Nhậu “mát” ở Sài Gòn

07/12/2010 14:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhậu phải thoáng và mát mẻ đó là một trong những tiêu chí… “tối thượng” của phong cách ăn nhậu thời “biến đổi khí hậu”. Nhưng chỉ nói dừng lại đó cũng chưa lột tả được hết cái… “thoáng và mát” ở các quán đất Sài thành ngày nay. Có lẽ đây là một phong cách ăn nhậu kiểu mới.

Áo dài cách điệu thành “2 dây”

Nhà hàng X ở quận 10 chỉ đơn giản là một căn nhà khung thép rộng rãi, cao 2 tầng với hàng trăm chiếc bàn hình chữ nhật đủ cho 4 người ngồi.

Mới 13h30 chiều, nhưng nhà hàng đã gần như chật kín khách, hàng trăm chiếc xe gắn máy được xếp ngăn nắp thành hàng trên con hẻm nhỏ bên cạnh. Những chiếc quạt được gắn ống nước nhỏ lắp trên mái, phun ra những lớp sương trắng xóa để xoa dịu cái nóng bức của những ngày đầu mùa khô phương Nam.


 Áo dài vai trần trong quán nhậu

Chúng tôi được cô tiếp tân trong bộ áo dài mỏng tang đến “bất ngờ” với phần trên cách điệu thành áo “2 dây” đon đả chào đón và bố trí một bàn trên tầng 2, sát lan can, có thể phóng tầm mắt ra con đường giờ tan tầm đông đúc, nhưng chẳng thấm tháp gì so với âm thanh ồn ĩ của những vị thực khách đang hò hét.

Cứ đôi phút một lần, chiếc quạt treo tường lại phun ra một làn sương mát như thể đang được ngồi nhậu trên Đà Lạt hoàng hôn, bốn mùa sương phủ. “Vậy mới gọi là nhậu, nhậu phải thoáng đãng, mát mẻ” - Ông bạn của chúng tôi vội bình luận và “tuôn” thêm 2 câu thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của cố nhà thơ Hàn Mặc Tử sau khi đánh mắt đầy “ngụ ý” về phía bàn bên cạnh... “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà”. Thì ra một vị thực khách bụng to phệ, đôi mắt đỏ ngầu vì bia rượu nhưng lại có cái ánh mắt nhìn “mơ màng” với cô nhân viên phục vụ khoác lên mình chiếc quần ngắn “cũn cỡn” và áo thun “trễ ngực” với cách rót bia thật độc đáo “đứng bên này, rót bên kia” kèm theo những câu đối đáp đầy... “tình ý”.

Thế là ông bạn tôi kể ngay đến những quán... “mát”, như một quán nhậu nằm trên đường Trần Văn Đang (Q.3), quán này “độc” ở chỗ là các nhân viên phục vụ đều là những anh chàng “chân dài”. Tất cả các thực khách ngồi lai rai trên vỉa hè sát bờ kênh Nhiêu Lộc ô nhiễm và “mát” con mắt khi ngắm nhìn những “anh” nhân viên phục vụ khoác lên mình bộ quần áo “bốc lửa” đầy nữ tính. Rồi lại kể đến những quán như: quán T. (Q.3), quán K. (Q.10)... mà dân nhậu Sài Gòn ví là quán của các em “chân dài”.

“Văn hóa” nhậu

Một tà áo dài cách điệu thành “2 dây” đón thực khách cho quán nhậu

Chuyện nhậu nhẹt ở Sài Gòn phải nói là ngày càng “tưng bừng” phát triển, đến giờ tan tầm, các quán nhậu đã chật kín người, những anh công chức, nhân viên của các công ty ngồi túm tụm lại với nhau trên bàn nhậu mà chưa kịp bỏ tấm thẻ nhân viên còn đeo trên cổ vào túi.


Và vào dịp cuối năm nay, “làng ăn nhậu” chốn Sài Gòn sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa, Tết Tây, tổng kết cuối năm của các cơ quan, doanh nghiệp... chắc hẳn điểm đến lý tưởng nhất vẫn là các quán nhậu. Dẫu biết rằng, “căn bệnh” ăn nhậu lai láng, nhất là cuối năm của dân mình là chuyện xưa như Trái đất, nhưng cái đáng bàn luận ở đây là những “biến chứng” của “căn bệnh” này. Bây giờ nhiều người chọn quán nhậu không chỉ là quán có món ăn ngon, khung cảnh thoáng mát mà phải có những em nhân viên phục vụ ăn mặc “mát mẻ”, “gợi cảm” thì mới hài lòng. Chiếc áo dài truyền thống tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam cũng trưng dụng làm đồng phục cho nhân viên, nhưng phải “cải tiến” thành chiếc áo 2 dây để bờ vai trần trụi và tà áo mỏng manh “xuyên thấu”.

Ông bạn tôi bức xúc: “Tại sao nước ta lại dễ dàng hay có thể nói là buông lỏng khi để những chiếc áo dài biến tướng đó ở nơi quán xá? Thật xót xa cho chiếc áo dài, một nét văn hóa “quốc hồn quốc túy” của dân tộc đang bị bóp méo".

Mà dường như từ phía cơ quan chức năng cũng chưa có quy định nào cụ thể về trang phục đối với nhân viên phục vụ tại các quán, nhà hàng kinh doanh ăn uống. Như Thông tư 18 ban hành ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại (cũ) hướng dẫn điều kiện kinh doanh nhà hàng ăn uống cũng chỉ là yêu cầu giữ gìn vệ sinh của nhân viên phục vụ mà chẳng nói gì đến quy định trang phục.

Trong lúc bàn nhậu của chúng tôi đang rôm rả bàn luận chủ đề: “chiếc áo dài truyền thống và “công nghệ” kinh doanh ăn nhậu... mát mắt”, bỗng dưng được một thanh niên phát tận tay thiệp mời “mát-xa” giảm giá đến 50%. “À, đây là điểm đến cuối cùng của dân nhậu trước khi về nhà đây. Nãy giờ nhìn “mát” mắt, không đến tiệm mát-xa để... mát “gần” là không ổn rồi. Mà thôi, năm sắp hết Tết sắp đến, đang mùa ăn nhậu các ông nhỉ” - ông bạn kết luận.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm