Chuyện cái ghế từ cổ chí kim (Bài 1)

30/10/2011 14:21 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ghế là một đồ dùng thông dụng ngày nay và có một quá trình hình thành thú vị. Không phải dân tộc nào ngay từ đầu cũng sinh ra cái ghế và biết ngồi ghế. Ghế là tượng trưng của địa vị, đẳng cấp và những cuộc đấu đá quyền lực.  

 1. Trong những nền văn minh cổ đại và chiếm hữu nô lệ, cái ghế - có lẽ là một cái ngai thì đúng hơn dành cho thủ lĩnh và vua chúa. Những người có địa vị thấp hơn khi gặp họ thì đứng hoặc quỳ. Nền văn minh Hy Lạp và La Mã sớm hình thành công dân, cái ghế không còn là độc quyền của vua mà bình dân cũng có thể sắm ghế.

Người Hy Lạp, La Mã thích nửa ngồi nửa nằm trên những chiếc ghế dài có tựa vòng ba bên - một dạng của chiếc đi văng sau này.




Truyền tin (tranh Rogier van der Weyden, thế kỷ 15, sơn dầu trên gỗ,
86x93cm) hiện ở Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.

Rất nhiều loại ghế thời cổ đại mô phỏng hình dáng động vật, nhất là những động vật thân dài lưng rộng, ghế theo hình thức đó thường cầu kỳ và tạo dáng rất đẹp. Những chiếc ghế thô sơ lấy nguyên từ một phiến gỗ có hai chân dày xuất hiện, đó là các loại ghế băng và ghế đẩu không có tựa lưng, được dùng phổ biến trong hội họp cộng đồng bộ lạc, làng xã và trong doanh trại quân đội khi đi hành quân. Khi chưa dùng áo giáp, các chiến binh ngồi đứng tùy ý trên mặt đất, khi có áo giáp nặng nề, không thể gập chân thoải mái, họ buộc phải ngồi trên ghế như kiểu ngồi trên mình ngựa.

Thế là hai loại ghế xuất hiện, một loại như ghế đẩu như trên đã nói, một loại giống như yên ngựa, người ngồi phải dạng hai chân ra hai bên. Loại ghế này còn phổ biến đến tận thế kỷ 19, các triết gia, nhà văn và nhà khoa học ngồi trên chiếc ghế ngựa rất cao này sáng tác. Từ thời Trung cổ phương Tây, cái ghế đã có nhiều hình dáng đẹp.

Những chiếc ghế đơn trong nhà quý tộc được bọc đệm rất dày, tựa lưng cao. Nông dân cũng có ghế nhưng bọc nệm bằng rơm.Trong căn nhà, người ta đôi khi cũng chia nhà thành từng khoang có những chiếc ghế dài ngồi chung trong đó, nhất là nhà có gian thờ Chúa riêng. Có ghế đặt bên bàn ăn cho gia đình, hay bàn lớn với nhiều ghế đặt xung quanh của thủ lĩnh và các kỵ sỹ quý tộc.

Nhà thờ làm những chiếc ghế băng dài xếp thành hai hàng, phía trước mỗi ghế lại có bục cho con chiên quỳ, và tựa của ghế phía trước có mặt bàn hẹp chìa ra phía sau cho người quỳ tỳ vào đó hoặc đặt Kinh Thánh. Trước đàn clavecin và đàn organ người ta đặt một chiếc ghế khá rộng cho nhạc công. Chiếc ghế này thường không có tựa, đôi khi lại có thành cao ra hai bên như kiểu người ngồi giữa chạc cây. Hình thức của ghế trở nên phong phú hơn từ thời Phục hưng, khi con người cá nhân và gia đình được chú trọng.

2. Trong các bộ lạc cổ xưa, thủ lĩnh cũng ngồi cao hơn mọi người nhưng có thể ngồi trên bất kỳ vật gì như khúc gỗ, tảng đá... Ở vài bộ lạc châu Phi, người ta cho rằng thủ lĩnh ngồi luôn cái nệm đặt trên đầu ba nô lệ chụm lại.



Một gia đình phú ông Sài Gòn. Hai bà vợ cùng ba người con ngồi trước trên những chiếc ghế
gỗ chân cao con tiện. Ảnh sưu tập Poujade de Ladeveze, đầu thế kỷ 20

Trong vòng hai trăm năm trước và sau Công nguyên, thời Hán, người Trung Hoa vẫn ngồi quỳ đầu gối trên một chiếc nệm hay một bục gỗ thấp. Trong triều đình chỉ có vua khi thiết triều là ngồi trên ngai vàng, nhưng khi đãi yến, cả vua lẫn quan đều ngồi như nhau. Có bàn trước mặt bày biện thức ăn, còn người ăn ngồi quỳ. Kiểu ngồi quỳ cũng xuất hiện ở Nhật Bản và Triều Tiên, nhưng lại không phổ biến ở Mông Cổ và Việt Nam.

Người Mông Cổ từ nhỏ ngồi trên mình ngựa, khi xuống đất họ thích ngồi thõng chân hoặc ngồi xếp bằng như ngồi Thiền. Trong đời sống du mục, bàn ghế không có vị trí quan trọng, tất cả đều phải gọn nhẹ như nếp sống quân sự, đó cũng là lý do thiện chiến của người Mông Cổ xưa mà đàn bà và trẻ con cũng có thể tham gia chiến đấu.

3. Bàn ghế xuất phát từ đời sống thành thị nhiều hơn, khi người ta sống ổn định, phần nào tách khỏi tự nhiên, quy hoạch nhà và đời sống thị dân đòi hỏi đi đứng ăn mặc văn minh. Khái niệm công dân, đô thị và văn minh có cùng một gốc từ (citizen, city, civilization).

Cái ghế và đồ đạc ở đô thị gắn liền với kiểu thức kiến trúc, nghĩa là có sự tương quan qua lại giữa đồ vật – hình dáng và kích thước của nó với không gian cụ thể của một ngôi nhà. Cả kiến trúc lẫn đồ vật cũng có tương quan tỷ lệ với cơ thể và khả năng hoạt động của con người. Vậy thì ngồi sát đất người ta chỉ cần hòn gạch, khúc gỗ và tiến tới là cái ghế con. Ngồi cao hơn thì cái ghế đẩu bốn chân không có tựa, rồi ghế có tựa lưng, ghế có tay vịn, ghế cứng, ghế mềm, ghế cá nhân, ghế dài cho nhiều người ngồi... hình thức của ghế đa dạng đến mức không thể tưởng tượng được.

Người Mường hay quây quanh bếp những tấm gỗ như khung phản, cả nhà có thể ngồi ở đó. Người Tây Nguyên có chiếc ghế chung dài hàng chục mét làm từ một tấm gỗ nguyên. Ghế của quan lại, vua chúa được thửa riêng to cao và oai nghiêm nhằm phô trương uy thế hơn là ngồi. Cái ngai vàng của vua ai mà ghé mông vào đó ngồi sẽ bị xử trảm lập tức.

Thế kỷ 18, có một nghệ nhân tài ba làm long ngai cho vua Lê, làm xong ông ngồi thử, bèn lập tức bị tống vào ngục chờ ngày chém. Ở trong ngục buồn quá, ông lấy gạo và dùng móng tay tạc một đàn voi, nhà vua xem được, thấy tiếc tài năng của ông mà tha chết.

 Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm