"Hàn lâm" cũng... hát "nhép"

10/09/2009 10:46 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhạc sĩ Quốc Trung trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Tiền phong, đã nói: “Đến dàn nhạc giao hưởng cũng nhép, mà còn nhép bằng CD của Karian Vien Sym Orch nữa cơ”. Mới đây, một bản hợp xướng lớn trong buổi ra mắt cũng hát “nhép”. Chống hát nhép giờ đây không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn ca khúc mà cả ở các thể loại nhạc hàn lâm…

Những điều rất đáng trân trọng

Nhìn trên bình diện sinh hoạt âm nhạc của cả nước, sự phát triển về các thể loại âm nhạc bị mất cân đối. Trong lúc mặt bằng sinh hoạt âm nhạc nói chung chỉ chủ yếu là ca khúc và công chúng cũng chỉ biết có ca khúc, thì việc sáng tác và biểu diễn những thể loại âm nhạc khác như hợp xướng, nhạc thính phòng, giao hưởng... là điều rất đáng hoan nghênh, bởi nó góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc của xã hội.

Nhạc sĩ Vũ Đình Ân vừa tổ chức công diễn hợp xướng Lục Vân Tiên (8/9 tại Nhà hát TP.HCM), đây là tác phẩm hợp xướng rất dài (hơn 100 phút), phổ thơ từ tác phẩm cùng tên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Hợp xướng này được nhạc sĩ Vũ Đình Ân sáng tác trong 4 năm ròng rã. Trước đó, Vũ Đình Ân cũng đã sáng tác hợp xướng Truyện Kiều (phổ thơ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du). Chúng ta trân trọng niềm say mê hợp xướng của nhạc sĩ Vũ Đình Ân, nhất là trong thời buổi “âm nhạc thị trường” như hiện nay, việc bỏ công sức để đầu tư vào một tác phẩm hàn lâm trong nhiều năm, có thể nói đó là một tấm gương sáng về sự đam mê và hy sinh cho nghệ thuật của nhạc sĩ đối với những người làm công tác âm nhạc.


Cảnh đang biểu diễn hợp xướng Lục Vân Tiên
Thật đáng khâm phục, để phổ biến tác phẩm của mình đến với công chúng, nhạc sĩ Vũ Đình Ân, chủ yếu là phải bỏ tiền túi để chi phí cho các buổi biểu diễn, bởi tình trạng không thể tìm tài trợ và rất khó để thu lại từ tiền bán vé như hiện nay. Kể cả giao hưởng Truyện Kiều đồ sộ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, một trong những tên tuổi hàng đầu của các nhà soạn nhạc ở Việt Nam và với chỉ huy chuyên nghiệp, dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp biểu diễn, trước đây cũng không thể tìm được tài trợ.

Đáng khâm phục hơn nữa, nhân dịp công diễn hợp xướng Lục Vân Tiên, đêm nhạc này cũng đã vận động được các doanh nghiệp để tặng một số học bổng cho các học sinh trường khuyết tật. Riêng việc thu tiền đóng góp tự nguyện ngay trong đêm diễn cũng được hơn 13 triệu đồng để làm từ thiện.

Việc đánh giá nghệ thuật của tác phẩm hợp xướng Lục Vân Tiên của nhạc sĩ Vũ Đình Ân, xin dành cho các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này và sức sống của tác phẩm còn cần thời gian để đo đếm sự tiếp nhận của công chúng nhạc hàn lâm.

Nhưng những nỗ lực đầy nhiệt tâm của nhạc sĩ Vũ Đình Ân nhằm đóng góp vào lĩnh vực âm nhạc hàn lâm của TP.HCM là điều rất đáng được mọi người trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên...

Và điều cần góp ý

Có lẽ chúng ta cũng cần có những nhìn nhận thật khách quan về một sự việc, tôn vinh những gì cần được tôn vinh và góp ý những điều cần góp ý.

Trong buổi công diễn đêm 8/9/2009 tại Nhà hát TP.HCM (truyền hình trực tiếp trên BTV), thật lạ khi dàn hợp xướng gần 150 người lại không có một chiếc micro, nhưng âm thanh của dàn hợp xướng nghe rất “sạch”, âm lượng các bè cân đối một cách ngạc nhiên và đặc biệt là nghe rõ mồn một còn hơn cả trình diễn ở hội trường acoustic của Nhạc viện TP.HCM. Nhưng những điều đó không phải là âm thanh thật từ sân khấu mà là âm thanh phát ra từ... máy.

Trên sân khấu cũng có dàn nhạc dân tộc ngồi đánh “sống”, nhưng nếu tinh ý thì đàn tranh và đàn nhị chỉ có 1 micro để phía bên hông người đánh đàn tranh, thế mà âm lượng và sự cân bằng âm lượng của 2 nhạc cụ này cực kỳ chuẩn...

Một người ở Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương (xin không nêu tên) nói rằng: Do truyền hình trực tiếp nên “hát nhép” cho bảo đảm chất lượng - một câu nói muôn thuở của các nhà đài!

Việc hợp xướng Lục Vân Tiên hát nhép, đàn nhép đã diễn ra ngay trong buổi phúc khảo (3/9). Hôm đó, ca sĩ Đức Tuấn không có mặt do điều kiện khách quan, người tạm thay vai của Đức Tuấn là Minh Khoa, anh vừa nhìn sách nhạc vừa hát, ngoài việc âm thanh nghe “na ná” giọng Đức Tuấn, thì đã có lần anh “nhép” không đúng nhạc. Hội đồng phúc khảo của Sở không biết có phát hiện ra hát nhép hay không mà lúc công diễn vẫn tiếp tục hát nhép?

Những người làm công tác âm nhạc hàn lâm và công chúng âm nhạc hàn lâm nghĩ gì khi biết rằng hợp xướng Lục Vân Tiên đêm 8/9 là hát nhép?

Lâu nay, vấn đề hát nhép thường gắn liền với thị trường biểu diễn ca khúc và thường rơi vào các ca sĩ trẻ (đa số là không có thực lực), họ nhờ kỹ thuật phòng thu “o bế” giọng, để lên sân khấu chủ yếu là nhảy nhót, ăn mặc mát mẻ... Nay nhạc “hàn lâm” cũng hát nhép thì thật là điều đáng buồn.

Bên cạnh việc tiếp nhận những đóng góp cho âm nhạc hàn lâm thì việc chấn chỉnh những hoạt động sai lạc cũng là điều rất cần thiết, để những hoạt động âm nhạc hàn lâm có thể phát triển một cách bền vững.

Trong “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) ngày 2/7/2004, ở Chương 1, Điều 3, mục 4.3 có quy định nghiêm cấm “Dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình”, hay nói nôm na là cấm hát “nhép”.

Sở VH,TT&DL TP.HCM cũng đã từng cảnh cáo ca sĩ Thái Thùy Linh vì đã hát nhép trong một số chương trình ca nhạc vào dịp Tết Ất Dậu 2005.


Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm