VIDEO: Biết rõ tiềm lực tài chính thấp của OceanBank, Đinh La Thăng vẫn ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm

21/03/2018 16:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (20/3), phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm xác định rõ các bị cáo có thực hiện đầy đủ các điều kiện cần thiết để quyết định đầu tư góp vốn vào OceanBank.

Chú thích ảnh
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 21/3. Ảnh: TTXVN

Trả lời trước Tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng không có quy định nào quy định trước khi ban hành nghị quyết phải có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các nghị quyết của PVN chỉ mang tính nội bộ, còn đầu tư vốn ra ngoài mới cần báo cáo Thủ tướng. Chỉ khi nào có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì PVN mới thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, Nghị định 142/2007 đã quy định “... trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng, đầu tư ra ngoài Công ty mẹ...”. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 7289 góp vốn lần thứ nhất 400 tỷ đồng vào hội đồng thành viên thông qua thì chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về văn bản số 121441 ngày 14/10/2008 của Bộ Tài chính yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Viện kiểm sát nêu câu hỏi PVN có thực hiện những yêu cầu của Bộ Tài chính không?

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng văn bản đó là của Bộ Tài chính trả lời theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, nên PVN không có trách nhiệm phải trả lời Bộ Tài chính, còn thực tế những việc Bộ Tài chính yêu cầu thì PVN đã làm từ 2/10/2008.

Theo bị cáo Thăng, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành kiểm tra giám sát, nên: “Đó là trách nhiệm của họ, không phải của PVN”.

Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết, trong văn bản số 140B ngày 18/9/2008 gửi bị cáo Đinh La Thăng đã nêu rõ: “... nhìn tổng thể đến 31/3/2008, OceanBank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp...; trong bối cảnh kinh tế hiện tại, OceanBank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng...”.

Trong khi đó, để giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt của PVN thì PVN cần phải tìm một cổ đông chiến lược mới đáp ứng được nhu cầu.

Tiếp tục trình bày tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết, cũng tại văn bản 146 ngày 29/9/2008, ông đã nêu rõ: “Hiện nay OceanBank đang đứng trước bài toán nặng nề nhất về khả năng đứng vững và có thể phát triển trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ đang có nhiều biến động, cạnh tranh khốc liệt ở một tương lai rất gần khi khả năng thanh khoản kém, vốn và tiềm lực tài chính thấp, chất lượng tài sản thấp...”.

Theo cáo trạng, mặc dù đã được cảnh báo về tình hình tài chính yếu kém của OceanBank, song bị cáo Đinh La Thăng vẫn ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm thống nhất chủ trương góp vốn mà không thông qua Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết, thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, PVN đã có văn bản 7698 yêu cầu OceanBank cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng không nhận được trả lời từ OceanBank.

Mặc dù chưa có những tài liệu, số liệu đó nhưng Hội đồng thành viên PVN đã ra nghị quyết đầu tư. Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, các nghị quyết đó mang tính chất bắt buộc thực hiện nên ông Nguyễn Ngọc Sự thấy không cần phải báo cáo về việc OceanBank không trả lời lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nữa.

VNEWS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm