Lại hát nhép nhạc hàn lâm!

21/09/2009 14:24 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Cách đây gần 2 tuần (8/9/2009) đêm công diễn ra mắt của một hợp xướng lớn đã hát nhép. Đêm 18 và 19/9/2009 vừa qua, tại Nhạc viện TP.HCM, nhóm Credo gồm 6 thành viên vừa có 2 đêm biểu diễn ra mắt nhóm, trình diễn những tác phẩm nhạc cổ điển được đặt lời Việt cũng lại hát nhép…

Một cách tiếp cận mới của Credo

Credo là nhóm hát thuộc Công ty Suối Việt vừa được thành lập, nhóm hát này muốn mang những tác phẩm khí nhạc cổ điển và nhạc chủ đề phim đến với công chúng bằng cách đặt thêm lời Việt và biểu diễn với phương thức “mới mẻ” hơn.

Dự án Hát vang tiếng đàn mà nhóm Credo đang tham gia thực hiện, theo nhạc sĩ Nguyễn Bách (người dẫn dắt nhóm) là: Không hạ thấp nhạc cổ điển, mà là nhạc cổ điển được thể hiện với một phương thức khác hấp dẫn hơn.


Chơi nhạc đón khách từ ngoài sảnh

Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Bách nói, Credo đã có một cách tiếp cận khác khi trình diễn những tác phẩm cổ điển. Hai đêm nhạc vừa qua, tại sân khấu Nhạc viện TP.HCM đã vang lên giai điệu những tác phẩm cổ điển trong một không gian hoàn toàn khác: Có thiết kế sân khấu, tuy đơn giản nhưng khá ấn tượng đối với mọi người, gợi được liên tưởng về “màu tình yêu” (chủ đề của đêm diễn) trong suốt như pha lê và cả liên tưởng về một sân khấu... nhạc nước. Trang phục của những ca sĩ cũng “mốt” hơn, trẻ trung và lịch sự. Có cả múa phụ họa và ý tưởng dàn dựng trong các tiết mục. Hiệu ứng ánh sáng cũng được tăng cường, thay cho “ánh sáng trắng” một màu của sân khấu Nhạc viện TP.HCM trong nhiều đêm trình diễn nhạc cổ điển trước đây. Và không gian thưởng thức âm nhạc cũng được “phá vỡ” - tạo một không gian âm nhạc để dẫn dắt mọi người vào chương trình từ ngoài sảnh đón tiếp khách - với 2 “thiên thần” và 1 “ác quỷ” chơi vài bài nhạc sẽ trình diễn trong chương trình. Đặc biệt có 2 diễn viên hóa trang từ trang phục cho đến đầu tóc, mặt mũi... với một màu trắng toát, với những tư thế tạo hình trên sân khấu như những bức tượng thạch cao thật ấn tượng (nhưng rất tiếc chỉ có trong đêm đầu tiên).

Tuy nhiên, để thu phục được những đối tượng công chúng như Credo dự định và với số lượng bao nhiêu, điều đó còn cần thời gian và chất lượng cụ thể của những đêm diễn trong dự án Hát vang tiếng đàn này. Nhưng nói chung là nó có nhiều cái mới rất đáng nói...

… nếu không hát nhép

Với những gì được nghe trong 2 đêm nhạc nói trên, người “sành điệu” sẽ dễ dàng nhận biết đâu là âm thanh thật từ sân khấu, đâu là âm thanh phát ra từ đĩa thu sẵn. Phải nói rằng, đa số những bản nhạc trong 2 đêm này được trình diễn bằng cách “nhép”. Có thể nêu một sự khác biệt “điển hình” của âm thanh đĩa và âm thanh hát thật tại sân khấu trong 2 đêm nhạc này như sau:


Trình diễn bài Tình khúc thiên nga

Bản nhạc Sầu Chopin (hát nhép) do Lan Trinh lĩnh xướng bắt đầu với những nốt nhạc ở âm khu trầm, nhưng âm thanh “tròn vành vạnh”, độ ngân vang đầy đặn ngay từ nốt nhạc đầu tiên và “trong suốt” không một chút tạp âm (những yếu tố điển hình của âm thanh tại phòng thu). Bản nhạc (hát thật) đối lập về chất lượng âm thanh với Sầu Chopin có thể nói đó là bản Tình khúc thiên nga của Tchaikovsky (do Quỳnh Anh lĩnh xướng), những âm thanh đầu tiên không nghe được (có thể một phần do kỹ thuật âm thanh chưa kịp chỉnh volume). Ở những nốt thuộc âm vực trầm, âm thanh của giọng lĩnh xướng không có độ vang, nhiều nốt trầm bị mất tiếng, âm lượng giọng ca yếu hẳn so với những bản nhạc khác, đặc biệt là âm thanh với tính chất “xù xì” (những đặc trưng của âm thanh tại sân khấu). Kết quả này thể hiện đúng bản chất giọng mà tiết mục này đã hát thử cho các phóng viên nghe vào chiều 9/9 tại cà phê Mây, 120/ 4 Lê Văn Sỹ, TP.HCM.

Nhưng những điều nêu trên là khá “trừu tượng” và không phải ai cũng nhận biết được. Phải nói rằng, hai đêm diễn vừa qua, nhóm hát Credo “nhép” khá “trình độ”. Tuy nhiên điều mà nhiều người dễ dàng nhận biết cũng đã diễn ra.

Trong đêm diễn thứ hai (19/9), khi đã biểu diễn đến gần giữa tiết mục thứ hai, một nhân viên kỹ thuật mới lên sân khấu mở công tắc các cục transmiter đeo sau lưng 3 ca sĩ nữ (nếu công tắc này không bật lên thì micro mà ca sĩ đeo sẽ không hoạt động được). Thế nhưng trước đó âm thanh của các nữ ca sĩ vẫn “oang oang” chẳng khác gì sau khi mở công tắc cho các micro “kẹp” hoạt động. Một người không có chút kinh nghiệm nào về âm thanh đĩa và âm thanh hát thật tại sân khấu cũng có thể đoán rằng, khi chưa “bật” micro thì giọng hát của ca sĩ từ đâu phát ra?!

Hai nhạc công guitar và trumpet cũng đã góp phần vào việc “nhép” này. “Guitarist” Phương Thảo, hai lần ngưng đàn để sửa micro nhưng âm thanh guitar vẫn réo rắt; nhạc công trumpet trong một đoạn nhạc rất dài thổi “nhép” theo đĩa trong bài Vocalise của Rachmaninov, vì đó là âm thanh mềm mại, hơi vang vọng như hiệu ứng của echo hoặc có dùng sourdine (dụng cụ hãm thanh) chứ không phải là âm thanh của trumpet đang thổi - không sourdine, không micro như đang diễn ra...

     Credo, những ca sĩ đã tốt nghiệp hoặc đang học tập tại Nhạc viện TP.HCM, đến bao giờ họ mới lĩnh hội được thẩm mỹ “acoustic” và tư cách nghề nghiệp của những “sư phụ” mình?

Credo muốn đưa ra một phương pháp thể hiện khác để đem âm nhạc cổ điển đến với đông đảo công chúng, ý tưởng này nhận được khá nhiều sự ủng hộ, nhất là khi các ca sĩ đều xuất thân từ Nhạc viện TP.HCM. Nhưng dịp ra mắt nhóm hát mà lại hát nhép thì sẽ gây “ấn tượng” gì, chắc rằng ai cũng biết?


Nhạc viện là nơi có truyền thống lao động nghệ thuật nghiêm túc, hội trường acoustic của nhạc viện cũng là nơi thường vang lên những âm thanh xuất phát từ cảm xúc thật của người nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, Ngọc Tuyền, Triệu Yên đã tham gia chương trình này và đã không dùng đến micro (mà khán giả vẫn vỗ tay không ngớt). Bởi có lẽ họ không muốn âm thanh từ trái tim của họ đến công chúng mà phải qua một thiết bị truyền dẫn và khuếch đại âm thanh, chứ đừng nói đến việc dùng âm thanh đã được chỉnh sửa trong phòng thu.

Credo, những ca sĩ đã tốt nghiệp hoặc đang học tập tại Nhạc viện TP.HCM, đến bao giờ họ mới lĩnh hội được thẩm mỹ “acoustic” và tư cách nghề nghiệp của những “sư phụ” mình?

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm