Bài 1: Tranh luận về bài viết “Từ kết quả một kỳ thi đại học”

18/08/2008 11:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 11/8, báo TT&VH số 224 có đăng bài “Từ kết quả một kỳ thi đại học” của tác giả - nhà giáo Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế. Ngày 13/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 7338 do Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi ký gửi báo về vấn đề này.

Bộ GD&ĐT: Tác giả hoàn toàn phải chịu trách nhiệm

Xin trích:

1. Bài báo viết: "Thứ nhất, quy chế nói rằng nếu có sự chênh lệch thì điểm phúc khảo trùng hợp với cán bộ chấm nào thì mặc nhiên lấy điểm đó. Ví dụ, một người cho 3, một người cho 6 thì kết quả cuối cùng đương nhiên là 6. Ai dám đảm bảo trong trường hợp này nếu sai sót ở một cách hiểu nào đó thì hậu quả là nghiêm trọng đến mức nào?"
 
Căng thẳng làm bài (Ảnh minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:

Tại điểm b, khoản 2, Điều 30 của Quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: "Việc phúc khảo bài thi do 2 cán bộ chấm thi thực hiện riêng biệt, trực tiếp trên bài của thí sinh bằng mực có màu khác".

Tại điểm c, khoản 2, Điều 30 của Quy chế cũng quy định:

"Nếu kết quả 2 lần chấm phúc khảo giống nhau thì giao bài cho Trưởng ban Phúc khảo ký xác nhận điểm chính thức. Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban phúc khảo tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp trên bài của thí sinh bằng mực màu khác; Nếu kết quả của 2 trong 3 lần phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả của cả ba lần chấm lệch nhau thì Trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm chính thức rồi kí tên xác nhận; Trong trường hợp phúc khảo bài thi mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại) hoặc lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì HĐTS phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm. Nếu HĐTS trường khẳng định chấm thi đợt đầu sai tới mức phải điều chỉnh điểm thì HĐTS trường công bố công khai danh sách cán bộ chấm thi đợt đầu để rút kinh nghiệm hoặc nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lí theo quy định tại Điều 40 của Quy chế này. Điểm phúc khảo sau khi đối thoại giữa hai cặp chấm được Trưởng ban phúc khảo trình Chủ tịch HĐTS ký duyệt là điểm chính thức của bài thi".

Như vậy, bài báo viết: "Quy chế nói rằng có sự chênh lệch thì điểm phúc khảo trùng hợp với cán bộ chấm thi nào thì mặc nhiên lấy điểm đó" là sai Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BDGĐT ngày 05/02/2008 không quy định như vậy. Tác gả Hà Văn Thịnh phải chịu trách nhiệm về việc trích dẫn sai quy chế. Bài báo viết: "Ví dụ, một người cho 3, một người cho 6, phúc khảo là 6 thì kết quả cuối cùng đương nhiên phải là 6".

Không có bất cứ điểm nào trong quy chế quy định như vậy, tác giả Hà Văn Thịnh đã lấy ví dụ trái quy định của quy chế tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm về việc lấy ví dụ sai này.

Xin nói thêm rằng, quy chế quy định: "Trong trường hợp phúc khảo bài thi mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại) hoặc lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì Hội đồng tuyển sinh phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm. Nếu HĐTS trường khẳng định chấm thi đợt đầu sai tới mức phải điều chỉnh điểm thì HĐTS trường công bố công khai danh sách cán bộ chấm thi đợt đầu để rút kinh nghiệm hoặc nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định tại Điều 40 của quy chế này".

2. Bài báo viết: "Dù chấm sai như thế nào đi nữa, phúc khảo nhiều đến mức nào đi chăng nữa thì chấm phúc khảo vẫn không có tiền bồi dưỡng. Quy định này làm cho việc phúc khảo trở thành hình thức". Không có bất kì điểm nào trong Quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy ban hành theo quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/02/2008 của Bộ quy định như vậy. Do đó, tác giả Hà Văn Thịnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc trích dẫn những qui định không có trong quy chế của Bộ.

3. Bài báo viết: "Thứ ba, Thanh tra của Bộ đã phát hiện ra sai sót ở hai trường Đại học vì chấm thi không đúng quy định đã buộc các trường đó chấm lại. Nhưng trên thực tế, vẫn có không ít trường chấm môn Văn, môn Sử đạt "tốc độ" một đến hai trăm bài mỗi người trong một ngày vẫn yên ổn "nước chảy qua cầu". Chỉ có một trường hợp là trường đại học Tôn Đức Thắng phải chấm lại các bài thi tự luận, mà không phải là hai trường đại học như tác giả Hà Văn Thịnh đã quy kết trong bài báo. Nếu không chỉ ra được cụ thể hai trường nào chấm môn Văn, môn Sử đạt "tốc độ" một đến hai trăm bài mỗi người trong một ngày thì việc suy diễn của tác giả Hà Văn Thịnh là hoàn toàn thiếu căn cứ.

4. Bài báo viết: "Chẳng hạn, có 10.000 bài thi, tức là phải chấm đến 20.000 lượt; cộng thêm phúc khảo không dưới 10% là 22.000 lượt mà hai chục người thực chấm (không kế cán bộ làm thư ký, trưởng phó điểm chấm thi), sau một tuần hay mười ngày là xong; có nghĩa là trung bình mỗi cán bộ đã chấm hơn 100 bài/ngày hay là một bài chấm thi 3 – 4 phút(!)”. Tại khoản 1, Điều 30 của Quy chế tuyển sinh đã quy định "sau khi công bố điểm thi, Hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và phải trả lời đương sự chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn". Tác giả Hà Văn Thịnh tính gộp cả số bài phúc khảo vào với số bài chấm lần đầu là thiếu thực tiễn, không thể xảy ra. Hơn nữa, việc đưa ra tỷ lệ phúc khảo không dưới 10% mà không có minh chứng cụ thể là thiếu căn cứ.
 
Nhóm Phóng viên
 
Bài 2 - Tác giả: Tôi biết hậu quả sẽ thế nào nếu...

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm