Cách mạng bóng đá VN từ đâu?

26/11/2011 13:24 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Nỗi đau mang tên U23 vẫn còn gặm nhấm người hâm mộ nước nhà. Nó chỉ là tiếp nối thất bại của V-League. VPF đã ra đời như một sự tất yếu của quy luật cái mới sẽ phải thay thế cái cũ khi đến thời điểm chín muồi. Còn thất bại của U23, nếu không cho ra nghiệm mới, thì vẫn chỉ là thay cái cũ này bằng một thứ cũ kỹ khác mà thôi.

Bổn cũ soạn lại

U23 VN trắng tay, người ta đang chờ đợi xem VFF sẽ đi tiếp nước cờ nào để hóa giải thất bại mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho những cái ghế chủ chốt của tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Đã có một thói quen, hay có thể gọi là phương pháp hữu hiệu nhất, là tìm một vài “con tốt” để thí, nhằm vãn hồi sự bức xúc của dư luận lẫn cơ quan quản lý Nhà nước.


Thất bại của U23 VN đang khiến dư luận VN sôi sục. Ảnh: Quốc Khánh

Mới đây nhất, đã có 2 nhân vật phải rời khỏi ghế, nguyên Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi, nguyên trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi. Để giải đấu loạn, trọng tài làm bậy dĩ nhiên 2 nhân vật trên phải chịu trách nhiệm. Tuy thế, một giải đấu VFF có nhiều bộ phận tham gia điều hành,  trong đó Chủ tịch VFF là trưởng ban chỉ đạo V-League. Vậy nên, chỉ cách mạng ở 2 cái ghế trên là chưa thỏa đáng, thiếu triệt để.

Tương tự, thất bại ở các ĐTQG, chỉ HLV trưởng là nhân vật đầu tiên được nhắm đến làm con tốt thí. Chúng ta đã quá nhiều lần trảm tướng sau thất bại, kết quả đa số chỉ thay thế thất bại này bằng thất bại khác. Không mang lại bất cứ một tín hiệu sáng sủa nào cho bóng đá VN sau mỗi lần trảm tướng. Nếu lần này ông Goetz bị trảm thì dĩ nhiên là chưa thỏa đáng bởi nền bóng đá trì trệ thì trách nhiệm của VFF phải cao nhất.

Cách mạng bóng đá VN phải bắt đầu từ VFF

Không chỉ đến lúc các ông bầu phân tích sự trì trệ của giải đấu nội địa cùng những tồn tại nguy hiểm, chúng ta mới biết lỗi của bóng đá VN nằm ở hệ thống. Muốn thay đổi cả hệ thống đó, dĩ nhiên phải bắt đầu từ bộ não, tức là VFF.

Vấn đề nhân sự của lãnh đạo VFF đã ổn chưa? Câu trả lời là chưa khi số người xuất thân từ dân bóng đá, có trình độ am hiểu bóng đá quá ít. Không có một nền bóng đá nào trên thế giới, tồn tại một bộ máy điều hành “lạ kỳ” như thế.

Đã vậy, các ban bệ quá nhiều, các thành viên trong BCH đông nhưng thiếu hiệu quả, càng không giúp ích được nhiều cho VFF lẫn bóng đá VN.

Bất cứ lĩnh vực nào, muốn đưa tổ chức đó đi lên thì năng lực quản lý và năng lực chuyên môn của lãnh đạo phải đi liền nhau. VFF đang không được như thế trong 2 nhiệm kỳ qua, nên việc họ  không kiểm soát được bóng đá VN (cả cấp ĐTQG) lẫn giải đỉnh cao trong nước là chuyện dễ hiểu. Chưa kiểm soát được thì lấy gì hoạch định chiến lược, có lộ trình đúng đắn cho bóng đá VN.

Đã đến lúc cơ quan dầu não của VFF phải trả bóng đá về cho những người làm bóng đá. Lãnh đạo VFF phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, có chuyên môn cao và có tư cách, trách nhiệm cao trước nhân dân và cơ quan quản lý mình.

Nếu không tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo VFF, thì bóng đá VN vẫn còn đi vào ngõ cụt. Dư luận đang chờ đợi sự quyết tâm từ phía Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL hơn bao giờ hết.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm