Cuộc chia sẻ nỗi đau da cam bằng âm nhạc lớn nhất

26/06/2011 10:18 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tối 25/6, Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Vì nạn nhân chất độc da cam” với thông điệp “Âm nhạc kết nối công lý và trái tim” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961- 2011). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự buổi lễ và trực tiếp trao Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác cho nhạc sỹ Khánh Vinh, tác giả ca khúc Lời ru, lời thơ Trương Tuyết Mai. Xung quanh tác phẩm này là một câu chuyện đặc biệt.

Nhà thơ Trương Tuyết Mai

1. Trước giờ lên nhận giải cùng nhạc sĩ Khánh Vinh (Trưởng phòng Văn nghệ VTV9 tại TP.HCM), nhà thơ Trương Tuyết Mai xúc động kể với TT&VH: “Tôi đã quá xúc động và khóc khi viết bài Lời ru. Viết xong, chính tôi cũng đã thử phổ nhạc cho bài thơ của mình nhưng nó đau đớn quá, tôi chịu không nổi, cho nên cuối cùng tôi phải... buông. Thậm chí, tôi cứ nghĩ, suốt đời, mình sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được bản phổ nhạc này nhưng thật may mắn, tôi đã có những đồng nghiệp, đồng cảm và chia sẻ với tôi nỗi đau đó”. Bà bộc bạch: “Tôi đau vì trong bài hát đó tôi đã được cảm nhận, được hiểu và đau nỗi đau của những người mẹ có con bị chất độc da cam. Tôi thay những người mẹ không may mắn đó hát lên nỗi lòng của mình, nỗi đau của tất cả chúng ta”.

Lời ru được in trong tập thơ Nghe trăng của nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai. Ngoài nhạc sĩ Khánh Vinh, nhà thơ Trương Tuyết Mai cho biết cũng đã có một số nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này, trong đó có cả bà. Tuy mỗi nhạc sĩ phổ theo mỗi phong cách khác nhau, nhưng bà coi tất cả các bản phổ nhạc như nhau, đều xúc động và biết ơn tất cả các nhạc sĩ, chứ không riêng gì bản phổ nhạc đoạt giải Nhất cho bài thơ của nhạc sĩ Khánh Vinh. Bà nói: “Mỗi bản nhạc là một sự chia sẻ nỗi đau với tất cả các nạn nhân chất độc da cam và là sự chia sẻ với chính những day dứt của tôi về nỗi đau giống nòi, nỗi đau của tất cả chúng ta mà tôi chỉ có thể nói được bằng thơ”.

2. Ca khúc Lời ru được BGK đánh giá là tác phẩm mang âm hưởng dân ca, ca từ ý nghĩa và sâu sắc, thể hiện được ý nghĩa nhân văn của cuộc thi, gây được xúc động mạnh cho người nghe. Đó là tình mẹ yêu con, ẩn chứa trong đó là nỗi đau day dứt do di chứng chiến tranh. Tác giả đã khéo léo sử dụng hình thức hát ru để thể hiện tình cảm của mình và giãi bày hộ nỗi lòng của người mẹ có đứa con phải chịu nỗi đau do chất độc da cam gây ra. Khi được hỏi, là một người trong nghề (nhạc sĩ), bà có hài lòng với bản phổ nhạc của nhạc sĩ Khánh Vinh không? Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho biết: “Không riêng gì nhạc sĩ Khánh Vinh mà cả ca sĩ trình bày bài hát này - ca sĩ Trang Nhung, chúng tôi đã thực sự đồng điệu, cùng thấu hiểu và chia sẽ để rồi cất lên “lời ru”, tôi cho rằng rất thiêng liêng và cao cả để chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân da cam và những thân nhân của họ. Tôi sẽ còn hướng về lớp đối tượng này trong quãng đời còn lại của tôi. Không bằng thơ, bằng nhạc thì bằng những hoạt động khác và tôi hy vọng mọi người sẽ chung tay xoa dịu nỗi đau da cam như cuộc vận động này đã làm được”.

3. Một điều “ấn tượng” với BTC cuộc thi này là ngoài ca khúc đoạt giải nhất, BTC cũng đã chọn được các tác phẩm xuất sắc để trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải tư và 5 giải “Ấn tượng”. Đặc biệt, trong số 5 giải “Ấn tượng” có tác phẩm Nỗi đau da cam của tác giả Nguyễn Thu Hằng. Tác phẩm này được Thu Hằng (cán bộ của Văn phòng Chính phủ) trình bày bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật và được khắc công phu trên gỗ như công trình nghệ thuật.



Nhà thơ Trương Tuyết Mai và nhạc sĩ Khánh Vinh (giữa) lên nhận giải Nhất

Một tác phẩm khác đoạt giải “Ấn tượng” là ca khúc Da cam là muôn đau thương do Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1990 viết. Hiền là tác giả trẻ nhất cuộc thi và quê ở Phú Thọ nhưng lại đang làm giúp việc cho một gia đình tại TP.HCM. Trước khi tham dự cuộc thi này, Hiền không biết một tí ti nào về nhạc lý, nhưng vì quá đồng cảm với nỗi đau da cam và cũng muốn dùng âm nhạc để chia sẻ nỗi đau này, Hiền đã đi học một lớp nhạc lý cấp tốc trong vòng một tháng để rồi viết lên ca khúc Da cam là muôn đau thương với biết bao tình cảm yêu thương dành cho nạn nhân da cam...

Trong khi đó, vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục cũng đoạt giải “Ấn tượng” với Tiếng gọi lương tâm. Tác giả Hồ Hải Quang ở Pháp đoạt giải “Ấn tượng” cho tác phẩm nước ngoài hay nhất mang tên Choeur pour le Vietnam (Cùng hòa ca Việt Nam); nhạc sĩ Cát Vận cũng đoạt giải “Ấn tượng” với tác phẩm hưởng ứng xuất sắc Hãy hát lên thông điệp da cam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Trưởng Ban tổ chức cho biết: tất cả các tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố rộng rãi trên các đài phát thanh truyền hình, ghi thành băng đĩa để bán, tặng rộng rãi cho những người quan tâm và có tấm lòng sẻ chia với các nạn nhân chất độc da cam.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Vì nạn nhân da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam... tổ chức từ tháng 10/2010 kéo dài đến hết ngày 31/3/ 2011 với 172 tác phẩm dự thi. Ban tổ chức đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng. Toàn bộ các ca khúc đoạt giải đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cuộc vận động ở địa chỉ www.amnhacdacam.npro.vn để đông đảo công chúng cùng thưởng thức.


 Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm