Tiền tỷ của Vinh, tiền tỷ của Quyến

10/01/2009 19:12 GMT+7 | V-League

(TT&VH CT) - Văn Quyến, Công Vinh đều xuất thân từ lò Sông Lam, đều được xem là những tiền đạo số 1 (từng thời) của đội tuyển VN. Nhưng chuyện của Vinh, của Quyến lúc này đang là những ngã rẽ khác nhau của những "đôi chân vàng" của bóng đá xứ Nghệ.

* Khi "tiền tỷ" cười

3 năm trước, khi Văn Quyến dính vào vụ "bán độ" ở SEA Games 23, đội 1 SLNA không quá lo khi họ vẫn còn Công Vinh. Không có Quyến, Vinh trở thành số 1 trên hàng công đội bóng xứ Nghệ và đội tuyển U23, ĐTQG. Chỉ kém đàn anh Văn Quyến 1 tuổi, nhưng Vinh được đánh giá sống có trước có sau hơn, và biết cách giữ gìn, khẳng định được thương hiệu của chính mình.

Từ lò Sông Lam, Vinh đã dứt áo ra đi tìm chân trời mới sau khi kết thúc hợp đồng. Nhưng cách hành xử của Vinh với đội bóng cũ không làm người hâm mộ, lãnh đạo Sông Lam bất bình. Giữa tháng 9/2008, Vinh cập bến T&T.Hà Nội với số tiền kỷ lục của bóng đá VN (7 tỷ đồng). Người ta đã mổ xẻ rất nhiều về cuộc chuyển nhượng đình đám này, kèm theo những bình luận về chuyện "giá ảo", về cuộc đua của các đại gia trong vòng xoáy gắn mác chuyên nghiệp của bóng đá nội và tất nhiên đề cập đến giá trị của đôi chân của Vinh. Tiền đạo số 9 của tuyển hiểu được những câu chuyện liên quan đến bản thân và Vinh muốn trả lời bằng nỗ lực của anh trên sân. May mắn cho Vinh khi anh được chơi bóng dưới trướng một ông thầy ngoại quá hiểu các học trò và luôn tạo cơ hội để họ khẳng định được khả năng. Ở tuyển, Vinh được ông Calisto bảo vệ và anh có khi thăng khi trầm, nhưng anh đã gắn mình trong lối chơi chung của đội và gặt được thành quả xứng đáng.
 
Công Vinh đang có những bước tiến chắc chắn trong sự nghiệp

Với AFF Cup 2008, Vinh đã biết cách ghi điểm đúng lúc để khẳng định cái giá tiền tỷ kỷ lục của bóng đá VN. Công Vinh không ghi nhiều bàn thắng như Vũ Phong, không được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải như Hồng Sơn, nhưng Vinh vẫn là "người hùng" trong mắt mọi người. Một đường chuyền quyết định cho Quang Hải ở trận bán kết (lượt về) gặp Singapore và 2 bàn thắng ở 2 trận chung kết đã giúp quá đủ để người ta quên đi chuỗi những trận đấu tịt ngòi liên tiếp trước đó của Vinh. Sau bàn thắng vàng vào lưới Kosin ở Mỹ Đình đêm 28/12, Vinh đã nức nở rất nhiều, nhưng rồi anh cũng đã được cười nhiều trong niềm vui chung của cả một tập thể đã làm nên điều kỳ diệu đủ để biến 80 triệu trái tim Việt hòa chung không khí của ngày hội lớn.

Giờ đây, Vinh đang thực sự trên đỉnh vinh quang. Người ta không còn "tán" chuyện Công Vinh giờ giá 2 tỷ, 3 tỷ hay 7 tỷ đồng, mà muốn Vinh sẽ tiếp tục chơi, tiếp tục cống hiến cho tuyển như những gì và anh và đồng đội đã làm được để bước lên đỉnh của bóng đá Đông Nam Á.
 

 
* Khi "tiền tỷ" oải

Những ngày sau AFF Cup, trong khi bàn thắng của Công Vinh được nhắc đến thường trực trong câu chuyện của tất cả mọi người quan tâm đến ĐTVN thì cái tên Văn Quyến lại được chú ý trong vụ tranh cãi dính đến chuyện tiền trong việc đi, hay ở của Quyến "béo" tại SLNA. Quyến đã đưa ra nhiều lý do để đòi được ra đi, thậm chí đã "đe" đến chuyện lôi nhau ra tòa để phân xử nếu bị Sông Lam từ chối. Nhưng với nhiều người ở Sông Lam, người ta chỉ nói nhiều đến chữ TIỀN khi nhắc đến chuyện Quyến liệu có kí tiếp, hay không kí tiếp hợp đồng mới với SLNA. Nếu muốn có Văn Quyến thêm 2 năm, SLNA sẽ phải chi cho "thằng béo" số tiền 1,4 tỷ đồng khoản tiền (gọi là) lót tay. Và cũng từ chuyện tiền ấy, Quyến bị trách là đã phụ bạc với đội bóng đã nuôi dưỡng, góp phần tạo nên thương hiệu của anh từ ngày còn là chú bé chăn trâu lam lũ ở những cánh đồng vùng Hưng Nguyên đến những bước đi đầu tiên đến với trái bóng từ các lứa U của Sông Lam để tiến dần lên ĐTQG.
 
Thời oanh liệt của Văn Quyến đã trôi xa

Khi mà các cuộc chuyển nhượng của phần lớn các cầu thủ gắn mác tuyển thủ, cựu tuyển thủ, hoặc thuộc diện "cứng" ở các CLB, đều được quy ra tiền tỷ thì cái giá chưa đến 2 tỷ đồng tiền lót tay, như thông tin về đề xuất của Quyến, không phải là con số "khủng'. Nhưng chuyện Quyến làm căng chuyện đòi ra đi (có gắn với yêu cầu tiền tỷ) trong khi anh đang trong thời gian chịu án kỷ luật của VFF đã khiến "vụ Văn Quyến" được hiểu theo những nghĩa khác. Lãnh đạo Sông Lam ngao ngán với chuyện của Văn Quyến và vẫn có quyền cương khi đang nắm trong tay "bảo bối" là sự đảm bảo của CLB về quá trình tu dưỡng của "thằng béo" gửi lên VFF thì Quyến mới được xem xét giảm án trước thời hạn. Còn Văn Quyến, anh đã than quá mệt mỏi và mọi chuyện liên quan giữa Quyến với Sông Lam đã được ủy thác cho người đại diện.

Ngày Công Vinh liên hoan với đồng đội cũ ở khách sạn Thượng Hải (TP Vinh), sau những phút thăng hoa ở AFF Cup, người ta cũng thấy Văn Quyến xuất hiện trong số khách mời. Nhưng với mọi người, Quyến giờ cũng chỉ là một cầu thủ bình thường như nhiều cầu thủ lò Sông Lam khác đến chia vui với Công Vinh, chứ không còn là tâm điểm của sự chú ý như một thời anh đã từng có.
 
* Và chuyện tình, chuyện lý

Trong mắt các em trẻ ở các lứa U của Sông Lam những ngày này, Văn Quyến không còn là thần tượng cả về chuyên môn lẫn tiền đồ. Trong và ngoài sân tập của các lứa U, tên của Văn Quyến dường như đã chìm. Tên của Công Vinh được nhắc đến sôi nổi hơn như một tấm gương của cầu thủ đàn anh nổi tiếng cả về tên tuổi lẫn giá trị vật chất đủ để những đứa trẻ đang nuôi ước mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp ở lò Sông Lam ngưỡng mộ.

8 năm kể từ lần Văn Quyến gây ấn tượng ở giải U16 Châu Á tại Đà Nẵng, thương hiệu của anh đã đi xuống rất nhiều. 5 năm sau lần được ông Riedl chú ý từ JVC Cup trước SEA Games 22, Vinh "còm" đang thăng tiến ổn định. Chỉ chưa đầy 10 năm, bóng đá xứ Nghệ đã giới thiệu hai chân sút hàng đầu cho làng bóng đá VN. Họ đều để lại dấu ấn, đều trở thành tâm điểm chú ý của người hâm mộ, bình luận của các nhà chuyên môn và giấy mực của giới truyền thông. Nhưng thời của Vinh, thời của Quyến không còn giống như thời của các đàn anh cuối những năm 90 thỏa mãn với cuộc sống bóng đá ở Sông Lam và khi nói chuyện thường kèm theo câu nói "hết mình vì màu cờ sắc áo". Vinh, Quyến có quyền chọn cho mình một môi trường thích hợp để đầu quân, nhưng với hoàn cảnh của một nền bóng đá đeo mác chuyên nghiệp còn gánh sau lưng những di sản của thời bóng đá bao cấp thì việc cân đo "chuyện tình, chuyện lý" không phải là điều dễ dàng.

Ngẫm ra, chuyện liên quan đến những đôi chân tiền tỷ của Công Vinh, Văn Quyến không chỉ là mảnh đời riêng của hai tiền đạo từng chung một mái nhà Sông Lam, mà còn là những câu chuyện thời sự của một nền bóng đá. Cái giá Vinh được nhận và cái giá Quyến phải trả giờ đây chắc chắn sẽ còn là đề tài "nóng" với nhiều người.

 
Dương Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm