Ứng phó với bão số 9 'siêu mạnh': Kiểm soát chặt chẽ tuyến biển và đất liền

27/10/2020 14:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo dự báo, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay có khả năng đổ bộ vào nước ta. Do vậy, các bộ, ngành chức năng và các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 9 cần thực hiện nghiêm chỉ đạo, công điện của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản, công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai.

Bão số 9: Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27/10

Bão số 9: Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27/10

Sáng 27/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ban hành Công văn số 7079/UBND-KTTC về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Theo đó, người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng.

Đây là chỉ đạo của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến vào sáng 27/10 tại Hà Nội.

* Kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biển và đất liền   

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các địa phương trên tuyến biển cần tăng cường kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển tránh trú an toàn; tổ chức bắn pháo hiệu thông báo; hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu, thuyền, lưu ý các tàu vận tải, tàu vãng lai. Các địa phương cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tại bến, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ, kiên quyết cưỡng chế, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành; tổ chức gia cố, chằng chống lồng bè nuôi trồng hải sản, không để dân trên lồng bè khi bão đổ bộ; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào đất liền, chỉ được quay trở lại khi có lệnh của chính quyền, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu nuôi trồng, khu sơ tán.

Chú thích ảnh
Đường đi của bão số 9

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 9 cần triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển; bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu, thuyền khi có sự cố; kiểm soát việc thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.

Các địa phương trên khu vực đất liền thực hiện ngay việc sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố; cho học sinh nghỉ học theo kế hoạch và tổ chức quản lý đảm bảo an toàn; hướng dẫn, chỉ đạo chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp. Các địa phương cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, đê điều, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; tổ chức nhắn tin cảnh báo đến các thuê bao, thông tin kịp thời đến tất cả người dân trong vùng ảnh hưởng của bão để chủ động ứng phó.

Các bộ, ngành theo chức năng có trách nhiệm khẩn trương triển khai các phương án ứng phó để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 9

* Bão số 9 giật cấp 17

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện bão số 9 đang ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (gồm phía Nam quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc quần đảo Trường Sa) gió 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đếb Phú Yên (gồm huyện đảo Lý Sơn), gió 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 6-8m.

Khu vực ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió cấp 11-12, giật cấp 15. Tại Kon Tum, Gia Lai, gió cấp 7-8, giật cấp 10. Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Chú thích ảnh
Người dân Đà Nẵng di chuyển các phương tiện tới nơi an toàn

Vùng ven biển các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đều có khả năng nước dâng cao hơn 0,5m. Khu vực từ Thừa Thiên -  Huế đến Quảng Ngãi có khả năng có nước dâng bão cao tới 1,5m. Nguy cơ cao ngập úng vùng trũng.

"Từ đêm 27 đến sáng 29/10, các khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa ở mức 200 - 400mm, riêng Quảng Nam có nơi trên 500 mm. Bắc Tây Nguyên có mưa ở mức 100 - 200 mm. Từ đêm 28 đến ngày 31/10, từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh. Lượng mưa phổ biến ở mức 200 - 400 mm, riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh,  Bắc Quảng Bình có mưa đặc biệt to, ở mức 500 -700 mm " - ông Khiêm nhấn mạnh.

Do mưa lớn, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 - báo động 3, có sông vượt báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại. Đặc biệt, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.

Có nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Chú thích ảnh

* Dự kiến sơ tán 146.866 hộ với 571.746 người 

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến được sơ tán là 146.866 hộ với 571.746 người. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến sơ tán 18.238 hộ với 63.768 người trước 15 giờ ngày 27/10. Thành phố Đà Nẵng dự kiến sơ tán 35.229 hộ với 140.868 người trước 15 giờ ngày 27/10. Tỉnh Quảng Nam dự kiến sơ tán 37.169 hộ với 148.675 người trước 17 giờ ngày 27/10. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sơ tán 24.597 hộ với 94.269 người trước 17 giờ ngày 27/10. Tỉnh Bình Định dự kiến sơ tán 8.050 hộ với 96.513 người trước 19 giờ ngày 27/10. Tỉnh Phú Yên dự kiến sơ tán 8.050 hộ với 27.653 người trước 17 giờ ngày 27/10.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng Phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 27/10, lực lượng Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu, thuyền với 229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 194 tàu, thuyền với 1.305 người đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Tính đến 6 giờ ngày 27/10, mưa lũ từ ngày 6-27/10 đã làm 148 người chết và mất tích (trong đó có 130 người chết, 18 người mất tích; 1.009 ngôi nhà bị hư hỏng; 1.418 ha lúa bị ngập; 7.871 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 con gia súc; 927.792 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở: đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; một số đoạn tại các Quốc 12A, Quốc lộ 9B, Quốc lộ 9E (tỉnh Quảng Bình); Quốc lộ 15D (tỉnh Quảng Trị); Quốc lộ 49 (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

* Chỉ đạo quyết liệt

Sáng 26/10, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và ban hành Công điện số 1470/CĐ-TTg chỉ đạo công tác triển khai ứng phó khẩn cấp với bão.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản 161/TWPCTTT ngày 25/10 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận; ban hành Công điện số 31/CĐ-TW ngày 26/10 gửi các tỉnh khu vực Tây Nguyên chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 469/VPTT ngày 26/10 gửi Cục Viễn thông về việc nhắn tin cảnh báo cho các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng bão số 9.

Sáng 27/10, hai Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu, đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại thành phố Đà Nẵng.

Bộ Công Thương, Bộ Giao Thông Vận tải, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng  phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện chỉ đạo triển khai ứng phó với bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường lực lượng trực ban; giao ban trực tuyến với trực ban các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa để chia sẻ, cung cấp thông tin, phục vụ tham mưu chỉ đạo điều hành.

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 9 đã triển khai ý kiến chỉ đạo, công điện của Thủ tướng Chính phủ; văn bản, công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão - tổ chức thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền di chuyển trú tránh, neo đậu; gia cố, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản; rà soát, chuẩn bị sơ tán dân khu vực nguy hiểm; sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định đã cấm biển; quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Thắng Trung/TTXVN. Ảnh: TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm