Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội cho phép mở lại nhiều dịch vụ thiết yếu

21/09/2021 06:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 20/9, UBND thành phố Hà Nội hỏa tốc ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xem xét nới lỏng một số dịch vụ sau ngày 15/9 và ngày 21/9

Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xem xét nới lỏng một số dịch vụ sau ngày 15/9 và ngày 21/9

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và ngày 21/9.

Theo đó, từ 6h ngày 21/9, thành phố điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn, phù hợp với tình hình thực tế, cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố.

Chỉ thị 22 nêu rõ mục tiêu: 

- Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

- Tiếp tục kiểm soát tình hình trên địa bàn Thành phố trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; phấn đấu hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

- Điều chỉnh các giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh, xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn trên địa bàn Thành phố.

Chú thích ảnh
Từ 12h ngày 16/9/2021, cửa hàng ADCBook (75B, Xuân La, quận Tây Hồ) đã mở cửa trở lại

Theo đó, Thành phố cho phép mở cửa trở lại các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, thành phố cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng VN-eID hoặc website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; thời gian hoạt động từ 9h - 22h hằng ngày (áp dụng cho cả xe mô tô, xe hai bánh đang được phép hoạt động và xe tham gia ứng dụng công nghệ).

Ngoài ra, các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh; các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (trừ các lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà...

Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người/phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải bảo đảm thực hiện giãn cách tối thiểu, có các biện pháp phòng, chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Tổ chức đám tang trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người.

Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch. Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K. Bên cạnh đó, các cơ sở phải thực hiện sản xuất, kinh doanh và các hoạt động đảm bảo theo hướng dẫn an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các quy định do Trung ương và thành phố ban hành.

Chú thích ảnh
Chủ cửa hàng cơm Tâm Thu trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình dán mã QR-code để người mua khai báo y tế

Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải thực hiện đầy đủ quy định của Trung ương và thành phố; chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất an toàn đáp ứng tình hình dịch bệnh gửi UBND xã, phường, thị trấn để quản lý, giám sát, kiểm tra; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị.

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu/cụm công nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong khu/cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận; tiếp tục duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân; tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô; trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia tiếp tục bị tạm dừng.

Chú thích ảnh
Hà Nội sẽ không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố. Ảnh: TTXVN phát

Thành phố cũng tiếp tục tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép); hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; một số hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Các cá nhân, tổ chức, đơn vị thực hiện theo các tiêu chí, hướng dẫn, quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo danh mục và phụ lục, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các sở, ngành liên quan.

Thành phố cũng yêu cầu các UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng, chủ động quyết định và phê duyệt Kế hoạch triển khai Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.

Cụ thể: Khi thực hiện phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch nhanh nhất và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm việc giãn cách; (2) Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; (5) Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Duy trì hoạt động các “pháo đài” chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn; duy trì các chốt tự quản “vùng xanh” tại các thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư để kiểm soát di biến động của người dân...

UBND các xã, phường, thị trấn cũng cần rà soát, lập danh sách người có bệnh nền, xác định vị trí các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời có các phương án phong tỏa, cách ly hoặc các biện pháp cấp bách khi tình huống xuất hiện các ca nhiễm; khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm để thu hẹp khu vực phong tỏa, đảm bảo quy mô nhỏ, quản lý chặt; duy trì yêu cầu xét nghiệm 2-3 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, rất cao và tầm soát tại các khu vực cơ nguy cơ trên địa bàn.

Thành phố cũng đề nghị người dân: Thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế hàng ngày trên website http://www.tokhaiyte.vn  hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Trường hợp di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.

Thảo Nhi. Ảnh: TTXVN phát

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm