Thanh niên xung phong như mối tình đầu của tôi

23/03/2011 15:03 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 28/3 tới đây, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM kỷ niệm 35 năm thành lập. Nhân sự kiện này, lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Đông Thức đã tập hợp 19 truyện ngắn viết về TNXP thành cuốn sách Không quên. Ông viết Không quên với tâm thế của người trong cuộc.

Không quên tập hợp 19 truyện ngắn viết về TNXP - 19 truyện như lứa tuổi mười chín đôi mươi vậy. Đọc Không quên, độc giả sẽ gặp lại không khí sôi nổi của thanh niên một thời. Và nhà văn Nguyễn Đông Thức chính là người trong cuộc của lực lượng TNXP ngày nào “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, một cách tận tụy, hết lòng...”.

Kỷ lục viết về TNXP

Cùng với thế hệ thanh niên TP.HCM sau năm 1975, các chàng trai Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên... đã đứng vào hàng ngũ TNXP và từ đó trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Riêng nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông chỉ tham gia TNXP có 3 năm (từ 1976 - 1978) và sau đó đi bộ đội ở chiến trường Tây Nam. Nhưng 3 năm ở TNXP luôn là quãng thời gian đi theo Nguyễn Đông Thức cả một đời. TNXP đã để lại nhiều dấu ấn trên trang văn của ông.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức (giữa) trong lần cùng ông Võ Văn Kiệt (phải) ra thăm nông trường dừa Đỗ Hòa của TNXP TP.HCM ở Cần Giờ, năm 1982. Bên trái là chị Võ Thị Bạch Tuyết, giám đốc nông trường, nhân vật chính trong truyện ký Hạnh phúc

Có thể nói, nếu có một kỷ lục Việt Nam được trao tặng cho người viết nhiều về TNXP, thì người xứng đáng nhận kỷ lục đó không ai khác ngoài Nguyễn Đông Thức. Truyện dài viết về TNXP, Nguyễn Đông Thức có Ngọc trong đá, Trăm sông về biển. Người TNXP còn có mặt trong các tác phẩm Như núi như mây, Vĩnh biệt mùa Hè của ông. Nguyễn Đông Thức cho hay, sau hơn 30 năm cầm bút ông viết được khoảng 120 truyện ngắn thì đề tài về TNXP có 22 truyện chiếm tỷ lệ trên 1/6. 22 truyện ngắn này, đa phần ông viết trong những năm 1980, từ đó chọn ra 19 truyện in thành Không quên.

Ở tuổi chuẩn bị về hưu, nhà văn Nguyễn Đông Thức đang viết tiểu thuyết Không có gì và không một ai cũng có một trong ba nhân vật chính là TNXP.

Nếu trao kỷ lục Việt Nam viết về TNXP cho nhà văn Nguyễn Đông Thức, không chỉ vì số lượng trang viết mà còn nằm ở chất lượng tác phẩm. Riêng truyện dài Ngọc trong đá được đạo diễn Trần Cảnh Đôn dựng thành phim hút khán giả một thời. Rất tiếc, thông tin chúng tôi có được, bộ phim này hiện đã không còn bản gốc. Ngọc trong đá còn được ít nhất hai nhạc sĩ là Nguyễn Văn Hiên và Phú Quang phổ... truyện. Chương trình Thay lời muốn nói của Đài Truyền hình TP.HCM trong tháng 3 này đã dùng Ngọc trong đá làm chủ đề kỷ niệm 35 năm thành lập TNXP TP.HCM. Với nhà văn Nguyễn Đông Thức, 3 năm ở TNXP luôn dài hơn trang viết mà ông đã, đang và sẽ viết về những năm tháng “không quên”.

Nguyễn Đông Thức từng bị mạo danh 

Tập truyện Không quên

Nguyễn Đông Thức “tự bạch”: “Vì sao tôi cứ thích nhớ về - nghĩ về - viết về TNXP? Điều đó thật khó giải thích. Đó chẳng khác gì mối tình đầu, chinh phục ta vì vẻ đẹp giản dị mà lý tưởng. Và khi ta đã sống hết mình vì nó, vui buồn bởi nó, đổ bao công sức cho nó, hy vọng mọi điều từ nó..., hiển nhiên ta sẽ không bao giờ quên được”.

Không phải đợi đến ngày 28/3/2011 kỷ niệm 35 năm TNXP TP.HCM, Nguyễn Đông Thức mới nhớ đến “mối tình đầu” ấy bằng tập truyện Không quên. Trong Không quên, có 5 truyện được ông viết đúng ngày sinh nhật 28/3 của TNXP TP.HCM vào những năm 1980. Ngày 28/3 được Nguyễn Đông Thức “nhớ kỹ” hơn vì đó cũng là ngày sinh cô con gái đầu lòng của ông.

“Mối tình đầu” với TNXP của Nguyễn Đông Thức được đồng nghiệp và bạn đọc ghi nhận. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đánh giá: “Nếu có phần đời nào đó “ám ảnh” Nguyễn Đông Thức nhất, dù ngắn ngủi nhưng làm thay đổi cuộc đời anh, chắc chắn đấy chính là thời gian anh ở TNXP. Nguyễn Đông Thức yêu lực lượng này đến nỗi khi nó gian khó, thiếu thốn, anh luôn tìm ra những điều hài hước, ấm áp để viết về đồng đội. Nếu phải chọn tên một trong những tác giả có ảnh hưởng tới bạn đọc trẻ của thập niên 1980 - 1990 và góp một triện son cho thế hệ vàng thanh niên TP.HCM, chắc chắn không thể không nhắc tên Nguyễn Đông Thức”.

Văn của Nguyễn Đông Thức “ảnh hưởng” đến bạn đọc trẻ một thời - như nhận định của Đỗ Trung Quân - như thế nào? Người viết bài này xin góp một câu chuyện vui đã sưu tập được. Ấy là tên tuổi nhà văn Nguyễn Đông Thức trong những năm 80 - 90 thế kỷ trước rất “sang” đến độ có người giả danh ông để... “lừa tình” (và đi kèm là cả tiền). Một anh chàng thời ấy đã mạo nhận mình là Nguyễn Đông Thức để chiếm trái tim của một nữ nhà thơ trẻ. Khi chàng “Nguyễn Đông Thức dỏm” kia “quất ngựa truy phong”, cô nàng đến tìm “Nguyễn Đông Thức thật” tại cơ quan nơi ông đang làm việc mới té ngửa... Điều này chứng tỏ, cô nàng nhà thơ kia từ yêu văn Nguyễn Đông Thức chuyển sang yêu người nhưng yêu nhầm “người dỏm”.

Xưa nay, hầu như mỗi nhà văn đều có một vùng quê thân thuộc trong văn chương. Với Nguyễn Đông Thức, vùng quê thân thuộc nhất của anh, lạ thay, lại không phải là một địa danh. Đó là môi trường TNXP, một trường đại học của tuổi trẻ TP.HCM những năm sau 1975. Những ngày tháng Nguyễn Đông Thức sống trong đội ngũ TNXP không dài. Nhưng ở đời, chính chất lượng cuộc sống chứ không phải thời lượng cuộc sống quyết định đến tính cách con người. Trong trường hợp này, quyết định đến một diện mạo văn chương”.

(Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH)

Trần Hoàng nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm