” (Kinh doanh tốt là nghệ thuật đẹp nhất) vẫn là một triết lý không đổi. Và giờ “nghệ thuật” ấy đang được các nhà sưu tập giàu có từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, những nhân vật chưa từng nhúng tay vào việc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, ra sức cổ súy.

“Nếu không đến, anh là người ngoài cuộc”

Ngay cả khi người Mỹ chiếm 80% trên tổng số các nhà sưu tập tranh, thì thị trường này hiện vẫn đang bị “thái” nhỏ trong vòng 5 năm gần đây. Các tay sưu tập đang được “quốc tế hóa”, đặc biệt đến từ Nga và Trung Quốc. Tháng 5/2006, bức Dora Maar With Cat (Nàng Dora Maar với chú mèo) của Picasso đã được một người Nga khuyết danh mua với giá 95,2 triệu USD tại New York. Tháng 11/2006, bức Chủ tịch Mao của Andy Warhol đã được một nhà sưu tập Hong Kong (Joseph Lau) trả 17.376.000 USD… Abigail Asher, một chuyên gia tư vấn nghệ thuật người Anh cho rằng “trưng bày các tác phẩm hội họa nổi tiếng trên tường nhà một thú vui khó cưỡng của những tỷ phú mới và họ sẽ làm mọi cách để hiện thực giấc mơ của mình”.

Tháng 11/2006 ông trùm bất động sản Hong Kong, Joseph Lau đã bỏ ra hơn 17 triệu USD để mua bức Chủ tịch Mao của Andy Warhol

Và vì thế, trong vòng 5 năm nay, ban tổ chức của mỗi một cuộc trưng bày nổi tiếng nào trước khi đấu giá đều cố gắng tối đa “kéo” những tên tuổi nổi tiếng trong giới mua tranh và mời gọi những khách hàng tiềm năng. Trước các đợt triển lãm của “Armoy Show” tại Mỹ, ban tổ chức đều lên danh sách trước vài ngàn nhân vật VIP, qua đó họ sẽ tổ chức các cuộc tiếp xúc trao đổi đều đặn trong suốt cả năm nhằm tạo ra những sự kiện trọng đại và tiêu biểu nhất, như tổ chức thăm viếng nơi ở của các nhà sưu tập nổi tiếng, các chuyến tham quan phòng tranh ngoài giờ làm việc, các bữa ăn nhẹ giữa buổi với các nghệ nhân trẻ… “Và nếu anh không đến, anh sẽ là người ngoài cuộc”, Abigail Asher nhận định.

Tỷ phú chơi tranh, họ là ai?

Đó không phải là một tay chơi tranh tầm thường luôn miệng kỳ kèo giá cả, mà là một tầng lớp thượng lưu mới của thế giới. Theo kết luận từ một nghiên cứu của chi nhánh tư vấn Capgemini Consulting thuộc tập đoàn Capgemini (Pháp), hiện trên thế giới có hơn 8 triệu cá nhân với tổng trị giá tài sản đạt đến một con số khổng lồ là 21.000 tỷ euro. Ở mức độ hẹp hơn, theo tạp chí Forbes, năm 2008 đã từng chứng kiến sự bùng nổ của trên 1.000 người, nói chính xác hơn là 1.125 tỷ phú, so với 946 vào năm 2007, với tài sản tổng cộng 2.800 tỷ euro. Và một khi mà người ta đã có trong tay nhiều tỷ euro, thì sẽ có vài chục triệu euro được dành cho niềm đam mê sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó giới kinh doanh nghệ thuật luôn phấn khích trước viễn cảnh lạc quan trong công việc làm ăn, bởi họ luôn tin chắc rằng khách hàng của mình không bao giờ bị rỗng túi.

Từ hiện tượng này, giới phân tích đã bỏ công đi tìm hiểu. Từ đâu mà một bộ phận những tỷ phú trên đã quá đam mê nghệ thuật như vậy? Trước hết, việc sưu tập nghệ thuật của giới tỷ phú không chỉ đơn thuần là để được thỏa mãn về mặt thẩm mỹ, tức “khoái cái đẹp”, mà đa phần trong số họ, sưu tập nghệ thuật được xem như một “liều thuốc bổ trợ cho tâm hồn”. Khi đã đạt đến một đỉnh cao về mặt tài chính rồi, họ đi tìm những niềm vui mới, những hướng đi mang tính “định hướng mới trong cuộc đời tỷ phú”. Nhờ có họ mà thị trường kinh doanh các du thuyền sang trọng, các máy bay cá nhân hay những bất động sản đắt tiền mới bùng nổ. Nhưng, phải lao vào nghệ thuật mới mang tính định hướng rõ nhất. Như lời của một giám đốc bảo tàng ở Pháp, nghệ thuật đã trở thành một trong những giá trị tinh thần sau cùng trong xã hội ngày nay.

Tỷ phú chơi tranh Ronald Lauder (trái) vỗ tay khi phiên đấu giá kết thúc với thắng lợi 135 triệu USD được bỏ ra để mua Chân dung nàng Adèle Bloch- Bauer. Bên phải là Maria Altmann, người mất 7 năm để đòi được cấp thủ tục cho bức tranh này “di cư” sang Mỹ

Kế đến, nghệ thuật cũng đã trở thành một chất xúc tác, một chìa khóa vạn năng có thể mở được cánh cửa tham gia vào những hội, nhóm, những câu lạc bộ mà từ lâu nay vốn chỉ dành riêng cho giới chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, và cả để bước vào ngưỡng cửa của những gia đình quyền quý. Đến với nghệ thuật được hiểu như lời khấn “vừng ơi, mở của ra!” của các tỷ phú thời nay. Và từ đó, một nhà sưu tập giàu có sẽ trở thành bạn thân của các nghệ nhân, các phòng tranh, các chuyên gia phân tích và cả những sử gia về lĩnh vực nghệ thuật. Tất cả những gương mặt trên sẽ đồng loạt tụ họp lại với nhau nhân dịp tổ chức các hội chợ quy mô lớn nhỏ đó đây trên khắp thế giới, từ Basel, Miami, London, Kassel cho tới Paris, New York, Venise và gần đây có cả Thượng Hải. Đó chính là những thành phố vẽ nên một bức tranh sống động của một cuộc sống giao tiếp thượng lưu mang tính toàn cầu hóa.

Những biểu hiện đó là một tính cách mà nhà kinh tế học Ahmed Henni gọi là những “ham muốn bất bình đẳng”. Song, dưới con mắt của những phân tích kinh tế học, các tỷ phú lao vào tranh cũng là để đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính của mình. Và thế là các nhà kinh doanh tranh và các tác phẩm nghệ thuật đang hưởng lợi. Lợi cả đôi đường.

Phong cách chơi tranh của các tỷ phú ngày nay khác người ở những điểm mấu chốt nào? Theo nhà đầu tư bất động sản, tỷ phú người Mỹ Eli Broad, thì: “Tôi đã bắt đầu sưu tập tranh vì tò mò. Nhưng bây giờ thói quen này đã trở thành một kinh nghiệm giúp tôi học hỏi thêm được nhiều điều thú vị. Tôi luôn thích được tiếp xúc với nhiều nhân vật trong giới nghệ thuật, dù đó là các nghệ nhân, những chủ phòng tranh hay nhân viên quản lý viện bảo tàng. Họ cung cấp và chia sẻ với tôi những kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ, trái ngược hẳn với không khí của những khoảng thời gian mà tôi làm việc với các đối tác kinh doanh của tôi”.

Còn tỷ phú khá nổi tiếng người Pháp - François Pinault - thì nói: “Các họa sĩ sẽ giúp bạn tự giải thoát mình khỏi những tiện nghi vật chất mà bạn đang sở hữu. Họ sẽ giúp bạn tự cật vấn lại bản thân, qua tính cách đặc biệt nhạy cảm của họ trước cuộc sống, trước khả năng nắm bắt nhanh chóng những khoảnh khắc mà chúng ta đang sống. Họa sĩ thì nắm bắt cuộc sống nhạy bén hơn chúng ta nhiều. Đôi khi, chiêm nghiệm các tác phẩm nghệ thuật cũng là để dự đoán trước những gì sắp đến với chúng ta.

Khi đặt bút ký tấm séc 135 triệu đôla để được sở hữu bức Chân dung nàng Adèle Bloch - Bauer của danh họa Gustav Klimt, tỷ phú Ronald Lauder - chủ sở hữu tập đoàn mỹ phẩm Estée Lauder - đã thật sự đặt dấu chấm hết cho một cuộc tranh cãi pháp lý nảy lửa hiếm thấy. Bởi trước khi qua đời vào năm 1945, người chồng của người mẫu Adèle Bloch- Bauer đã hủy di chúc của Adèle là muốn bức tranh này luôn phải được giữ tại quê nhà là nước Áo. Ông giao toàn bộ tài sản của vợ mình cho 3 người cháu, trong số đó có bà Maria hiện 90 tuổi và sống tại Los Angeles. Bà này đã thưa kiện lên nhà nước Áo suốt hơn 7 năm để đòi quyền sở hữu bức tranh và cuối cùng thắng cuộc: bức tranh được mang sang Mỹ. Bức tranh này được vẽ năm 1907, khi họa sĩ Klimt đang ở đỉnh cao của danh vọng, là một trong những tác phẩm xa xỉ nhất của thế kỷ 20. Bằng những kỹ thuật phức tạp hiếm thấy, họa sĩ Klimt đã dán những lá kim loại bằng vàng và bạc lên bức tranh. Và với một bố cục dày đặc các họa tiết trang trí lộng lẫy, Chân dung nàng Adèle Bloch - Bauer đã trở thành một hiện tượng hội họa lúc bấy giờ và dường như đã có thể dẫn dắt được người ta vào cõi mộng. Nhà tỷ phú Ronald Lauder trưng bày bức tranh này tại Neue Galerie, một viện bảo tàng tư nhân mà chính ông đã thành lập vào năm 2001.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm