'Một nụ cười bằng mười tiếng còi xe'

20/12/2015 16:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa biển người và xe đang chen chúc trên những con phố chật chội, tiếng còi inh ỏi trở thành một thứ âm thanh vô cùng khó chịu.

Từ rất lâu rồi, người Việt đã quen với việc sử dụng còi xe một cách vô tội vạ. Đường vắng, đi qua những điểm giao cắt thì bấm còi cảnh báo đã đành, đường tắc, không còn một chỗ để chen lên cũng bấm còi liên hồi. Việc lạm dụng còi xe vừa gây ô nhiễm tiếng ồn, vừa gây ức chế cho những người xung quanh. Theo các nhà nghiên cứu, việc phải sống trong môi trường ô nhiễm âm thanh kéo dài có thể khiến con người gặp phải những vấn đề về sức khỏe.

Trên những con phố chật chội giờ cao điểm, tiếng còi xe góp phần không nhỏ trong việc gây ức chế tâm lý đối với những người xung quanh. Và khi chẳng may xảy ra một va chạm nhỏ, trong tình trạng tâm lý căng thẳng, chuyện có thể trở nên to, dễ mất kiểm soát và để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn như cáu gắt, tranh cãi hay xô xát, thậm chí là án mạng.

Thực tế cho thấy, việc lạm dụng còi xe còn dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả hết sức đau lòng. Không ít người đi xe máy bị giật mình vì tiếng còi xe, đặc biệt là cái loại còi hơi với âm lượng rất lớn của xe container, xe tải hay xe khách đường dài, đã mất lái, ngã ra đường và bị các xe khác cán chết.


“Ba giây là bấm”, tranh của họa sĩ Thành Phong trong chiến dịch “K0 Còi”

Còi xe là một công cụ hỗ trợ người tham gia giao thông, bắt buộc phải trang bị trên các phương tiện giao thông cơ giới. Pháp luật cũng quy định khá rõ ràng về việc sử dụng còi xe, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế việc chấp hành các quy định này của người lái xe là chưa tốt, và cũng rất ít trường hợp bị xử lý.

Theo quy chuẩn QCVN 09:2011/BGTVT quy định về an toàn và môi trường đối với ô tô, âm lượng của còi phải từ 90 dB đến dưới 115 dB. Từ 20/5/2010, Nghị định 34/2012/NĐ-CP đề xuất việc sử dụng còi phải đúng âm lượng quy định, nếu không sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với xe môtô, xe máy và 300.000 - 500.000 đồng đối với ôtô.

Từ 19/9/2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên. Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi...

Ở các nước phát triển, người lái xe chỉ sử dụng đến còi trong các trường hợp khẩn cấp. Khi một tiếng còi vang lên trên đường, điều đó đồng nghĩa với một tình huống nghiêm trọng đã xảy ra, hoặc là một lời cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc về hành vi lái xe thiếu an toàn, thiếu văn hóa. Luật pháp các nước cũng quy định rất chặt chẽ và nghiêm khắc đối với việc lạm dụng sử dụng còi, với mức phạt có thể từ vài chục đến hàng nghìn USD.

Lý giải cho việc sử dụng còi thường xuyên, các lái xe cho rằng nhiều người có ý thức rất kém khi tham gia giao thông, chạy lấn làn, chạy vào làn xe ôtô, chạy hàng hai, hàng ba..., nên bấm còi là một giải pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người đi cùng trên xe. Trong những trường hợp phát hiện người đi đường lơ đễnh, có khả năng gây ra nguy hiểm, hay đến đoạn đường giao nhau, thì việc bấm còi để thông báo, cảnh báo là cần thiết. Trong những trường hợp này, tiếng còi là cần thiết.

Vẫn biết hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa đồng bộ, ý thức giao thông của nhiều người còn kém nên việc sử dụng còi thường xuyên là không tránh khỏi. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bấm còi. Với những người khác, hãy tham gia giao thông với ý thức chấp hành luật pháp cao nhất, sự tập trung cao độ, để mình không trở thành nguyên nhân gây ra những tiếng còi khó chịu.

Khi mỗi người nâng cao ý thức một chút, tiếng còi rồi cũng sẽ bớt vang lên trên những con đường đông đúc, chật chội vào mỗi giờ cao điểm. Mỗi khi ra đường, hãy luôn tâm niệm rằng, “một ột nụ cười bằng mười tiếng còi xe”...

Chiến dịch “K0 Còi”

Chiến dịch “K0 Còi” là một sáng kiến của Ford Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2012 với nhiều hoat động trực tuyến và sự kiện hướng tới giới trẻ nhằm mục đích nâng cao ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông, nâng cao nhận thức của bản thân và cộng đồng về mức độ ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố. Chiến dịch “K0 Còi” thuộc chương trình Hướng dẫn lái xe an toàn và thân thiện với môi trường do Ford Việt Nam phát động.

Ford Việt Nam đã hợp tác cùng họa sĩ Thành Phong vẽ bộ truyện tranh về văn hóa giao thông. Các tác phẩm này đã được trưng bày ở nhiều nơi, trong đó có mặt tại Ngày hội Biếm họa do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức trong năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Ford Việt Nam cũng đã hợp tác cùng nhóm Vlogger trẻ Doodle Dude sản xuất Vlog và tranh về chủ đề giao thông, hợp tác cùng nhóm Da Lab sáng tác bài hát mang thông điệp giao thông, hợp tác cùng Boo sản xuất và bán áo phi lợi nhuận nhằm lan tỏa thông điệp giao thông và thành lập Quỹ “K0 Còi” trợ giúp các nạn nhân tai nạn giao thông...


Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm