Văn học TP.HCM liên tục mất mùa?

12/11/2011 10:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, chiều 8/11 Hội Nhà văn (HNV) TP.HCM công bố kết quả giải thưởng thường niên của hội này sau khi chọn lựa từ 26 tác phẩm gửi về tham dự. Không có giải thưởng nào được trao cho văn xuôi, thơ, lý luận phê bình. HNV TP.HCM có hơn 300 hội viên và rất nhiều tác giả ở bên ngoài hội. Nhiều người cầm bút là vậy, nhưng kết quả giải thưởng cho thấy đời sống văn học TP.HCM năm 2011 vẫn bị “mất mùa” như năm 2010?

Giải thưởng HNV TP.HCM là giải thưởng hằng năm, được giới cầm bút và cả bạn đọc ở thành phố có khoảng 10 triệu dân đón đợi như một sự tổng kết về đời sống văn học trong một năm qua. Hơn thế, giải thưởng còn giúp người yêu văn chương biết được tác phẩm nào có giá trị khi nó được vinh danh, dẫu sự lựa chọn chỉ như “bó đũa chọn cột cờ”. Thế nhưng thật thất vọng, vì giải thưởng năm nay không đánh giá đúng đời sống văn học TP.HCM trong năm 2011. Chẳng những thế, giải thưởng năm nay và cả năm 2010 còn khiến cho người yêu văn học bi quan hơn về hiện trạng văn chương ở TP.HCM.

Văn xuôi, phê bình 2011 không có gì?

Kết quả giải thưởng HNV TP.HCM 2011 chỉ toàn “khuyến khích”, trong đó lần đầu trao giải Nhà văn trẻ dành cho tác phẩm tuổi teen Cô gái bán ô màu đỏ của tác giả trẻ Trần Minh Hợp. Giải thưởng này xét tặng theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, nghĩa là không đủ “tiêu chuẩn” để vào giải thưởng chính thức thì sẽ ứng thí giải Nhà văn trẻ với điều kiện tác giả phải dưới 30 tuổi.

Lĩnh vực thơ lại có cùng lúc hai tặng thưởng mang tính “khích lệ” trao cho: trường ca Ăn xà bông của Phan Trung Thành và tập thơ Những câu thơ ngoái lại của Lương Hữu Quang. Nhà thơ Lê Minh Quốc, thành viên ban sơ khảo ở Hội đồng thơ, cho biết: “Riêng lĩnh vực thơ, năm nay chúng tôi xác định là không có tập nào xứng đáng được giải. Ở Hội đồng thơ, chúng tôi chọn ra 3 tập thơ trao tặng thưởng khích lệ, trong đó có tập thơ Thức một miền xanh của Huệ Triệu”. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về ban chung khảo, gồm những người đứng đầu HNV TP.HCM, và chỉ còn 2 tập thơ được tặng thưởng.

Ông Lê Quang Trang - Chủ tịch HNV TP.HCM (giữa) và hai Phó Chủ tịch - Trần Văn Tuấn (phải),
Phạm Sỹ Sáu (trái) quyết định văn chương TP.HCM năm 2011 không có gì để trao giải thưởng

Ở lĩnh vực văn xuôi cũng không có tác phẩm nào xứng đáng đoạt giải hoặc ít lắm cũng được khuyến khích. Theo tìm hiểu của phóng viên TT&VH, trong năm 2011, ở lĩnh vực văn xuôi, ngoài 8 tác phẩm gửi về dự giải, còn có rất nhiều tác phẩm khác nhưng không có tên trong danh sách “thí sinh”.

Chẳng hạn như các tác phẩm: Lên núi thả mây (tập truyện Lê Văn Thảo), Bây giờ mà có về quê (tập tản văn của Huỳnh Như Phương), Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu), Ổ thiên đường (tập truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh), Quẩn quanh trong tổ (tập truyện của cây bút trẻ Phan An), Mùi (tập tản văn của Trần Nhã Thụy), Lá nằm trong lá (tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh)... Những tên sách vừa tạm liệt kê đều tạo được dư luận, lại không có trong danh sách dự giải thưởng lần này. Năm 2010, giải văn xuôi của HNV TP.HCM được trao cho cuốn tự truyện của một họa sĩ. Câu hỏi đặt ra là lẽ nào các nhà văn TP.HCM trong hai năm liền (2010, 2011) không viết được gì cho xứng danh “nhà văn”?

Ở lĩnh vực lý luận phê bình vẫn thường xuyên bị “than phiền” là có quá ít người viết. Như năm 2010, giải thưởng HNV TP.HCM không có cuốn sách phê bình nào dự giải. Không có sách dự giải thì không có trao giải, là lẽ đương nhiên. Nhưng năm 2011 này có cùng lúc đến 3 tác phẩm “ứng thí” của các tác giả Trần Hoài Anh, Lê Tú Lệ và Lê Thiếu Nhơn, vì sao cũng không có giải và ngay cả tặng thưởng khích lệ cũng không?

Quy chế “nộp sách, ký tên”

Để dự giải thưởng HNV TP.HCM, các nhà văn phải nộp sách và ký tên xác nhận tham gia hoặc có đơn ủy quyền người khác thay mình. Các NXB cũng được quyền gửi sách dự giải, nhưng đến nay chưa có NXB nào “đồng hành” với giải thưởng này. Có nhiều lý do để các NXB không dự giải, trong đó có việc giải thưởng vinh danh tác giả chứ NXB chưa chắc có chút “quyền lợi” ở giải thưởng này. Bởi sách của một số NXB đoạt giải thưởng trong các năm qua, không có bao nhiêu cuốn được tái bản và được đón đọc.

Nguồn sách thứ ba để dự giải do các thành viên các hội đồng (thơ, văn xuôi, lý luận phê bình) giới thiệu. Tuy nhiên, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình HNV TP.HCM, cho biết: “Ngay cả ủy viên các hội đồng giới thiệu tác phẩm, nhưng nếu không có chữ ký của tác giả thì tác phẩm vẫn bị loại. Điều này vô hình trung đã loại bỏ các tác phẩm có giá trị được thành viên các hội đồng đề cử ngay từ đầu”.

Như vậy, giải thưởng HNV TP.HCM, xét theo quy chế thì đây là một giải thưởng “thụ động”. Bởi, ngoài chức năng tổng kết đời sống văn học trong năm qua, người yêu văn chương còn mong muốn giải thưởng HNV TP.HCM phải phát hiện được những tác phẩm giá trị. Với cách làm việc thụ động “ngồi chờ” tác phẩm “tự tìm đến” giải thưởng như hiện nay, liệu có bao nhiêu nhà văn đem tác phẩm đi nộp và ký tên nhằm “kiếm giải” hoặc “kiếm danh hiệu”?!

Phải chăng vì điều lệ giải thưởng “bắt buộc” các nhà văn phải “xác tín” dự giải nên nhiều nhà văn vốn rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương... “ái ngại” chăng?! Điều khôi hài của quy chế này là, giả sử như nhà thơ Chim Trắng đang được các bằng hữu in tập thơ di cảo của ông. Nếu tập thơ di cảo này của nhà thơ Chim Trắng được mang đến dự giải HNV TP.HCM năm 2012 thì cũng sẽ bị loại ngay từ đầu. Vì nhà thơ Chim Trắng vừa qua đời, ông đâu còn trên thế gian này nữa để ký tên xác nhận hay ký tên ủy quyền rằng mình dự giải?!

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm