ENV lo ngại sau vụ bán ba ba khổng lồ

23/10/2011 23:59 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi một thông báo và bày tỏ sự lo ngại về vụ việc ông Nguyễn Bá Toàn trú tại Gia Lâm, Hà Nội sau khi bắt được một cá thể ba ba Nam Bộ nặng 25,5 kg, chiều dài hơn 1m, rộng 0,6m đã bán lại cho một lái buôn người Trung Quốc hai ngày sau đó.


Con baba quý hiếm đã bị bán sang Trung Quốc với giá 180 triệu đồng

Trong thông báo, ENV nhấn mạnh: "Sự việc trên sẽ không trở nên nghiêm trọng nếu như cá thể ba ba này không nằm trong danh mục động vật hoang dã (ĐVHD) cần bảo vệ; hay nếu như người dân hiểu và tôn trọng pháp luật và các cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn trong việc giải cứu cá thể ba ba trên". Thực tế, ngay sau khi biết thông tin về vụ việc, các cán bộ của ENV đã tới gặp và giải thích với ông Toàn về mức độ quý hiếm cần bảo vệ của loài này. Tuy nhiên, thay vì hợp tác, gia đình ông và người dân đã tỏ thái độ tiêu cực về việc chuyển giao. Ông Toàn còn ngang nhiên thể hiện mong muốn được đền bù xứng đáng vì công của mình “đã bắt được loài quý hiếm”.

Sau khi thỏa thuận mua bán với 1 người môi giới và nhận một khoản tiền lớn trong tay, ông Toàn thậm chí còn trách cơ quan chức năng đã không nỗ lực trong việc giải cứu giải cứu ba ba nói trên với hàm ý ông ta đã muốn bán cho cơ quan chức năng song họ đã không chịu mua lại, nên việc ông bán cá thể ba ba này cho người khác chỉ là bất đắc dĩ. ENV cho rằng, ông Toàn không chủ định bắt cá thể ba ba trên, nhưng việc ông bán cá thể này cho người khác đã biến ông trở thành một tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD.

Về sự việc này, phía đại diện ENV cho rằng, người dân thiếu hiểu biết về pháp luật chỉ là một phần, quan trọng hơn là cơ quan chức năng ở đâu trong trường hợp này? Hơn nữa, ngay cả một số cơ quan báo chí cũng tỏ ra khá "thiện cảm" khi đưa tin về việc ông toàn bán động vật quý hiếm. ENV viết "Tất cả đều đang đi ngược lại với các quan điểm bảo tồn, ngược với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế".

Ba ba Nam Bộ thuộc Phụ lục II của công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Theo pháp luật Việt Nam, tại Mục b, Khoản 9, Điều 3 của Nghị định 99/2009/NÐ-CP “NGHỊ ÐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN” quy định "hành vi vi phạm hành chính đối với các loài trong Phụ lục II (Công ước CITES), xử lý hành vi vi phạm như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA, IIB" của Nghị định 32/2006/NÐ-CP (Nhóm IIB là nhóm các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại). Ngoài ra, theo Khoản b, Điểm 9, Điều 19 của Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết trái quy định của pháp luật động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 160.000.000 đồng thì bị phạt từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.


Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm