Vỡ đập thủy điện tại Lào: Ảnh hưởng không đáng kể đến lũ ĐBSCL, Quân khu 5 Việt Nam tham gia cứu hộ

25/07/2018 20:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ghi nhận đến đầu giờ chiều 25/7, 15 người đã thiệt mạng, hơn 200 người mất tích và hơn 1300 gia đình ở 6 bản bị cô lập. Chúng tôi sẽ CẬP NHẬT thông tin mới nhất với sự có mặt của Phóng viên TTXVN từ hiện trường.

Tối nay 25/7, theo phóng viên TTXVN tại Lào, khoảng 16 giờ, Công ty Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam đã đưa được 26 công nhân của công ty này (gồm 25 người Việt Nam và một người Lào) ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng do vụ vỡ đập thủy điện tại Lào

Công ty Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã đưa được 26 công nhân của công ty ra khỏi khu vực bị cô lập thuộc huyện Paksong, tỉnh Champasak. Khu vực này nằm giáp ranh phía Đông tỉnh Attapeu, nơi có đập thủy điện Sepien Senamnoi bị vỡ.

Chiếc trực thăng chở các công nhân được Hoàng Anh Gia Lai thuê của Công ty Dịch vụ bay Lào, từ thủ đô Viêng Chăn bay xuống. Hiện các công nhân được sơ tán đến một địa điểm an toàn tại huyện Paksong trong tình trạng sức khỏe tốt. 

Vỡ đập thủy điện tại lào, Vỡ đập thủy điện, vỡ đập ở Lào, đập thủy điện Lào, vỡ đập thủy điện ở Lào, thủy điện, Lào, Thủy điện Lào, đập thủy điện, vỡ đập
Người dân chờ cứu hộ tại vùng ngập lụt do sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở Attapeu ngày 24/7. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn KPL của Lào cùng ngày dẫn lời giới chức phòng chống thiên tai địa phương cho biết, tính đến chiều 25/7 có tổng cộng 8 bản thuộc huyện Sanamxay chịu ảnh hưởng do vụ vỡ đập, trong đó có 6 bản bị ngập hoàn toàn. Các bản này là nơi sinh sống của hơn 1.500 hộ gia đình với số dân khoảng 8.500 người. Cho đến nay đã có 26 người thiệt mạng và hơn 2.000 hécta đất nông nghiệp bị thiệt hại. 

Đập thuỷ điện tại Sepien Senamnoi là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, nhà máy thủy điện tại con đập trên sẽ xuất khẩu 90% sản lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

VIDEO chuyên gia thủy điện Việt Nam ảnh hưởng của sự cố vỡ đập tại Lào:

Chuyên gia thủy điện Việt Nam ảnh hưởng của sự cố vỡ đập tại Lào

Đập thuỷ điện Xepien Xenamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tối 25/7, theo phóng viên TTXVN tại Lào, 3 ngày sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, chính quyền các cấp của Lào đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố trên. 

Hiện nay, tuy nước đang rút giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ, nhưng hệ thống giao thông đường bộ bị phá hủy nghiêm trọng khiến các phương tiện cơ giới lớn không thể đi qua. Cho đến nay lực lượng cứu hộ chủ yếu vẫn chỉ sử dụng thuyền và trực thăng để tiếp cận người dân.

Tính tới nay, lực lượng cứu hộ đã đưa được gần 3.000 người dân tới khu vực an toàn và hỗ trợ lương thực cho hàng nghìn người khác. Tại hiện trường, các lực lượng chức năng của Lào vẫn đang tích cực triển khai, tìm kiếm người mất tích, kiểm tra và thống kê các thiệt hại. 

Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu, ông Phonesamay Mienglavan cho biết trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Attapeu và cụ thể là đơn vị cứu nạn đã huy động nhiều ban, ngành cùng tham gia công tác cứu hộ. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người còn đang bị cô lập bởi nước lũ cũng được đảm bảo triển khai liên tục. Ông Mienglavan cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thuyền cứu hộ, khiến diện tích khu vực tìm kiếm bị thu hẹp, nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận trong đó có các điểm nhiều khả năng có người bị mắc kẹt. 

Lào khẩn trương cứu hộ người dân

Tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Attapeu, đại diện hàng trăm doanh nghiệp, người dân và các nhà hảo tâm nước ngoài đang chung tay đóng góp hàng cứu trợ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, tranh thủ thời tiết có nắng, các lực lượng của Lào cũng đang đẩy nhanh công tác sửa chữa cầu đường và dự kiến tới ngày mai (26/7), các phương tiện xe cơ giới lớn như ô tô có thể tiếp cận những bản bị ảnh hưởng nặng. 

Theo chính quyền tỉnh Attapeu, tới nay công tác cứu hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy đã hoàn thành khoảng 50% và dự kiến trong 2-3 ngày tới nếu không có gì bất thường và thời tiết thuận lợi, công tác cứu hộ này sẽ hoàn thành. Hiện mực nước ở đầu nguồn, khu vực các bản bị ngập đã rút hơn 10m, tuy nhiên khu vực cuối nguồn nước lại dâng cao, khu vực cửa sông Xepien nước lại dâng cao.

Ngày 25/7, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào). 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông tin một số nội dung về sự cố vỡ đập tại Lào như sau: 

Mưa lớn dài ngày bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh đã khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào. Sự cố vỡ xảy ra tại một đập phụ tại hồ Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoạn tích nước xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 23/7/2018. Đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào) nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong, gồm hai đập chính là: Đập Xe-Pian và Đập Xe-Namnoy. Công trình được khởi công từ tháng 2/2013, dự kiến bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2019. 

Vỡ đập thủy điện tại lào, Vỡ đập thủy điện, vỡ đập ở Lào, đập thủy điện Lào, vỡ đập thủy điện ở Lào, thủy điện, Lào, Thủy điện Lào, đập thủy điện, Attapeu, vỡ đập, thủy điện Sepien Senamnoi
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Theo thông tin ban đầu, việc đập Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy bị vỡ đã gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực hạ lưu, khiến một số người chết và mất tích; hàng nghìn người hiện đang không có nhà để ở. Ngày 24/7/2018, Chính phủ Lào đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu. 

Theo báo cáo số 1 của Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA) mưa lũ đã khiến 41 huyện, 349 ngôi làng, 3452 gia đình bị ảnh hưởng; hơn 200 ngôi nhà bị phá huỷ và phá huỷ hoàn toàn; nhiều hạ tầng giao thông bị hỏng. Tại tỉnh Attapeu, hệ thống nước sạch đã bị cắt; cách duy nhất để di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng là bằng thuyền. Chính phủ Lào đã tích cực huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và hàng nghìn người cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có thể gia tăng, dự báo mực nước tại Tân Châu  có thể gia tăng 7-10cm vào cuối tuần (ngày 27-28/7). Như vậy không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng sông Cửu Long. Ban cạnh đó, mực nước lũ trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3.2m tại Tân Châu. 

Đây là các thông tin sơ bộ, cần tiếp túc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời. 

Ngay sau khi nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Xê Piên-Xê Nậm Noi trên địa bàn huyện Pắc Xoòng, tỉnh Chăm Pa Sắc và huyện Sa Nậm Say, tỉnh Attapư (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), ngày 23/7, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hữu nghị Nam Lào thuộc Quân khu 5 cử 10 cán bộ, y, bác sĩ và hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia khắc phục hậu quả; ủng hộ 200 triệu đồng Việt Nam để mua vật chất cứu trợ ban đầu; chỉ đạo Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang làm nhiệm vụ tại Lào đến hiện trường phối hợp với các lực lượng của bạn để tổ chức tìm kiếm người mất tích và giúp nhân dân khắc phục những thiệt hại ban đầu. 

Vỡ đập thủy điện tại lào, Vỡ đập thủy điện, vỡ đập ở Lào, đập thủy điện Lào, vỡ đập thủy điện ở Lào, thủy điện, Lào, Thủy điện Lào, đập thủy điện, Attapeu, thủy điện Sepien Senamnoi
Chuyển hàng cứu trợ giúp đồng bào tỉnh Attapeu (Lào) khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập. Ảnh: TTXVN phát

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng cơ động khi có lệnh của Bộ để phối hợp với các lực lượng của bạn khắc phục hậu quả.

Sáng 25/7, nhóm phóng viên TTXVN đã tiếp cận được khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào. Tuy nhiên, con đường độc đạo dẫn vào huyện Xanamxay vẫn đang bị ách tắc hoàn toàn do mực nước ở các con suối vẫn còn ở mức cao. Hàng chục tấn hàng hóa cứu trợ đang bị ứ đọng tại khu vực cầu bản Hôm, huyện Xanamxay.

Vỡ đập thủy điện, vỡ đập ở Lào, đập thủy điện Lào, vỡ đập thủy điện tại lào, vỡ đập thủy điện ở Lào, thủy điện, Lào, Thủy điện Lào, đập thủy điện, Attapeu, thủy điện Sepien Senamnoi
Một khu vực dân cư bị ngập sau sự cố vỡ đập thủy điện

Theo hãng tin AFP của Pháp, Công ty xây dựng và thiết kế SK của Hàn Quốc - một trong những đối tác tham gia thầu xây dựng đập thủy điện Sepien Senamnoi, thông báo công ty này đã phát hiện hiện tượng sạt lở bất thường ở phần đỉnh của công trình thủy điện vào lúc 21h địa phương ngày 22/7, tức 23 giờ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện này. Công tác sửa chữa ngay lập tức được xúc tiến, song mưa lớn đã cản trở công tác này. Đến sáng 23/7, một trong hai đập chính của dự án là Xe-Namnoy buộc phải xả lũ để giảm áp lực đối với đập Sepien Senamnoi. Tuy nhiên, SK E&C thông báo diễn biến ngày càng xấu đi vào buổi chiều cùng ngày, buộc công ty này đưa ra thông báo yêu cầu người dân tại vùng hạ lưu sơ tán. Hiện SK E&C đang phối hợp với Chính phủ Lào triển khai lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ người dân địa phương và khắc phục hậu quả sau sự cố trên. 

Vụ vỡ đập Sepien Senamnoi xảy ra lúc 20h00 ngày 23/7 theo giờ Việt Nam. Vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản NhaytheSanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin. Theo Hãng thông tấn Lào (KPL), vụ vỡ đập đã ảnh hưởng đến 1.300 hộ gia đình. Theo thông tin mới nhất, đã có người thiệt mạng trong sự cố vỡ đập này, trong khi còn nhiều người mất tích. Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực, thuốc men, nước uống, tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng bị nạn. Nguyên nhân vỡ đập được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày.

Đập thuỷ điện Sepien Senamnoi là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, nhà máy thủy điện tại con đập trên sẽ xuất khẩu 90% sản lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

P.V (TTXVN, Vnews, Tin tức)

VIDEO Vỡ đập thuỷ điện Sepien Senamnoi và những thảm họa vỡ đập kinh hoàng

VIDEO Vỡ đập thuỷ điện Sepien Senamnoi và những thảm họa vỡ đập kinh hoàng

Vỡ đập là một thảm họa, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của cho những quốc gia gặp nạn. Một phần của đập vòm Gleno nhiều tầng được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve bị vỡ chỉ sau 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ, làm 356 người thiệt mạng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm