NXB Trẻ bắt đầu dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài

13/03/2011 15:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong bối cảnh sách văn học Việt nói chung bị xem là “ế ẩm”, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi trong cuộc họp báo kỷ niệm 30 năm thành lập (tổ chức tại Hà Nội chiều qua, 12/3), NXB Trẻ tuyên bố: Năm 2011 sẽ là năm của sách văn học Việt Nam. Bất ngờ hơn nữa là lần đầu tiên NXB này đã tung ra bản tiếng Anh của một cuốn sách văn học Việt.

Với tựa đề bản tiếng Anh là Open the window, eyes closed, không khó để người ta nhận ra đó là bản dịch của cuốn sách nổi tiếng Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần. Nhưng sẽ rất khó để người ta hình dung, NXB Trẻ đã tự dịch cuốn sách này như thế nào và bán ra thị trường ra sao? Có lẽ chưa từng có NXB “nội” nào (trừ một số NXB chuyên về sách nước ngoài) lại dám thử nghiệm như vậy.

Lần đầu “…mở cửa sổ” ra tiếng Anh

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trưởng phòng Truyền thông, phụ trách truyền thông và khai thác sách nội địa của NXB Trẻ:

* Đây có phải là cuốn đầu tiên NXB Trẻ dịch ra tiếng Anh. Nó nằm trong chương trình nào vậy?

- Cuốn sách này ra đời một cách rất may mắn. Người dịch là anh Trương Tiếp Trương, một dịch giả nổi tiếng ở TP.HCM. Anh là người yêu mến NXB Trẻ đã tự đứng ra tổ chức dịch, chứ NXB Trẻ cũng chưa đủ khả năng để tổ chức việc này. Bởi để tổ chức “dịch xuôi” một cuốn sách nước ngoài ra tiếng Việt thì khá dễ dàng. Còn dịch ngược từ tiếng Việt ra một ngoại ngữ khác thì đòi hỏi nhiều yếu tố, từ tiền công dịch phải cao, rồi việc thẩm định, hiệu đính và rất nhiều thứ khác nữa.

Với cuốn sách này, chúng tôi được anh Trương dịch cho với tinh thần “thân hữu” là chính.


Ông Phạm Sỹ Sáu


* Và đây chính là cuốn đầu tiên được dịch ra tiếng nước ngoài của NXB Trẻ?

- Đúng vậy. Có thể nói, đây là cuốn đầu tiên do NXB chủ động dịch ra nước ngoài. Còn các cuốn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do các NXB ở Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc mua bản quyền rồi dịch thì lại là chuyện khác. Chúng tôi mong rằng, bản sách này chính là bước khởi đầu của NXB Trẻ để tiến tới giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Bản tiếng Anh cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

* Giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là một việc lớn và không của riêng ai. Vậy sau cuốn này, NXB Trẻ có chiến lược cụ thể gì chưa?

- Cuốn sách này chỉ là bước khởi đầu mang tính thăm dò của chúng tôi. Thực sự đây là cuộc đầu tư khá phiêu lưu. Chúng tôi tính 5 năm tới, mới có thể đưa một số tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài bằng cách dịch ra Anh ngữ hoặc Pháp ngữ. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng những cuốn sách viết về Việt Nam, đặc biệt về vùng Nam bộ, như bộ sách của nhà văn Sơn Nam hay của tác giả Nguyễn Văn Hầu - một người nghiên cứu về Nam bộ.

* Nhưng cụ thể với bản tiếng Anh của cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, đầu ra của nó sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trước mắt, chúng tôi giới thiệu với thị trường trong nước, cùng với việc đưa lên các mạng bán sách quốc tế. Chúng tôi sẽ đưa đi dự các hội chợ sách quốc tế để giới thiệu. Vì lâu nay, tới các hội chợ sách thì hầu như các NXB Việt Nam chỉ giới thiệu bản tiếng Việt, một số NXB thì làm catalogue bằng tiếng nước ngoài để giới thiệu tóm tắt các tác phẩm tiêu biểu, còn việc giới thiệu nguyên bản các tác phẩm Việt ra tiếng nước ngoài thì chưa. Đây sẽ là bước thử nghiệm.

2011 - năm của sách văn học Việt Nam

* NXB Trẻ khẳng định năm nay sẽ là năm của sách văn học Việt Nam. Do đâu mà NXB Trẻ lại đặt trọng tâm theo hướng này?

- Sách văn học Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng. Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy số bản in mỗi đầu sách văn học khoảng 3.000 bản là hoàn toàn có thể tiêu thụ được. Chúng tôi có thể ký với tác giả in 3.000 hay 5.000 bản ngay trong lần in đầu tiên và cam kết sẽ tổ chức tiêu thụ hết. Từng bước để năm 2015, chúng tôi có thể in trên 10 ngàn bản mỗi đầu sách.

Hiện thành công nhất về số lượng in là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (lên tới 150 ngàn bản) và tiếp theo đó là bộ sách 23 cuốn của Nguyễn Nhật Ánh, mỗi năm tái bản 100 ngàn bản. Cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn này cũng vừa lọt vào Top đầu sách bán chạy nhất năm 2010 của FAHASA với tổng lượng bán ra đến nay cũng khoảng gần 100 ngàn bản.

* Hiếm khi nào có thông tin lạc quan về sách văn học Việt Nam như vậy. Thực tế, số lượng sách văn học Việt Nam của NXB Trẻ trong thời gian qua cũng đã tương đối lớn rồi chứ. Trong thời gian tới đây sẽ mở rộng theo hướng nào?

- Số lượng sách văn học Việt Nam của NXB Trẻ trong thời gian qua khoảng 20-30 đầu sách/năm, thực ra chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ so với số đầu sách hàng năm của NXB Trẻ (1.200 - 1.500 đầu sách). Trong năm 2011 - năm của sách văn học Việt Nam, chúng tôi sẽ giới thiệu tủ sách “Mỗi tác giả 1 tác phẩm”. Mỗi tác giả sẽ chọn 1 tác phẩm tiêu biểu của chính mình và tự viết lời giới thiệu. Tháng 4 sẽ giới thiệu cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng; tiếp đó là tác phẩm của Vũ Hạnh, Trang Thế Hy...

Để thu hút các nhà văn đến NXB Trẻ in sách, chúng tôi có chính sách nhuận bút cao hơn một chút so với bình thường. chúng tôi có những cam kết như trong vòng 1-2 năm sẽ tái bản với bản sách mới, tốt hơn... Mong muốn lớn nhất của NXB Trẻ là tất cả các tác gia Việt Nam đều có sách in ở NXB Trẻ. Phấn đấu năm nay, NXB Trẻ sẽ in được khoảng 50 đầu sách văn học Việt Nam, tăng gấp đôi so với mọi năm.

* Xin ông tiết lộ một số đầu sách văn học Việt sắp sửa ra mắt?

- Tháng 4 tới, NXB sẽ in Nhớ - tập tản văn mới của “nhà văn trẻ” Mạc Can. Cuối tháng 3 này in 3 cuốn của Trịnh Công Sơn; Lời tạ từ với dòng sông - bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường với nhiều bài viết được đọc từ giường bệnh; Tuyển tập văn học Trẻ 2011...

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm