Bài 2-Tác giả Hà Văn Thịnh: Tôi biết hậu quả sẽ thế nào nếu…

18/08/2008 14:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trước những thông tin phản hồi này, tác giả Hà Văn Thịnh đã có những trao đổi trực tiếp với TT&VH.
 
Tác giả cho biết: “Rất mừng là lần đầu tiên trong lịch sử thi và tuyển sinh ĐH&CĐ, Bộ GD&ĐT đã có công văn chính thức yêu cầu giải trình về một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, Bộ GD-ĐT đã lảng tránh đối với những sai sót mà đề thi và đáp án của môn Lịch sử năm nay đã gây ra những hậu quả mà theo người viết bài này là nghiêm trọng, trong khi chỉ nhấn mạnh vào sai sót ở vấn đề quy chế. Về mặt thực tế, đó là điều không công bằng trong một tranh luận có ý nghĩa khoa học. Thậm chí, đó lại là điều mấu chốt liên quan đến số phận của nhiều con người.
 
Thi sinh tập trung làm bài thi ĐH (Ảnh VNN)
 
Thứ nhất, dù Quy chế có nói một cách phiền hà, rắc rối thế nào đi nữa thì nhiều năm nay, trong chấm tuyển sinh, ở nhiều trường đại học, việc chấm phúc khảo trùng với một trong hai người chấm vẫn được công nhận đó là điểm cuối cùng, là một thực tế. Liệu Bộ có mời báo chí thẩm định sự thật này hay không? Có thể bốc thăm vài trường ĐH bất kỳ trên cả nước để kiểm chứng “nguyên tắc” này. Khi đó sẽ rõ là quy chế mập mờ hay trường ĐH “vận dụng” sai.

Thứ hai, có không ít trường ĐH ở Hà Nội nhiều năm nay chấm thi nhanh không tưởng tượng nổi; không hiểu Bộ có biết hay không? Nếu áp dụng các phương pháp kiểm định sẽ phát hiện thấy những ký hiệu mà giáo viên chấm lần 1 cho giáo viên chấm lần 2 biết tổng điểm để qua đó, thực tế chỉ chấm một vòng mà thôi. (Xin đề xuất thanh tra khách quan 2 trường ở Bắc hoặc Nam). Tình trạng này không thể nói là chỉ có một trường Tôn Đức Thắng vi phạm. Nếu cho phép người viết bài này làm công việc giám định một cách khách quan thì chắc chắn không chỉ một trường vi phạm.

Thứ ba, trong mục 4 của Công văn mà ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng ký, có nói đến chuyện phúc khảo sau khi công bố điểm. Đó là cách để làm lẫn lộn trước sau. Thực tế chấm thi luôn đưa ra quy định chấm phúc khảo ngay, ít nhất là 10% tổng số bài chấm. 10% số bài chấm thi, tại sao lại không có một đồng bồi dưỡng nào? Có thể tôi đã dùng sai hai từ “phúc khảo” – bởi lâu nay theo thói quen, ai cũng dùng như vậy.

Thứ tư, Quy chế mà Công văn nêu trên đã trích dẫn là hoàn toàn mơ hồ về mặt ngữ nghĩa, nếu không nói là sai lầm nghiêm trọng. Xin trích nguyên văn: Trong trường hợp phúc khảo bài thi mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại)… Quy chế đó chỉ áp dụng cho sự phúc khảo sau khi công bố điểm sàn. Còn phúc khảo ngay trong quá trình chấm thì làm sao biết mấy điểm là trúng tuyển? Thực tế cho thấy là có trường 27 điểm vẫn trượt đó thôi, nhưng lại có trường chỉ 13 điểm là đỗ. Phải chăng đây là kẽ hở thậm vô lý để cho việc vận dụng trở thành phổ biến? Tại sao công văn trên không đi vào chi tiết là việc phúc khảo (có thể gọi là sơ khảo) trong khi quá trình chấm đang diễn ra đã được quy định cụ thể như thế nào?

Thứ năm, người viết bài này đang ăn lương của Bộ GD-ĐT nên hiểu rất rõ hậu quả sẽ như thế nào một khi không đỡ nổi gánh nặng ngàn cân của cuộc đời. Tuy nhiên, vì mong muốn có một sự công bằng, thỏa đáng hơn trong thi tuyển sinh nên buộc phải nói ra những điều mà mình nghĩ là đúng. Vì vậy, để đảm bảo lẽ công bằng của sự đối chất, xin phép Bộ GD-ĐT trả lời mấy câu hỏi nhỏ:

1. Đáp án môn Sử năm nào cũng sai. Tại sao cứ sai triền miên như thế mà không thấy ai chịu trách nhiệm và Bộ cũng không hề đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào?

2. Cách đặt vấn đề của Công văn xem ra đang chệch đường ray vì cố tình cá nhân hóa vấn đề. Nếu tôi sai chỉ mình tôi chịu. Và, tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nhưng, đáp án sai thì hàng vạn người phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất từ lỗi lầm không đáng có của một vài người. Bộ GD-ĐT giải thích ra sao về chuyện này?

3. Hãy giải quyết mọi sai lầm theo con đường hướng tới điều tốt đẹp nhất có thể. Có phải là kết quả chấm thi “ngẫu hứng”, “vận dụng”; do việc làm đáp án không có trong SGK đã gây ra sự đảo lộn khủng khiếp trong cách chấm hay không? (xin dẫn chứng: Có ai tìm thấy từ “sắt và máu” trong SGK nói về trường hợp của Nguyễn Thái Học hay không?...).

Nhóm Phóng viên


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm