Kỳ 1: Có họa sĩ nào không vẽ tranh khỏa thân?

23/02/2010 13:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tại Việt Nam lâu nay, tranh khỏa thân được xem là một đề tài nhạy cảm, thậm chí không ít người còn chưa thực sự ủng hộ hay thông hiểu. Vì thế, việc xuất bản cuốn Tranh tượng khỏa thân của họa sĩ Ngô Thành Nhân vừa qua là một tín hiệu đáng mừng. Thực tế cho thấy, đã là họa sĩ kinh qua trường lớp, thì không ai không vẽ khỏa thân - vì với giáo trình mỹ thuật hiện đại, giải phẫu hình thể (anatomy: giải phẫu học) là bộ môn bắt buộc phải học, thường tốn rất nhiều thời gian và công sức để rèn luyện.

“Khỏa thân” từ trong nhà trường
























Tác phẩm Thiếu nữ gội đầu
của Trần Văn Cẩn

Ngay khi người Pháp thành lập các trường vẽ, trường mỹ nghệ tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 thì bộ môn giải phẫu hình thể đã được đưa vào giảng dạy bài bản, nghiêm túc. Giải phẫu hình thể cũng là một trong số ít những tiêu chí và kỹ thuật giúp học viên, họa sĩ, giới nghiên cứu mỹ thuật phân biệt được sự khác nhau về kỹ thuật vẽ giữa hội họa truyền thống (mà cụ thể là tranh thủy mặc) và hội họa hiện đại.


Ngày nay, sách lịch sử mỹ thuật vẫn thường lấy tác phẩm Xưởng vẽ (155x167cm, sơn dầu, 1933) của họa sĩ, giảng viên Joseph Inguimberty (1896- 1971) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương làm ví dụ điển hình về việc dạy vẽ khỏa thân, với người ngồi mẫu là các phụ nữ địa phương. Lớp vẽ khỏa thân (81x35cm, sơn dầu, 1935) với người mẫu nam, dành cho sinh viên năm 3, của Lương Xuân Nhị (1914-2006) cũng là tác phẩm đáng chú ý. Danh họa Trần Văn Cẩn (1910-1994) chuyên vẽ tranh phục vụ kháng chiến, đề tài cách mạng, cũng đã dành nhiều tâm huyết cho việc vẽ khỏa thân. Ví dụ tác phẩm Thiếu nữ gội đầu của Trần Văn Cẩn (34x22cm, khắc gỗ, 1940) ở trong SGK Mỹ thuật lớp 4. Riêng danh họa Lê Phổ (1907-2001) thì vẽ tranh khỏa thân từ rất sớm, trước năm 1930; những tác phẩm khỏa thân của ông từng lên sàn đấu giá quốc tế đã được vẽ trong các năm 1931 đến 1935.

Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh từng du học ở Liên bang Nga kể rằng với các sinh viên mỹ thuật ở nước này, nhiều môn có thể bỏ học để đến thư viện đọc sách hoặc đi thực tế, riêng môn giải phẫu hình thể thì bắt buộc phải có mặt và học liên tục sáng chiều trong một thời gian khá dài. Sau này là giảng viên của ĐH Mỹ thuật TP.HCM, bằng kinh nghiệm của mình, Nguyễn Quang Vinh nhận xét rằng những sinh viên nào có năng khiếu với giải phẫu hình thể, nắm vững được các kỹ thuật của bộ môn này thì thường khá tự chủ trong công việc sáng tạo về sau. Anh nói: “Trước đây, việc đề cập giới tính, tìm hiểu về cơ thể trong nhà trường phổ thông là điều không tưởng, nhưng bây giờ thì sách giáo khoa cấp hai đã giáo dục về giới tính rất kỹ. Chính vì thế, nghệ thuật khỏa thân và cách thưởng thức cũng phải được giáo dục lại. Trong nhà trường, tất cả sinh viên mỹ thuật đều phải vẽ khỏa thân từ cuối năm thứ nhất đến năm thứ năm; kể cả sinh viên các ngành mỹ thuật liên ngành như cao đẳng nhạc họa, sư phạm mỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp...”.


Tác phẩm Nữ khỏa thân (60x90cm, phấn trên giấy, 1932) của Lê Phổ
Tại sao cần vẽ khỏa thân?

Họa sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, giảng viên hình họa của ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Về phía họa sĩ thì hầu như ai cũng trải qua những giai đoạn sáng tác có tác phẩm khỏa thân, hoặc có yếu tố khỏa thân. Còn đối với nghệ sĩ trình diễn, nhiếp ảnh thì nghệ thuật hình thể vốn đã trở thành yếu tố quen thuộc, thiết yếu. Xu hướng chung của nghệ thuật hiện nay là cá nhân hóa nghệ thuật, người nghệ sĩ tiến dần tới hình thức sáng tạo bản thể với chất liệu sáng tạo chính là bản thân, là cuộc sống của họ nên phần nào rộng lối cho các nghệ sĩ mới. Thân thể đã giúp các nghệ sĩ bộc lộ những trăn trở, mệt mỏi, hệ lụy mà họ đối mặt hằng ngày trong cuộc sống bộn bề thông tin, tràn ngập cạnh tranh”.

Nhìn lại lịch sử nghệ thuật, sáng tác khỏa thân cũng chịu lắm thăng trầm, có lúc gần như bị nghiêm cấm; nhưng điểm chung là nghệ thuật cổ đại của bất kỳ nền văn minh nào cũng chuộng tác phẩm khỏa thân, được thể hiện dưới góc độ phồn thực hay tâm linh. Kể từ khi khái niệm giải phẫu hình thể ra đời, được đưa vào giảng dạy, khỏa thân được xem là một kỹ thuật cơ bản, nhưng có tính thách thức mà các nghệ sĩ phải vượt qua để khẳng định tài năng của mình. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc vẽ khỏa thân giúp phân biệt đẳng cấp và trình độ tay nghề của từng họa sĩ.

Sau 1975 tại TP.HCM, trong triển lãm Bình minh mới, Rừng gần như là họa sĩ đầu tiên thực hiện cuộc trưng bày tranh khỏa thân. Họa sĩ này cho rằng: “Động lực chính của việc vẽ khỏa thân, về ý tưởng là nhằm đạt đến sự chân thật, không che đạy của thân thể. Về kỹ thuật, giúp người sáng tác đạt đến sự tinh tế trong đường nét, hình khối, vì một thân thể trần truồng đi vào trong tác phẩm hơn nhau là ở cảm giác của người nghệ sĩ, thiếu tinh tế sẽ dung tục. Tôi cho rằng một thân thể bị che đậy bởi áo quần thì rất dễ vẽ, vì lụa là, màu sắc thường dễ đánh tráo thị giác của người xem”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Hè cũng cho biết: “Tôi yêu quý người phụ nữ hơn mọi hình tượng khác, bằng cái đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Tôi muốn tìm kiếm những điều bí ẩn trong họ với cái đẹp trong sáng ở đằng sau nhiều thứ, để thể hiện lên tranh cũng như làm nghệ thuật đương đại. Cũng chính vì điều này tôi thấy mình hạnh phúc được hiểu thêm một phần nào khi họ muốn chia sẻ hoặc tôi muốn tìm kiếm”.

Kỳ 2: Người mẫu khỏa thân - nghề bạc bẽo
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm