Tướng Đoàn Sinh Hưởng: Ông bầu "đặc biệt"

08/03/2009 19:21 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Bóng đá VN từ lâu đã quen thuộc với các ông bầu, như bầu Đức, bầu Kiên, bầu Thắng, hay bầu Hiển... Nhưng chẳng có ông bầu nào "đặc biệt" như tướng Đoàn Sinh Hưởng của QK4.
 
 
* Ông tướng & người cha tinh thần

Ở VN, các vị tướng mê bóng đá nhiều không kể xiết. Người ta bảo bóng đá cũng có một hơi hướng gì đó liên quan đến các trận đánh, đến sở trường bài binh bố trận... Nhưng vừa làm tướng, đảm trách cả một Quân khu quan trọng, lại vừa làm người cha tinh thần, bao bọc cả một đội bóng cũng đặc biệt nhất VN, thì chắc chỉ có mình ông Đoàn Sinh Hưởng.

Hồi còn nhỏ, ông Hưởng mê bóng đá khác người. Ông bảo mình có một sở thích chẳng giống ai, đó là đá bóng giữa trưa. Cái nắng miền Trung khiến người ta phát sợ, nhưng ông Hưởng lại khoái nhất. Lý do: đá lúc nắng soi đúng đỉnh đầu mà còn chịu được thì vô địch về sức khoẻ.

Sau này, khi đã trở thành Tư lệnh QK4 và được người hâm mộ coi là "Thái thượng hoàng" của đội QK4, ông Hưởng vẫn áp dụng tinh thần đó vào làm bóng đá. Đối với ông, điều tiên quyết mang lại thành công là khổ luyện.

"Vũ khí" thượng thặng

Nhiều lúc tướng Hưởng nói vui rằng cứ mùa Hè mà đá sân nhà, QK4 ra sân lúc 3 rưỡi chiều thì không đội nào "chọi" nổi. Ông bảo cầu thủ QK4 chịu khổ quen rồi.

Có lẽ QK4 là đội duy nhất bắt đầu giờ tập mùa Hè lúc 2 giờ, 2 rưỡi, đến khi trời mát thì nghỉ. Tập riết như vậy, người của QK4 ai cũng đen sắt lại, nhưng sức bền thì... khỏi nghĩ. Đó là một thứ vũ khí thượng thặng mà mang ra dùng với đối thủ nào, vào thời điểm nào cũng đều lợi hại.
 
Tư lệnh QK4 Đoàn Sinh Hưởng

Tuy vậy, chẳng dễ dàng gì để ép các cầu thủ vào khuôn khổ như QK4. Tất nhiên, môi trường lính có một đặc trưng là tuân lệnh, nhưng bóng đá thì lại không phải là thao trường.

"Anh có thể dùng kỷ luật để quản quân, bắt quân ăn cơm đúng bữa, đi ngủ đúng giờ, tập đúng giáo án..., nhưng không thể dùng kỷ luật để bắt người ta phải đá hay, đá nhiệt, đá tự nguyện..." - tướng Hưởng tâm sự.

Là người từng đá bóng, ông Hưởng rất hiểu tâm lý cầu thủ. Ông biết khi nào cần rắn, khi nào cần mềm, lúc phải "lên giây cót", lúc lại "xả stress"... Ông hiểu nghề huấn luyện có lẽ cũng sâu sắc chẳng kém gì những nhà cầm quân chuyên nghiệp.

Ngồi bàn chuyện bóng đá với tướng Hưởng, thấy ông nắm vững về "binh pháp" dụng quân. Các sơ đồ chiến thuật, các chiêu thức tấn công - phòng thủ..., ông phân tích đâu ra đấy. Có những nhận xét của ông Hưởng về các vị trí trong đội hình mà đích thân HLV Vũ Quang Bảo cũng phải thừa nhận là xác đáng, dù ông tướng tư lệnh QK4 còn bận trăm công nghìn việc khác chứ không thể ăn ngủ với anh em cầu thủ từng ngày.

Bát phở - quả trứng và nước mắt Tư lệnh

Cho đến thời điểm này, QK4 đã lên chuyên, đã là một cái tên được nhắc đến hàng ngày trên các tờ báo thể thao. Nhưng có lẽ chẳng ai biết rằng đội bóng ấy đã suýt giải thể, nếu không có bàn tay tướng Hưởng.

Thực tế là những năm 80 của thế kỷ trước, QK4 đã từng giải tán một lần. Đến năm 2004, khi QK4 rớt xuống chót bảng hạng Nhất và có nguy cơ về với hạng Nhì, lại có ý kiến ngãng ra: "đá thế thì nghỉ đi cho rồi, đỡ tốn tiền".

Nhưng đúng vào lúc vận mệnh của đội bóng "nguy kịch" nhất, ông Hưởng - lúc đó mới nhận chức Tư lệnh - đã đặt quyết tâm phải giữ bằng được QK4. Dù có nghèo, dù có kém thì cũng không thể xoá tên. Việc đầu tiên mà ông Hưởng làm trong hành trình khôi phục QK4 chính là kéo HLV Bảo "khoằm" về, trong lúc ông Bảo đã chuyển nghề làm một... nhà buôn.

Đó cũng là một nước cờ mà về sau này, ông Hưởng khẳng định là cực kỳ sáng suốt. Vũ Quang Bảo về, không phải chỉ tuyến một mà các lớp trẻ QK4 cũng dần được định hình. QK4 năm đầu tiên, năm thứ hai dưới tay ông Bảo chơi chỉ ở mức cầm chừng, "hội nhập", nhưng sau đó là những bước bùng nổ.

Mùa giải 2008, lực lượng QK4 bắt đầu vào độ chín. Khởi đầu khá tốt, kết thúc lượt đi vẫn duy trì ở nhóm đầu, ông Hưởng đặt chỉ tiêu thăng hạng. Nhưng đó là một chỉ tiêu... lưu hành nội bộ, QK4 vẫn tiến từng bước âm thầm trên mặt trận lớn, chứ tuyệt đối không gây tiếng ồn.

Trước mỗi trận đấu, ông Hưởng luôn có mặt làm công tác tư tưởng cho anh em cầu thủ. Hôm nào đội đá sân khách thì ông điện thoại cho "thầy Bảo", rồi mở loa để tất cả cùng nghe.

Ông Hưởng cũng có thói quen sưu tầm các bài báo viết về đội bóng của mình, không thiếu một bài nào. Ông gật gù, bài này phân tích đúng, bài kia nhận xét có phần cay nghiệt quá... Nhưng không sao cả, cái chính là lính của ông có động lực để mà phấn đấu.

Nói về động lực thi đấu thì ông Hưởng có cách làm "số một". Như các đội khác, thắng thì thưởng đôi ba trăm triệu, nhưng QK4 thì không. Hôm QK4 đá thắng Ninh Bình ngay trên sân khách, Tư lệnh ra đón từ ngoại ô TP Vinh và thưởng cho mỗi người...một bát phở và quả trứng vịt lộn.

Cầu thủ QK4 trong ví không rủng rỉnh tiền, nhưng khát khao và máu lửa thì chẳng đội nào bì kịp. Ngày thăng hạng, tất cả cùng ôm nhau khóc oà ngay trên sân bởi hạnh phúc quá, sung sướng quá. Trên khán đài danh dự, vị Tư lệnh khả kính cũng rưng rưng nước mắt.

Thường ngày, chẳng bao giờ người ta thấy Tư lệnh khóc. Nhưng hôm đó, ông ôm từng cầu thủ vào lòng như những đứa con, nước mắt lưng tròng. Có ai đó đã từng ví đó là giọt nước mắt của một người cha nghèo có đứa con vừa thi đậu đại học. Ngay đằng sau niềm tự hào, mãn nguyện đã lại là những nỗi lo cơm áo gạo tiền...

QK4 lên V-League, không hẳn là nghèo đến rớt mùng tơi, nhưng ngân quỹ thì không thể so đọ với những đại gia làm kinh tế khác. Một khoản lớn trong ngân sách tài trợ đã dùng để làm lại mặt sân. Số còn lại phải cân đối để chi dùng cho bao nhiêu việc khác, từ tập huấn, mua cầu thủ ngoại, trả lương...

Ông Hưởng bảo QK4 bây giờ vào một môi trường khác, nơi đồng tiền có vai trò rất lớn, nhưng điều quý nhất là QK4 không bị ảnh hưởng bởi bão tiền. Sau trận thắng cực kỳ quan trọng trước Đồng Tháp ở vòng 3 V-League, ông cũng có hứa sẽ thưởng cho "quân nhà", nhưng không tiết lộ ngay trên sân.

Về nhà, trong cuộc họp rút kinh nghiệm trận đấu, ông mới thông báo thưởng 50 triệu. "Đây là một ngoại lệ, bởi Quân khu muốn khích lệ tinh thần anh em và đánh giá đúng sự nỗ lực của anh em". Rồi ông thủng thẳng: "QK4 không lấy tiền ra treo thưởng cho chiến thắng, nhưng nếu thấy các cháu đá cố gắng, đá hay vượt khả năng của mình thì dù hoà hay thậm chí thua, chúng tôi vẫn có hình thức động viên".

Trước mắt QK4 đang là những thách thức thực sự, khi tất cả đều nhìn vào họ như một ứng cử viên xuống hạng. Nhưng điều đó không làm tướng Hưởng e ngại, mà ngược lại, nó càng khơi dậy tính cách mạnh mẽ, vượt khó của ông. Đấy có lẽ cũng chính là tính cách của thầy trò đội QK4!

Xuân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm