Tục lệ đốt vàng mã có còn phù hợp với hiện nay?

16/08/2019 08:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong các dịp lễ, Tết, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị chư tôn đức tăng, ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo cũng như các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ Vu lan Báo hiếu 2019: Không đốt vàng mã, nên làm việc thiện!

Đại lễ Vu lan Báo hiếu 2019: Không đốt vàng mã, nên làm việc thiện!

Liên quan đến việc tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu 2019, Giáo hội Phật giáo đã ra Thông tư yêu cầu các cơ sở thờ tự "không nên đốt, cúng vàng mã; không tổ chức các nghi lễ không phù hợp chính pháp, với nghi lễ truyền thống".

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại Hà Nội dịp rằm tháng Bảy (hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân, lễ Vu Lan báo hiếu), tục lệ đốt vàng mã của người dân tuy đã có ý thức hạn chế hơn những năm trước nhưng vẫn diễn ra phổ biến tại không ít đền, chùa và mỗi gia đình.

Nặng tâm lý "trần sao âm vậy"

Tìm hiểu tại một số chùa trên địa bàn Thủ đô, dịp rằm tháng Bảy năm nay, người dân đến lễ cầu bình an, may mắn vẫn rất tấp nập ngay từ những ngày đầu tháng và tập trung nhiều vào hai ngày cuối tuần (mùng 10 và 11/7 âm lịch). Có thể thấy, một số chùa đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam về việc loại bỏ đốt vàng mã và có biển quy định yêu cầu không được mang đồ mã vào đền, chùa. Nhiều người chỉ mang hoa quả, bánh trái dâng cúng, số ít người vẫn lén kèm theo một vài lễ tiền vàng. Song, bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định đó, vẫn còn một số địa bàn như quận Tây Hồ, Thanh Xuân, Đống Đa..., do nhà chùa có tổ chức các khóa lễ cúng phả độ gia tiên, cầu siêu... với số lượng các gia đình đăng ký làm lễ lên tới hàng trăm người, vì vậy tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến ngay tại chùa.

Chị Tống Thị Vân Hường, cư trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Tôi chỉ biết tục lệ đốt vàng mã có từ thời xa xưa để lại. Hằng năm, vào những dịp lễ như rằm tháng Bảy, tôi thường mua sắm tiền vàng, quần áo, xe cộ, đồ dùng sinh hoạt ... để đốt dâng cho tổ tiên, ông bà đã khuất. Có như vậy, tôi mới không áy náy với người thân của mình ở dưới âm."

Chú thích ảnh
Người dân đốt vàng mã tại Đình Ứng Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Cùng tâm niệm với chị Hường, chị Nguyễn Thanh Tâm tại khu đô thị mới Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết, rằm tháng Bảy năm nào, gia đình chị cũng mua sắm đầy đủ các loại vàng mã cho người đã khuất, kể cả bên nội và bên ngoại. Việc làm này của chị Tâm cũng là do nếp của gia đình từ khi mẹ chị còn sống. Giờ đây, khi mẹ chị đã mất được gần chục năm, mấy chị em trong gia đình vẫn theo danh sách của mẹ để lại mà mua sắm chu đáo đồ mã cho các cụ, ông bà, cô dì, chú bác, anh, chị cháu, em đã mất.  

Trao đổi về tục lệ này của người dân, vị trụ trì Đình Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cứ mỗi dịp rằm tháng Bảy, người dân ở đây tới lễ rất đông. Mặc dù tình trạng đem đồ vàng mã vào trong đình cúng lễ đã giảm nhưng thực tế vẫn còn nhiều người chưa bỏ được tục lệ từ thời xa xưa này. "Thực hiện chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi người dân đến làm lễ và cúng đồ mã xong, chúng tôi sẽ cất đi và không cho đốt tại đình để đảm bảo phòng chống cháy nổ", Trụ trì Đình Hạ Yên Quyết cho hay.

Đốt đồ giả nhưng hậu quả thật

Đốt đồ mã đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ nhiều năm và trở thành tập tục. Nhiều gia đình dù biết rằng đốt vàng mã là tốn kém, gây ra những hậu quả đáng tiếc, tuy nhiên loại bỏ tập tục ra khỏi đời sống là điều không dễ.

Sau khi lựa chọn được nhiều đồ mã ưng ý để phục vụ cúng rằm tháng Bảy, chị Tống Thị Vân Hường thổ lộ, đồ dùng cho người dưới âm bây giờ rất đẹp, đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, có những mẫu mã tinh xảo như đồ thật nên giá thành cũng khá đắt.

Theo chị Hường, một bộ quần áo, giày dép, trang sức, cho người cõi âm loại thường có giá từ 35.000 - 80.000 đồng/ bộ. Bộ cao cấp có giá đến 120.000 - 200.000 đồng/ bộ. Các loại ô tô, xe máy, biệt thự đầy đủ tiện nghi có giá từ 180.000 - 250.000 đồng; bộ đồ công nghệ gồm điện thoại Iphone, máy tính bảng Ipad có giá 150.000 đồng…

Những gia đình bình thường chọn những giá loại đồ mã bình dân. Những người làm nghề kinh doanh, buôn bán dịp rằm tháng Bảy đã không tiếc tiền sắm hàng khủng vài triệu đồng để dâng cúng những món đồ mã đắt tiền với mong muốn được thần linh, tổ tiên, chứng giám "lòng thành" và độ trì cho công việc. Từ hành động đốt đồ giả nhưng "cháy" tiền thật mỗi năm tiêu tốn khá nhiều tiền của.  

Con số thống kê tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi năm, người Việt đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã với số tiền chi trả khá lớn (trên dưới 400 tỷ đồng). Nhiều chuyên gia văn hóa nhìn nhận, nếu dùng chính khoản tiền mua sắm vàng mã cho người đã khuất vào việc công đức tại các đình chùa, làm từ thiện cho người nghèo khổ, khó khăn.

Chưa kể đến việc sản xuất tiền giấy, vàng mã là tổn hại đến tài nguyên rừng bởi giấy được làm từ gỗ. Cộng với đó là việc thải ra môi trường một bầu không khí nghi ngút khói và cũng có nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã mà người dân không lường trước được.

Đơn cử như vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên nhân là do chủ nhà đốt vàng mã trên tầng 4, không cẩn thận khiến đám cháy lan rộng gây thiệt hại không nhỏ. Hay một vụ cháy lớn đã diễn ra tại khu buôn bán đồ vàng mã Đền Mẫu (Đồng Đăng, Lạng Sơn) khiến 10 gian hàng đều bị thiêu rụi...

Hậu quả là vậy nhưng một người dân tại phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội vẫn chủ quan nói: "Cháy làm sao được, lúc hóa vàng mã đứng trông ngay tại đó, làm sao mà cháy được. Chẳng nhẽ, ông bà mất mà con cháu lại vô tâm đến nỗi vì sợ cháy mà bỏ luôn tục lệ từ thời xa xưa".

Dần thay đổi quan niệm về đốt vàng mã thời công nghệ

Mấy năm trở lại đây, nhận thấy việc đốt vàng mã gây ra những hậu quả cho đời sống hiện tại, cộng với việc một số chùa, đền, đình treo biển cấm đốt đồ mã, tình trạng tiền thật theo khói bay đi cũng đã giảm hơn.

Trong khi chưa thể cắt bỏ tục lệ vàng mã, hiện nay đã có những ý tưởng mới lạ nhằm đảm bảo yếu tố tâm linh và tiết kiệm tiền bạc của xã hội.

Có thể đề cập đến ý tưởng cải cách vàng mã thu nhỏ của Họa sĩ Hùng Dingo (Lê Đức Hùng, Hà Nội). Họa sỹ Hùng Dingo tâm sự, xuất phát từ việc cảm thấy áy náy với ông bà, tổ tiên và cũng vì cái nghề đã theo gia đình từ bao đời nay đã khiến anh cùng một người bạn nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm vàng mã có kích thước nhỏ hơn rất nhiều lần so với đồ hàng mã trước đây. Chẳng hạn như, ngựa mã đại truyền thống trung bình cao khoảng 70cm đến 1,5 mét, nay được thu nhỏ còn 15cm, mũ ông Công ông Táo phổ biến cao 18cm, đường kính 12cm thì nay độ cao còn 10cm với đường kính 6cm... Nhiều tờ tiền lễ (cùng mệnh giá) được in trong một tờ giấy khổ 15cm x 20cm chứ không in to, cặp thành từng tệp như mẫu quen thuộc.

Theo họa sỹ Họa sĩ Hùng Dingo, với việc thiết kế những sản phẩm vàng mã thu nhỏ này vừa đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình khi muốn bày tỏ lòng thành đối với người đã khuất, vừa tiết kiệm chi phí và khi đốt giảm thiểu gây ô nhiễm cho môi trường.

Cùng với những ý tưởng mới cho đồ mã trong thời kỳ 4.0 cũng cần sự vào cuộc của các ngành để nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, đề cao vai trò của các tổ chức tôn giáo về tuyên truyền, vận động các "con nhang, đệ tử" trong việc loại bỏ dần đồ mã trong đời sống tâm linh nhưng vẫn đảm bảo được tính tôn nghiêm, thành kính mang đậm bản sắc văn dân tộc trong mỗi dịp lễ, Tết.

Minh Nghĩa/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm