Kỳ 2: Người mẫu khỏa thân – nghề bạc bẽo

24/02/2010 14:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Điểm chung của việc sáng tác đề tài khỏa thân với một số đề tài khác như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh… là phải cần tới mẫu. Tuy nhiên, mẫu của tác phẩm khỏa thân rất khác với mẫu của các đề tài kia, vì người mẫu còn có đời sống của mình ngoài xã hội, trong khi việc làm mẫu này thường bị thị phi nhưng chẳng đem lại một chút vinh quang nào về thu nhập và tiếng tăm.

Vô danh


 Tác phẩm Lớp vẽ khỏa thân (sinh viên
năm 3) (81x35cm, sơn dầu, 1935)
của Lương Xuân Nhị

Khi chụp hình thời trang, tên người mẫu luôn được chú thích kế bên; thậm chí với những siêu mẫu nổi tiếng, tên tuổi của họ có thể giúp cho nhà thiết kế được thơm lây. Trong khi người làm mẫu cho họa sĩ vẽ thì thường ít khi được nhắc tên, vì người họa sĩ thường chỉ lấy họ làm cái cớ để thể hiện ý tưởng của mình.


Trong lịch sử mỹ thuật, trừ trường hợp người làm mẫu là những nhân vật quan trọng, nổi tiếng thì mới được lấy tên người mẫu đặt cho tên tác phẩm; đa số các trường hợp khác thì thỉnh thoảng mới có một họa sĩ đề tên người mẫu vào tranh, nên người mẫu tranh thường được xem là vô danh. Thực tế sáng tác cũng cho thấy, trong các ký họa thì tác giả thường ghi chú cẩn thận mình đang vẽ ai, nhưng khi chuyển ký họa đó thành tác phẩm thì cũng thường “lờ” người mẫu đi. Khi phân tích, nghiên cứu và phê bình một tác phẩm, yếu tố người mẫu cũng ít khi được truy xét tới.

“Người mẫu khỏa thân hiện nay xuất thân từ nhiều thành phần trong xã hội, phần lớn là do nghệ sĩ có mối quen biết rồi mời. Riêng người mẫu ở các trường mỹ thuật hiện nay, đa số họ đều lớn tuổi khiến đôi khi chính họ cũng thấy mệt mỏi, chán nản với đồng lương quá ít ỏi so với công việc đặc biệt của mình. Còn sinh viên thì cũng cần có người mẫu mới hơn để khơi mở việc học, việc sáng tạo... vẽ hoài người mẫu già dễ bị mất cảm hứng. Thỉnh thoảng, qua người quen giới thiệu, sinh viên cũng được tiếp xúc với các người mẫu mới, nhưng đa phần họ không chuyên nghiệp, làm việc rất khó. Trừ số rất ít làm do hiếu kỳ, muốn khoe thân thể đẹp, còn đa phần thường có hoàn cảnh khó khăn mà đi làm. Có chị lần đầu tiên ngồi mẫu đã phát khóc và sau đó xin giáo viên được ngưng công việc mà không lấy lương. Đó là người mẫu ở trường mỹ thuật, còn người mẫu nhiếp ảnh, body painting... thì cũng rất đa dạng, đôi khi vì yêu thích nghệ thuật, đôi khi vì để kiếm tiền. Tuy vậy, tất cả những người mẫu khỏa thân mà tôi biết đều không thể sống được bằng nghề này, họ có trăm nghìn mối mưu sinh khác”, họa sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh nói thêm: “Người mẫu là những người bình thường. Trường cũng có một số biên chế, còn hầu hết họ làm hợp đồng tính theo giờ, họ cũng chạy sô ở các trường khác. Có một nguyên tắc về danh dự và đạo đức nghề nghiệp là không tiết lộ tên tuổi, danh phận và cả chụp hình khi làm việc với họ. Chính điều này giúp bảo vệ nhân thân người làm mẫu, nhưng cũng là bức tường bao làm người ngồi mẫu mãi vô danh. Mà vô danh thì khó mà cải thiện việc thu nhập”.


Tác phẩm Thiếu nữ (52x82cm, sơn dầu, 1934) của Mai Trung Thứ
Thường bị đặt điều

Ngoài chuyện mưu sinh, các nghệ sĩ đều công nhận rằng với nghề làm mẫu khỏa thân, không có đam mê và sự hy sinh cho nghệ thuật thì không làm được. Cũng có ý kiến cho rằng người mẫu phải là “người tình” của nghệ sĩ, mà “con” của họ là tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà các tranh khỏa thân tự họa, vẽ vợ, vẽ người tình... thì thường được chú ý. Trong các lời bàn, các giai thoại... về tác phẩm khỏa thân, nếu người ngồi mẫu có mối quan hệ thiết thân, là người yêu, người vợ, con gái... của các tác giả thì thường được tập trung phân tích.

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng tâm sự về người mẫu: “Cái mà họa sĩ cần là cơ thể phải toát lên vẻ đẹp nữ tính vĩnh hằng và xin thú thật, cơ thể đó ít nhiều phải làm họa sĩ gợi nhớ đến vẻ mê đắm của vợ mình. Đứng trước mẫu khỏa thân, tôi có ham muốn bình thường của một người đàn ông đối với một người đàn bà, và từ đó nghệ thuật thăng hoa. Ham muốn không những là động lực thúc đẩy, gìn giữ cuộc sống mà còn chính là bản thân cuộc sống. Tôi không hiểu nếu ai đó thiếu đi những ham muốn ấy thì họ sẽ thế nào”.

Cũng chính từ mối quan hệ khá đặc biệt và được xem là nhạy cảm này, nên nghề làm mẫu (nhất là những người mẫu tự do, làm việc bên ngoài khuôn viên nhà trường) thường bị đặt điều, gièm pha. Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, người nổi tiếng với ảnh và tranh khỏa thân cho rằng những điều mà thế gian gán cho người mẫu khỏa thân thường chẳng mấy khi đúng. Mối quan hệ giữa người mẫu và nghệ sĩ ở Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào tình cảm riêng tư, dựa vào niềm tin lẫn nhau. Hay dở, tốt xấu thường tự họ biết với nhau, người ngoài khó mà phán xét công tâm và chính xác.

Kỳ 3: Mua bán tranh khỏa thân

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm