Bài 2: Sách trinh thám chính trị - mảnh đất màu mỡ

19/08/2009 08:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Khác với loại sách trinh thám cổ điển dựa trên cái trục chính vụ án - điều tra tội phạm với các tác giả đã trở thành kinh điển như Arthur Conan Doyle, Agatha Christie, Georges Simenon... (hầu hết tác phẩm của các tác giả này đều đã được dịch giới thiệu ở Việt Nam), con đường của sách trinh thám chính trị đến với người đọc Việt Nam khá lắt léo.

Tình báo, phản gián có phải là trinh thám?


Bản thân khái niệm sách trinh thám chính trị cũng đã hết sức đa dạng và khá phân tán. Trước hết, nội dung của nó phải liên quan đến những vấn đề mang tính chính trị, hoạt động của các điệp viên, điệp vụ, các cơ quan tình báo hay phản gián (cả hư cấu lấn phi-hư cấu). Trước đây, khi đất nước còn chia cắt và cuộc chiến tranh lạnh vẫn hoành hành trên thế giới, người đọc Việt Nam chủ yếu biết đến thể loại sách này dưới tên gọi tiểu thuyết tình báo hay phản gián. Nguồn sách chủ yếu đến từ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu hay Cuba.

Đã có một thời, nhiều bạn đọc Việt Nam say sưa tiểu thuyết tình báo Nam tước Phôn Gônring của Iuri Mikhailic (tên gốc trong tiếng Nga là Một mình trên chiến trường vẫn là chiến sĩ), Hầm bí mật bên bờ sông Elbơ (và phần tiếp theo của cuốn này là Vượt qua lưới thép), Thanh kiếm và lá chắn..., tiểu thuyết phản gián Chiếc khuy đồng, sau này là Biển lạnh, Hiệp hai và một trong những cuốn sách hiếm hoi về tình báo - phản gián Cuba: Bóng chim câu trên sóng biển Miami...

Tiểu thuyết trinh thám chính trị hư cấu khá ít, loại phi-hư cấu càng ít hơn, có thể kể tới Bảy năm gian khó, viết về quá trình thâm nhập vào đài châu Âu tự do của một sĩ quan tình báo Ba Lan là Sekhovic và vài cuốn sách về nhà tình báo Richard Sorge (Nhà tình báo vĩ đại, Người đã cứu Moscow, Richard Sorge). Có lẽ tác giả nổi tiếng, được người đọc Việt Nam biết đến nhiều nhất thời kỳ này là nhà văn Liên Xô Iulian Semionov với các tác phẩm như Mười bảy khoảnh khắc của mùa Xuân (tình báo), TASS được quyền tuyên bố (phản gián)... Đã có truyền thuyết rằng tác phẩm Mười bảy khoảnh khắc của mùa Xuân viết về hoạt động của nhà tình báo Isaev Shtirlitz (cũng được dựng thành phim và hết sức nổi tiếng) chân thực đến nỗi nhà lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Leonid Brezhnev, sau khi đọc xong, đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Liên Xô làm thủ tục để phong danh hiệu anh hùng cho Isaev Shtirlitz! Sau cuốn này, người đọc Việt Nam tiếp tục được theo dõi hoạt động tình báo của Shtirlitz trong những tác phẩm nối theo cũng của Iulian Semionov là Lệnh phải sống (hai tập) và Bành trướng (không hiểu vì sao chỉ ra có một tập rồi ngừng).

Trong khi ấy, thể loại trinh thám chính trị trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Do ảnh hưởng của cuộc xung đột ý thức hệ cũng như chiến tranh lạnh trên phạm vi toàn thế giới vào thời kỳ đó nên hầu hết các tác phẩm trinh thám chính trị đều phản ánh sâu sắc quan điểm cũng như sự mường tượng về kẻ thù của các tác giả. Thomas Power, tác giả cuốn tiểu thuyết gián điệp nổi tiếng Người nắm giữ bí mật: Richard Helms và CIA, nói: “Tiểu thuyết gián điệp trong thời kỳ này chính là tấm gương phản ánh một cách trung thực nhất những sắc thái của cuộc chiến tranh lạnh. Nó đã dạy chúng ta nhiều điều hơn bất kỳ những bài diễn thuyết dài dòng nào về cuộc chiến giữa hai hệ thống trên thế giới”.

Một trong những tác giả nổi tiếng nhất của thời kỳ này là Ian Fleming, nguyên là một điệp viên làm việc trong tình báo hải quân Anh thời kỳ đệ nhị thế chiến và cả sau khi chiến tranh kết thúc. Ian Fleming chính là cha đẻ của nhân vật điệp viên 007 James Bond qua 14 tiểu thuyết, một mẫu người hùng phương Tây vừa hoạt động điệp báo vừa tán gái và nốc rượu như hũ chìm. Hầu hết các tác phẩm của Ian Fleming đều được giới thiệu ở miền Nam trước năm 1975 dưới dạng bản dịch hoặc phóng tác (chủ yếu của tác giả Hoàng Hải Thủy). Cũng chính điệp viên 007 James Bond là hình mẫu để cho một tác giả ở miền Nam, vốn là luật sư, dưới bút danh Người Thứ Tám, đã copy và “sáng tác” ra một mẫu người hùng tương tự là điệp viên Z28 Tống Văn Bình trong loạt truyện Z28 với trên dưới 50 quyển phát hành rộng rãi ở miền Nam thời kỳ trước 1975. Sau 1975, một số tác phẩm của Ian Fleming đã được giới thiệu là Bí mật đảo phân chim, Sòng bạc Hoàng gia, Điệp vụ kim cương, Sống hay là chết, Chiến dịch sấm sét.

Một tác giả thuộc vào loại xuất sắc nhất của thể loại trinh thám chính trị thời kỳ này là John Le Carré, với tác phẩm Người về từ vùng lạnh, đoạt giải thưởng Somerset Maugham tại Anh năm 1964 (xuất bản ở miền Nam trước 1975 với hai bản dịch khác nhau, một có nhan đề Người từ miền đất lạnh, một là Máu đẫm bức tường Bá Linh. Do quan điểm thiên kiến của John Le Carré nên các tác phẩm viết về thời kỳ chiến tranh lạnh của tác giả trinh thám chính trị bậc thầy này ít được giới thiệu ở miền Bắc trước năm 1975).

Một tác giả rất xuất sắc khác có nhiều tác phẩm được giới thiệu ở Việt Nam là Frederick Forsyth. Mở đầu là cuốn tiểu thuyết Một ngày của Chó Rừng (1971), được dịch dưới nhan đề Kẻ giết mướn, kể về vụ ám sát Tổng thống Pháp Charles De Gaulle của một sát thủ máu lạnh người Anh, vô cùng hấp dẫn. Một cuốn khác của cùng tác giả cũng được giới thiệu là Hồ sơ ODESSA, khám phá âm mưu di tản những tên tội phạm phát xít Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuộc chiến khốc liệt giữa các cơ quan tình báo trong bối cảnh đối đầu chính trị Đông-Tây cũng xuất hiện trong một số các tác phẩm trinh thám chính trị hiếm hoi được dịch ở Việt Nam như Núi băng trôi của Arnaud de Borchgrave và Robert Moss, Kẻ lừa dối của Frederick Forsyth, Phản công của Sean Flanery, Đợi chờ của John Le Carré, Giáo chủ trong điện Kremli của Tom Clancy (một tác giả trinh thám chính trị rất nổi tiếng của Mỹ nhưng ít được dịch ở Việt Nam)...

Bước ngoặt sau 11/9/2001

Chiến tranh lạnh kết thúc, tiểu thuyết trinh thám chính trị dường như bắt đầu bước vào thời kỳ suy tàn. Các kẻ thù cũ trước đây nay trở thành đối tác của nhau, các hoạt động mật bị thu hẹp lại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ gây cho người ta cảm giác rằng máy móc có khả năng thay thế cho con người và các hoạt động điệp báo cổ điển dần lùi vào dĩ vãng.

Thế nhưng vụ khủng bố ngày 11/9, hai cuộc chiến tranh ở Iraq và cuộc chiến tranh Afghanistan đã làm thay đổi quan niệm đó và tiểu thuyết trinh thám chính trị tiếp tục tìm được những miền đất mới để khai phá. Giờ đây, kẻ thù đã thay đổi. Đó có thể là sự kết hợp giữa một tên khủng bố với một cơ quan tình báo thù địch, hay đơn giản chỉ là những phần tử khủng bố, cực đoan, tin tưởng một cách mù quáng vào những giáo lý chết người của chúng. Không còn những chiến tuyến rõ ràng nữa. Hoạt động tình báo, gián điệp mang những màu sắc mới, dưới những hình thái mới. “Chúng tôi đã được thức tỉnh - Frederick Forsyth nói - Bây giờ là lúc ra đời của những cuốn sách dựa trên cơ sở một thế giới mới, những công nghệ mới trong thế giới ấy và cuộc chiến chống khủng bố”.

Các tác giả mới nổi cũng như cổ điển của dòng sách trinh thám chính trị nhanh chóng cho ra đời hàng loạt những tác phẩm mới. Frederick Forsyth có Kẻ lừa dối (về điệp viên Mc Cready hoạt động khắp thế giới), Những bí ẩn của sa mạc (về dự án chế tạo Siêu đại bác của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein), Người tù Afghanistan (về mạng lưới khủng bố và cuộc chiến ở Afghanistan). John Le Carré có Độc hổ (hoạt động điệp báo chống khủng bố), Thợ may Panama (được giới thiệu ở Việt Nam dưới nhan đề Người tình Panama, chắc để câu khách!)... Ngoài ra còn có Ngày tận thế của Moris Fairhi (về hoạt động điệp báo ở Trung Đông), Săn đuổi của Gordon Thomas (về hoạt động chống khủng bố)... Mới nhất là bộ ba tác phẩm của Daniel Silva gồm Hỏa thần, Người đưa tin, Kẻ phụng sự thầm lặng. Đây là 3 trong số 12 tác phẩm của cùng tác giả này mà 9 trong số đó có nhân vật chính là điệp viên sát thủ Gabrrel Allon, hoạt động chủ yếu trên mặt trận chống khủng bố. Hầu hết các tác phẩm của Daniel Silva đều nằm trong danh sách bestseller của Thời báo New York.

Cũng không thể không kể đến một nhánh khác của thể loại tiểu thuyết trinh thám chính trị, bao gồm các hồi ký của những người đứng đầu các cơ quan tình báo hoặc cựu điệp viên như Điệp viên từ Israel tới (về điệp viên Eli Cohen của Israel), Cuộc chiến đấu thầm lặng của tôi (hồi ký của điệp viên Kim Philby), Kỹ thuật tình báo (hồi ký của cựu Giám đốc CIA Allen Dulles), Tầm nhìn Béclinh (hồi ký của Chỉ huy tình báo Đông Đức Markus Wolf), Tên trùm mật vụ phát xít Đức thú nhận (hồi ký của trùm tình báo phát xít Đức Walter Schellenberg), CIA và bệnh sùng bái tình báo (của hai chuyên gia CIA là Victor Marchetti và J. Marks), Lỗ hổng lớn (của cựu điệp viên Richard Tomlinson), Mắt bão (hồi ký của cựu Giám đốc CIA George Tenet), Bắt gián điệp (của cựu điệp viên Anh Peter Wright), Những chiến dịch đặc biệt (của cựu chỉ huy tình báo Nga Pavel Sudoplatov)...

Hoặc các tiểu thuyết phi-hư cấu về các vụ án gián điệp có thật như Thoát khỏi CIA của Ronald Kessler (về vụ đào thoát sang Mỹ rồi tái đào thoát của đại tá KGB Yuri Yurchenko), Điệp viên ở Washington của Peter Maas (về vụ điệp viên CIA Aldrich Aimes hoạt động cho KGB)... Riêng về điệp viên cộng sản lừng danh Phạm Xuân Ẩn của Việt Nam cũng đã có ít nhất hai cuốn của tác giả nước ngoài được dịch ngược trở lại giới thiệu với độc giả Việt Nam là Điệp viên hoàn hảo, của Larry Berman và Phạm Xuân Ẩn: Câu chuyện khác thường về một điệp viên đã thách thức nước Mỹ, của Jean-Claude Pomonti.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm