"Chúng ta sẽ chiến thắng chất độc da cam"

09/08/2011 11:13 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Tôi đã quá may mắn vì còn được đi học, làm việc, khi rất nhiều em khác chỉ có thể nằm một chỗ. Cảm ơn các bậc sinh thành đã sinh ra tôi, sinh ra các em, họ phải đối mặt với nỗi đau hằng ngày, đau xót nhìn đứa con của mình như cha mẹ tôi vậy. Cuộc sống khó khăn nhưng ta không quay lưng lại với nó, chúng ta sẽ chiến thắng chất độc da cam” - Tâm sự như cháy từ ruột gan của chàng trai nhiễm chất độc da cam Nguyễn Sơn Lâm.

Khán phòng im lặng, bất chợt tiếng hát vút cao: “Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc/sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư” từ chính chàng trai tật nguyền. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đứng dậy, ôm chặt lấy em. Nhiều người vội vã lau giọt nước mắt.

Sơn Lâm, quê Quảng Ninh, nạn nhân da cam bị mất cả hai chân, đã nỗ lực tốt nghiệp 2 trường đại học, Khoa tiếng Anh ĐH Hà Nội, Khoa tiếng Nhật ĐH Phương Đông đồng thời có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp. Lâm là một nhân vật trong chương trình giao lưu “Vì nỗi đau da cam” do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sáng 8/8 nhân kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (10/8).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với Sơn Lâm

Bao nhiêu nỗi đau vẫn sống cùng chúng ta

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư tới chương trình giao lưu, trong thư có đoạn viết: “Thảm họa da cam đã kéo dài trên đất nước chúng ta nửa thế kỷ, gần 5 triệu người đã bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ rải xuống Việt Nam từ ngày 10/8 năm 1961. Thảm họa đó không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam mà còn là nỗi đau của toàn nhân loại. Đau thương, mất mát thiệt hại cả vật chất và tinh thần cho các nạn nhân cho con cái và gia đình họ, tồn tại dai dẳng khi nào mới dứt. Do vậy, chúng ta làm nhiều việc để động viên giúp đỡ họ cũng không thể bù đắp được nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu.

Ông Trần Mai Hưởng, Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Vì nỗi đau da cam, cho biết: Từ khi thành lập đến nay (9/2006), Quỹ đã quyên góp được 3,8 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều hiện vật, trong đó riêng Chính phủ và Tổng thống Hy Lạp đã ủng hộ 86.000 euro. Quỹ đã và đang xây dựng được 21 nhà tình thương để tặng nạn nhân chất độc da cam tại: Thanh Hóa, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre... Trong buổi giao lưu, Quỹ đã tiếp nhận hơn 650 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ Quỹ 5 triệu đồng, Công đoàn TTXVN ủng hộ 100 triệu đồng, Quỹ Thiện tâm của Công ty cổ phần Vincom ủng hộ 200 triệu đồng, Ngân hàng Công Thương ủng hộ tiền mặt và nhà tình thương với tổng cộng là 100 triệu đồng, Tập đoàn Le Group ủng hộ 30 triệu đồng, báo Vietnam News ủng hộ 10 triệu đồng... Thay mặt cán bộ, phóng viên báo Thể thao & Văn hóa, Tổng Biên tập Trương Lê Kim Hoa trao số tiền ủng hộ Quỹ 8 triệu đồng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ những người bị nhiễm chất độc da cam, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ để nạn nhân chất độc da cam giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống. Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam của TTXVN được thành lập từ năm 2006 đã có nhiều hoạt động thiết thực với hơn 3 tỷ đồng tiền mặt, hàng chục nhà tình nghĩa, nhiều hiện vật như xe lăn, thiết bị y tế... để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, những việc làm đó rất đáng trân trọng”.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, khổ nhất trong số những người khổ. Hậu quả của chiến tranh vẫn đang từng giờ, từng phút gây nên nỗi đau da cam. Tôi đã gặp các cháu ở làng Hòa Bình, nay gặp lại các cháu ở đây, có thể nói mỗi lần gặp về, bữa cơm ăn cũng không thấy ngon, bởi có bao nhiêu nỗi đau vẫn sống cùng chúng ta mà không phải ngày nào chúng ta cũng nhìn thấy.

Việt Nam chúng ta có truyền thống thương người như thể thương thân, TTXVN lập Quỹ Vì nỗi đau da cam, là hành động thiết thực để chia sẻ với các nạn nhân, đồng thời với hoạt động của Quỹ cũng nhắc nhở xã hội, nhắc nhở những công dân Việt Nam, nhắc nhở bạn bè quốc tế về hậu quả chiến tranh gây cho các gia đình Việt Nam, làng xóm Việt Nam... Chính phủ hoan nghênh TTXVN trong 5 năm qua đã xây dựng Quỹ Vì nỗi đau da cam và đã huy động được gần 4 tỷ đồng”.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi đến các nạn nhân chất độc da cam. Phó Thủ tướng khẳng định trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các chính sách chăm sóc cho nạn nhân da cam, giải quyết vấn đề tiêu độc ở các vùng đất bị ô nhiễm để giảm bớt hậu quả của loại chất độc này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân da cam đã có những bước tiến bộ nhưng vẫn cần phải tiếp tục. TTXVN - với vai trò là cơ quan ngôn luận của Chính phủ, là kênh thông tin quan trọng của Đảng và Nhà nước phải đem tiếng nói công lý vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, tuyên truyền vận động bạn bè thế giới cùng nhân dân Việt Nam chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Phó Thủ tướng đã đóng góp 5 triệu đồng vào Quỹ.

Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Vì nỗi đau da cam tiếp nhận ủng hộ của Báo Thể thao & Văn hóa từ Tổng Biên tập Trương Lê Kim Hoa. Ảnh: Minh Đức

Những tiếng nói từ trái tim

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ân cần thăm hỏi về cuộc sống thường ngày của các em nhỏ đại diện cho hơn 500 trẻ em bị tàn tật bẩm sinh do chất độc da cam ở Làng trẻ em Hữu Nghị Vân Canh, Hà Nội. Các tiết mục văn nghệ của các em đã làm cả hội trường như lặng đi. Có thể hình hài các em không lành lặn, tiếng hát các em thậm chí còn yếu ớt, nhưng nó làm xúc động người nghe bởi sự đồng cảm của trái tim.

Chị Vũ Thị Ngọc Loan, người hướng dẫn các em hát múa, chia sẻ: “Trong số hơn 500 cháu của làng, các cháu được đến đây giao lưu là những cháu khỏe mạnh nhất, còn lại các cháu phải nằm một chỗ. Các cháu tội lắm, hầu hết đều không nghe và nói được. Các cháu chỉ có thể múa hát theo cách cô hướng dẫn bởi các cháu không thể cảm nhận âm nhạc và lời ca”.

Hai chị em Thanh Hằng, 23 tuổi và Thanh Hà, 33 tuổi nhưng nhỏ bé như đứa trẻ lên 10, quê gốc Mê Linh, Hà Nội là những tấm gương đáng khâm phục. Hai cô gái nhỏ bé này đều làm việc tại tạp chí Kiến thức Ngày nay ở TP.HCM. Ngoài ra, hai cô còn đi học thêm thanh nhạc tại nhạc viện TP.HCM và tham gia các chương trình ca nhạc. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!” của Trịnh Công Sơn như một lời nhắn nhủ của hai cô gái đối với mọi người để hướng về những nạn nhân chất độc da cam.

Có mặt trong buổi giao lưu, nhạc sĩ trẻ Dương Hồng Kông, người đạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam với thông điệp “Âm nhạc kết nối công lý và trái tim”, với ca khúc “Chiến tranh của mẹ”.

Kông tâm sự: “Tôi được đi rất nhiều nơi thăm các trung tâm, các gia đình nạn nhân chất độc da cam, những cảm xúc và hình ảnh ấy lưu lại trong thâm tâm tôi rất lâu. Ca khúc cũng là những lời nhỏ bé mà những nhạc sĩ như tôi dành tặng cho các nạn nhân chất độc da cam. Với tư cách là một nhạc sĩ trẻ, tôi xin được gửi lời tới đồng bào và bạn bè năm châu, rằng hãy dành tình yêu thương của nhân loại, yêu thương của con người để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam mà chiến tranh đã để lại”.

“Cha trở về từ cánh rừng khô cháy, từ con suối nhuốm màu da cam. Hình hài cha cho con không còn nguyên vẹn nữa. Một đôi tai không nghe, một đôi mắt không nhìn, một giọng nói không lời. Chiến tranh của cha lửa đốt đường hành quân, chiến tranh của mẹ là những đêm gió về, là những ngày bão giông. Mẹ, người đưa con đi bằng cả cuộc đời...”.

Những lời bài hát vang lên, thêm một lần nữa, trong khán phòng nhiều người đã không cầm được nước mắt...

Triển lãm ảnh về các nạn nhân da cam vượt khó

Đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào những ngày này có rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tại phòng trưng bày chuyên đề về “Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”, rất nhiều du khách đứng gần như lặng người trước những tác hại mà chất độc dioxin đã tàn phá cơ thể con người.

Ngày 10/8/1961 tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, quân đội Mỹ đã rải những lít chất độc dioxin đầu tiên xuống Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Ngày 10/8 đã trở thành Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin ở Việt Nam, dù thời gian đã trôi qua 50 năm, nhưng những điều khủng khiếp mà chất độc này để lại luôn là một bài học lịch sử không thể nào quên của cả nhân loại.

Trạc Tuyền

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm