PGS.TS Hà Đình Đức: Gần 2 thập kỷ vì Hồ Gươm

30/08/2009 14:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - PGS.TS sinh học Hà Đình Đức là người Thanh Hóa, có chất giọng không thay đổi dù bao năm sống giữa Thủ đô. Ông yêu Hồ Gươm, yêu lịch sử văn hóa Hà Nội đến mức tôn sùng, luôn luôn trăn trở suy nghĩ và đóng góp các ý kiến bằng tất cả khối óc, con tim mình để bảo vệ vẻ đẹp của Hồ Gươm nói riêng và của cảnh quan kiến trúc, lịch sử văn hóa Hà Nội nói chung. Đương nhiên không phải đề xuất nào của ông cũng là “chí lý”, nhưng người ta không thể phủ nhận được tấm lòng của ông quả thực “chí tình”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi ông là “nhà rùa Hồ Gươm học” hay giản dị là ông Đức “rùa”.

“Ngày 15/3/1991 lần đầu tiên tôi trông thấy Rùa Hồ Gươm bơi trên mặt hồ. Ngày 28/10/1991 tôi được mời tham gia Dự án Khai thác Hồ Gươm bảo vệ đàn rùa quý. Từ đó, tôi bắt đầu hoạt động bảo vệ rùa Hồ Gươm, Hồ Gươm và khu vực Hồ Gươm” - ông Đức nhớ lại.

Tới nay ông đã chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học về rùa Hồ Gươm, hệ sinh thái Hồ Gươm. Ông cũng là người đã chứng minh ra quốc tế rằng rùa Hồ Gươm là loài rùa mới của khoa học với tên gọi do ông đề xuất là Rafetus Leloi (rùa Lê Lợi).


PGS.TS Hà Đình Đức bên Hồ Gươm. Ảnh ST


Sau đây là tóm lược một số việc mà ông đã làm vì Hồ Gươm, vì Hà Nội (tài liệu do của PGS. Hà Đình Đức cung cấp).

1. Đầu năm 1992 tôi được biết có Dự án nạo vét Hồ Gươm bằng cơ giới với quy mô lớn. Đào 100.000m3 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào Hồ Gươm. Ngày 15/2/1992 tôi gửi tờ trình nêu rõ: “...Công việc này có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong. Cuối cùng Hồ Gươm được tiến hành nạo vét bằng phương pháp thủ công theo đề xuất của tôi từ ngày 17/9 đến ngày 15/ 11/1993 thì hoàn tất.

2. Góp ý về dự án xây dựng tòa nhà 4 tầng làm Trung tâm Văn hóa Du lịch tại 16 Lê Thái Tổ bên cạnh tượng vua Lê. Dự án dự định phá sân khấu ngoài trời để xây tòa nhà có diện tích 762,7m2 cao 4 tầng và cách lưng tòa nhà Khai Trí Tiến Đức cũ 4m (4 x 45,4m). Ngày 15/3/1996 tôi gửi tờ trình nêu rõ: Nếu dự án trên thực hiện sẽ không chỉ xúc phạm đến một di tích lịch sử có giá trị hàng đầu ở Khu vực Hồ Gươm mà còn phá vỡ cảnh quan vốn dĩ đã quen thuộc ở đây. Kết quả là các cơ quan chức năng đã dừng thực hiện thỏa thuận xây dựng tòa nhà này.

3. Tham gia cùng với Hội Khoa học Lịch sử và Hội KTS Việt Nam trong góp ý việc xây Khách sạn Hà Nội vàng.

4. Góp ý về việc sen mọc trên Hồ Gươm. Sau khi báo chí lên tiếng, Đài Truyền hình VN mời tôi đến phỏng vấn, do phóng viên Bích Ngọc thực hiện phát sáng ngày 12/5/1999. Cuối cùng UBND TP Hà Nội đã ra chỉ thị cho thu dọn.

5. Tham gia góp ý cho dự án Nâng cao chất lượng nước Hồ Tây năm 1999 cùng dư luận (cuối cùng Dự án này bị dừng lại).

6. Báo động loài rùa tai đỏ - loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện ở Hồ Gươm (2/2004)

7. Đề xuất lấy ngày vua Lê đăng quang tại điện Kính Thiên vào 15/4 (AL) hàng năm làm ngày lễ hội của Hà Nội. Kết quả Hà Nội có Quyết định số: 4249/ QĐ-UBND nêu rõ: UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Lễ hội vua Lê đăng quang.

8. Ngày 01/01/2009 tôi gửi tờ trình về việc nên dựng Tháp “Hà Nội Km 0” tại khu vực Hồ Gươm. Về việc này Thành phố đã tổ chức cuộc họp và có công văn thông báo: Đa số ý kiến hoan nghênh và ủng hộ ý tưởng của PGS.TS Hà Đình Đức về xây dựng “Hà Nội Km - 0”. Việc xác định để xây dựng “Km - 0” cần phải dựa trên cơ sở khoa học về địa lý, bản đồ, lịch sử, văn hóa có tính toán, đo đạc và xác định tọa độ chính xác...

9. Ngày 15/4/2009 tôi gửi tờ trình về việc đặt tên Đào Cam Mộc - người có công đầu tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua - cho một đường phố Hà Nội.

Đ.K (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm