Chuyện cái ghế từ cổ chí kim (Bài 2)

06/11/2011 15:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Người Việt có ghế từ khi nào có thể là một câu hỏi không lớn, nhưng không kém quan trọng.

1. Những đồ vật để lại trong lịch bằng gỗ có niên đại cổ nhất là những con thuyền thời Đông Sơn cách đây chừng 2.500 năm, những vì kèo gỗ thời Trần thế kỷ 13 - 14, tượng gỗ Phật Phù Nam có khoảng đầu Công nguyên, còn những tượng Phật gỗ và đồ gỗ Bắc bộ chỉ còn lại di tích từ thế kỷ 16 trở lại đây.

Cái ghế đương nhiên xuất hiện sớm hơn, nhưng bằng chứng còn lại thuộc về những chiếc ghế ngai - mục đích để thờ cúng từ thế kỷ 17 - 18. Người Việt đã biết đến phong cách đồ gỗ thời Minh thế kỷ 15, cho đến nay rất nhiều đồ gỗ được chế tạo theo phong cách này bởi tính hiện đại và công năng của nó, đó là những chiếc ghế có tựa rộng, thanh mảnh nhưng vững chãi.

Cắt tóc ngoài chợ. Người được cắt ngồi trên chiếc ghế băng dài phổ biến trong các quán
trà lá tại các chợ miền Bắc. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20

Đại bộ phận người Việt sống ở nông thôn trong nhà tranh vách đất, số khá hơn thì làm nhà gỗ nhà gạch. Cái ghế không có vai trò nhiều trong căn nhà đất mái lá, tuy nhiên thì không phải người Việt không cần đến ghế, mà vấn đề được xét dưới góc độ thói quen ngồi như thế nào.

Nếu như người phương Tây và người Trung Hoa thường ngồi ăn ở bàn, thì người Việt thích ngồi ăn ở mặt đất, mặt giường phản có trải chiếu, ngồi ngoài sân họ ngồi trên những chiếc ghế con thấp. Ra đình phân vai vế họ cũng ngồi chiếu, nên mới có chuyện góc chiếu giữa đình. Họp cũng ngồi chiếu, ăn cũng ngồi chiếu, chơi bài bạc cũng ngồi chiếu, những sĩ tử đi thi ngồi quỳ trên chõng, gò lưng xuống viết, những ông đồ ở nhà ngồi trên phản và viết trên cái tráp đựng bút nghiên mực giấy của mình, hoặc giả trên cái bàn nhỏ đặt giữa phản - đó là một hành vi có tính tập tục.

2. Trong cái tập tục này, hình như bàn ghế cao như kiểu bàn làm việc hiện nay chưa đóng vai trò gì lớn và rất có thể chúng chỉ được sử dụng nhiều bắt đầu khi người phương Tây vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Vào cuối thế kỷ 19 đầu 20, trong cung đình Huế, nhà vua đã sử dụng bàn làm việc và ghế cao có tựa, như loại bàn ghế văn phòng. Ở các đô thị có loại bàn ghế cao được làm cầu kỳ, lưng ghế có mặt đá, mặt bàn cũng bằng đá, trong các công đường phủ huyện, quan phụ mẫu cũng ngồi ở bàn công việc như vậy. Còn trước thế kỷ 19, họ có sử dụng bàn ghế cao hay không, cần phản tìm hiểu nữa.

Khi bàn ghế trở nên phổ biến, thì kiểu thức cũng phát triển đa dạng. Học sinh trường Tây và học chữ quốc ngữ đã từ bỏ lều chõng và lối ngồi viết trên phản, mà cần có bàn ghế cao thông thường. Ở trường học người ta đóng bàn dài có ngăn đựng cặp và ghế băng cho nhiều học sinh ngồi chung. Ở công sở bàn cao có ngăn kéo và ghế ngồi đơn cho các nhân viên hành chính. Trong gia đình trí thức loại bàn ghế này cũng thông dụng, vì ngồi viết ở đó lưng thẳng hơn, lâu mỏi hơn, hiệu quả công việc viết lách nghiên cứu tốt hơn.

Ở nông thôn, giường hay phản kê hai gian hai bên, gian giữa cũng có thể kê phản nhưng chỉ để cho quan khách và chính chủ, nếu không để phản gian giữa người ta đặt vào đó loại bàn trà thấp và ghế sa lông bằng gỗ. Trong thiền viện, bàn ghế cao cũng được đóng một cách chắc chắn để tiếp khách, hay nhà sư nghiên cứu Kinh Phật. Bàn ghế nhà chùa thường được nông dân dùng làm kiểu mẫu, chúng nổi bật ở kết cấu giản dị, nhiều đường soi, thành thấp và dày, có phần nghiêm cứng buộc người sử dụng phải nghiêm trang đĩnh đạc không cho chân lên ghế, hay ngồi ngả nghiêng.

Xu hướng dùng bàn ghế để chỉnh lý sự nghiêm túc của con người rất được chú trọng cùng với giáo lý phong kiến trong thế kỷ 19, còn tồn tại cho đến cuối thế kỷ 20. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, xu hướng giải trí, nghỉ ngơi tăng dần trong thiết kế đồ dùng gia đình. Các loại bàn ghế được bọc lót cho êm dịu, người ngồi hay nằm vào đó thấy mềm mại, thư thái. Những bộ sa-lông bọc da căng phồng chiếm một diện tích lớn trong nhà, lại còn được đặt lên đó nhiều gối đẹp bọc bằng thổ cẩm. Đồ gỗ, đặc biệt đồ gỗ Đồng Ky  trở nên kiểu cách khác thường, quá mức, các thành ghế tạo hình rồng dày đặc, tựa ghế rất to, khiến một chiếc ghế choàn diện tích bằng cả bộ bàn trà cổ.

Phô trương quyền lực, phô trương tiền bạc, khoe giàu sang phú quý là tinh thần của nhiều phong cách bàn ghế hiện tại, đi kèm theo là các lọ lục bình lớn, có chạm khảm hoặc vẽ cầu kỳ. Ban thờ gia tiên của nhiều gia đình còn lộng lẫy hơn đình chùa. Trong các tiệm ăn, quán xá bàn ghế công nghiệp chiếm chỗ. Phần nhiều là các loại ghế chân sắt, lồng mặt ngồi bằng nhựa, hoặc bàn ghế đều bằng nhựa. Chúng không bền, không chắc chắn, không đẹp, nhưng tiện di chuyển, có hỏng hóc mất mát cũng không tốn là bao, dọn hàng người ta chồng lên nhau đỡ mất diện tích. Ghế văn phòng có giá nâng cao thấp, có trục xoay tròn, bên bàn vi tính được thiết kế riêng.

Cái ghế đã trở nên phong phú muôn hình muôn vẻ từ tạo tác thủ công cho đến sản xuất hàng loạt. Người Việt đã bắt đầu từ bỏ tập tục ngồi bệt, mà dùng bàn ghế cao nhiều hơn, thỉnh thoảng ngồi xoài trên ghế gác chân lên bàn cũng là cách thư giãn.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm