Khám chân voi bằng máy dò kim loại?

15/05/2009 10:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trước tình trạng thương tật ở chân trước (trái) voi Khăm Bun, sáng qua (14/5), Liên đoàn xiếc Việt Nam mời các chuyên gia về thú y của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Viện Thú y Trung ương, Vườn thú Hà Nội... đến khám, hội chẩn về mức độ thương tật, thành lập một ê-kíp mổ có uy tín cũng như chuyên môn cao để tiến hành phẫu thuật vết thương cho Khăm Bun... 
 
Khám vết thương bằng... máy dò kim loại
 
Ông Minh, chuyên gia về voi, đại diện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương sau khi nghe báo cáo tình hình chữa trị cũng như xem lại toàn bộ phác đồ điều trị cho voi mà Liên đoàn Xiếc đã tiến hành trong thời gian qua đã cho rằng: “Nếu như chúng ta cứ chậm trễ và cứ chữa theo kiểu cũ mà không tiến triển thì ắt vết thương còn vấn đề phải nghiên cứu lại”.
 
Buổi “hội chẩn” cho voi Khăm Bun

Nghĩa là, bên trong vết thương có dị vật mà khả năng cao nhất là một mẩu kim loại làm bẫy. Trong khi chúng ta không có phương tiện để chiếu chụp phần bên trong của vết thương thì cách tốt nhất hãy dùng máy dò kim loại để khám cho voi. Nếu có tín hiệu thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa mà tiến hành phẫu thuật lấy di vật đó ra, đồng thời “đánh vào tận hang ổ, quét sạch lũ vi trùng gây bệnh”, vệ sinh chuồng trại thật tốt chắc chắn sẽ thành công. Còn chuyện bảo trả voi về rừng rồi khắc nó tự di chân vào lá cây, bãi cỏ hoặc ăn thứ này thứ khác tự nó sẽ khỏi tôi cho là không có căn cứ khoa học!

Phẫu thuật rồi đi “xăngđan tẩm thuốc” cho voi

Phương án được nhiều người có mặt trong buổi hội chẩn đồng ý nhất vẫn là phẫu thuật, mở rộng vết thương (chứ không cắt chân). Bà Quỳnh, Phòng kỹ thuật, Vườn thú Hà Nội cho biết: “Xem kết quả mẫu bệnh phẩm của Khăm Bun xét nghiệm hôm 28/4, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều loại vi khuẩn, nhiều nhất là vi khuẩn yếm khí. Vì vậy, phải nhanh chóng phẫu thuật cắt bỏ các tổ chức hoại tử, đồng thời mở rộng vết thương từ đế bàn chân lên đến cổ chân sau đó tiến hành phòng nhiễm trùng tại chỗ, ngâm chân voi vào dung dịch chống khuẩn, chống nhiễm trùng toàn thân cho voi bằng kháng sinh... Trường hợp vi khuẩn mẫn cảm với thuốc thì phải ngay lập tức lập kháng sinh đồ cho từng loại kháng sinh trong mỗi lần, đợt điều trị.
 
Vết thương của voi Khăm Bun nhận được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia
 
Tuy nhiên để tiến hành phẫu thuật (cho người hay động vật) chắc chắn phải gây mê nhưng vấn đề đặt ra ở đây là gây mê với liều lượng thế nào, phương pháp gây mê ra sao thì lại là cả một vấn đề bởi theo ông Tạ Duy Nhẫn, cơ địa của mỗi con thú rất khác nhau, không thể lúc nào cũng định mức được thuốc mê để gây mê. Trả lời băn khoăn này của ông Nhẫn, ông Minh có cao kiến là hãy gây mê qua tĩnh mạch, lượng thuốc vừa ít vừa không làm hại đến sức khỏe của voi. Sau khi gây mê, voi “ngủ kềnh” thì nhanh chóng phẫu thuật, tìm di vật, kiểm tra xương... Nếu đúng là nhiễm trùng xương thì hãy mạnh dạn làm theo kiểu “Hoa Đà” là cạo sạch xương, tra kháng sinh và diệt khuẩn...  
 
Mô hình xăng đan cho voi
 
Bổ sung ý kiến ông Minh, ông Nguyễn Hải Đăng, chuyên viên chăn nuôi - thú y của Liên đoàn Xiếc cho rằng, sau khi phẫu thuật xong sẽ tiến hành cho voi “đi sandal (xăng-đan) tẩm thuốc”, hàng ngày cột và treo chân voi lên một giá đỡ để tránh tiếp xúc với nền chuồng. Đây cũng chính là phương pháp mà ông Đăng đã áp dụng trong lần chữa trị đầu tiên cho Khăm Bun. Tuy nhiên, ông Đăng cũng lưu ý là không biết “đóng giày cho voi” bằng chất liệu gì để vừa chịu được trọng lượng đè xuống của cơ thể voi, vừa thoáng khí, vừa bền, nhẹ, tạo thoải mái cho voi? Trong khi, theo nghiên cứu, một ca chữa trị vết thương cho voi trên thế giới ít nhất cũng phải mất 8 tháng. Thế nên, vấn đề hậu phẫu vẫn đang làm “rối trí” các nhà chuyên môn tham gia cuộc hội chẩn...

Kêu gọi sự giúp đỡ

Thống nhất là sẽ phẫu thuật nhưng cả khi kết thúc cuộc hội chẩn, nhiều người vẫn chưa thể biết chắc chắn cơ quan, tổ chức và ê-kíp bác sĩ nào sẽ nhận trách nhiệm phẫu thuật cho voi Khăm Bun vì rất nhiều lý do. Ông Doanh, đại diên Viện Thú y TW giải thích: “Đất nước chúng ta có nhiều bác sĩ thú y giỏi. Tuy nhiên, chúng ta lại không có bác sĩ thú y chuyên về giải phẫu voi. Trong khi đó, đụng đến Khăm Bun là rất nhạy cảm”.
 
“Có bệnh thì vái tứ phương”. Cuối buổi hội chẩn, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, GĐ Liên Đoàn Xiếc Việt Nam đã thiết tha: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức y tế về động vật, đặc biệt là về voi trên toàn thế giới hãy quan tâm, đến và giúp chúng tôi phẫu thuật cho Khăm Bun, để tiến tới huấn luyện voi trở thành “nghệ sĩ xiếc không lời” như đã hứa với công chúng!
 
Huy Thông
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm