Trung Quốc đưa xe tự hành lên mặt trăng: 'Thỏ Ngọc' sẽ ghé thăm chị Hằng

27/11/2013 07:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tân Hoa Xã hôm 26/11 cho biết xe tự hành thăm dò mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc mang tên "Thỏ Ngọc", đặt theo tên một sinh vật huyền thoại trong truyện cổ tích nước này, sẽ được phóng lên cung trăng vào tháng tới.

"Trung Quốc đã chọn cái tên "Thỏ Ngọc" cho xe thăm dò mặt trăng đầu tiên, sau một cuộc bỏ phiếu chọn tên trực tuyến quy mô toàn cầu" - Tân Hoa Xã viết khi đưa tin về sự kiện.

Tham vọng của “Thỏ Ngọc”

Cái tên "Thỏ Ngọc" được thông báo tại một cuộc họp báo do Li Benzheng tổ chức ở Bắc Kinh. Ông là Phó Tổng chỉ huy chương trình chinh phục mặt trăng của Trung Quốc. "Thỏ Ngọc là biểu tượng của sự dễ thương, thuần khiết và lanh lợi. Nó giống với con tàu thăm dò mặt trăng, cả về triển vọng lẫn ý nghĩa. Thỏ Ngọc còn phản ánh hoạt động sử dụng không gian một cách hòa bình của Trung Quốc" - ông Li nói với hãng tin.

Người dùng mạng Trung Quốc đã lập tức hoan nghênh cái tên. "Tôi rất mong đợi ngày Thỏ Ngọc ghé thăm cung trăng. Tiến lên ngành chinh phục không gian Trung Quốc!" - một người dùng viết trên mạng xã hội Sina Weibo.


Xe thăm dò mặt trăng mang tên Thỏ Ngọc của Trung Quốc

Theo tờ South China Morning Post, cái tên đã được 650.000 người lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến. Khoảng 3,4 triệu người đã tham gia bỏ phiếu chọn tên. Những cái tên khác được cân nhắc gồm Tiền Học Sâm, nhà khoa học được xem là "cha đẻ của chương trình không gian Trung Quốc".

Chương trình không gian Trung Quốc đã từng dựa vào truyện cổ tích, khi đặt tên cho các tàu thăm dò bay quanh mặt trăng của mình là Hằng Nga. Thỏ Ngọc là một phần của tàu thăm dò nghiên cứu mặt trăng mang tên Hằng Nga 3. Dự kiến tàu sẽ được phóng lên cùng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B vào đầu tháng tới. Nó sẽ hạ cánh xuống mặt trăng vào giữa tháng 12. Chưa có thời gian biểu cụ thể cho hoạt động phóng Hằng Nga 3.

Hình ảnh quan trọng

Trước đó Trung Quốc đã đưa 2 tàu thăm dò lên bay vòng quanh mặt trăng. Con tàu đầu tiên mang tên Hằng Nga 1, được phóng đi trong năm 2007. Trung tâm kiểm soát sau đó đã lệnh cho tàu này đâm vào bề mặt mặt trăng khi nhiệm vụ kết thúc.

Con tàu tiếp theo là Hằng Nga 2 bắt đầu hành trình 2 năm sau đó. Khi hoàn tất nhiệm vụ bay vòng quanh quỹ đạo mặt trăng, tàu đã di chuyển sâu vào trong vũ trụ để giám sát một thiên thạch. Con tàu này dự kiến sẽ di chuyển ra cách trái đất tới 300 triệu km. Tân Hoa Xã nói rằng đây là hành trình dài nhất mà một con tàu vũ trụ Trung Quốc từng đạt được.

Cái tên Thỏ Ngọc tới từ truyện cổ tích Trung Quốc, nói về một chú thỏ trắng sống trên mặt trăng, là thú nuôi của chị Hằng Nga, vị nữ thần xinh đẹp đã uống viên thuốc trường sinh bất tử.

Thỏ Ngọc lần đầu được đề cập tới trong văn chương Trung Quốc là tại bài thơ Thiên Vấn của nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên, sống dưới thời Chiến quốc. "Một dòng trong bài thơ nói rằng trên mặt trăng có một con cóc và một con thỏ" - tiến sĩ Isaac Yue ở Đại học Hong Kong, người giảng dạy về thần thoại Trung Quốc cho biết - "Về sau đã có những tích mới hình thành thêm vào truyện, như thỏ ngọc làm thuốc, thỏ ngọc là bầu bạn của chị Hằng. Một tích nữa là thỏ ngọc có gốc Phật giáo, nó đã từng nhảy vào lửa để một người già có thể ăn thịt mình và khỏe trở lại".

“Thỏ Ngọc có tầm quan trọng văn hóa lớn, như một vật hy sinh vì sự tốt đẹp của những thứ xung quanh nó" - ông nói tiếp - "Người ta (giới chức Trung Quốc) đã sử dụng mô típ Hằng Nga và giữa hai hình ảnh con cóc với con thỏ, rõ ràng con thỏ sẽ được ưa thích hơn. Tôi không thể nghĩ ra được cái tên nào hay hơn thế".

Trung Quốc vẫn ở "chiếu dưới"

Ouyang Ziyuan, lãnh đạo dự án tàu thăm dò mặt trăng nói với Tân Hoa Xã rằng niềm tin cổ xưa của người Trung Quốc về thỏ ngọc, có thể đã hình thành từ các dấu vết để lại từ những vụ va chạm của thiên thạch với mặt trăng. "Có những điểm đen trên bề mặt mặt trăng và cổ nhân của chúng ta tưởng tượng rằng đó là cung trăng, các cây mộc và một chú thỏ ngọc" - ông nói.

Bắc Kinh xem chương trình chinh phục không gian do quân đội điều hành của mình là một dấu mốc quan trọng, cho thấy sự trỗi dậy về vị thế trên trường quốc tế, sự vươn lên về sức mạnh kỹ thuật và thành công của chính quyền trong việc thay đổi vận mệnh dân tộc.

Trung Quốc đã đặt ra các kế hoạch tham vọng nhằm tạo ra một trạm vũ trụ của riêng mình trong năm 2020, trước khi đưa người lên mặt trăng. Nhưng giới quan sát đánh giá so với Mỹ và Nga, Trung Quốc vẫn đang tụt hậu về trình độ trong lĩnh vực chinh phục không gian.

“Thỏ Ngọc” ảnh hưởng tới Laddie của Mỹ?

Đầu tháng này, Trung Quốc đã "khoe" xe tự hành thăm dò mặt trăng của mình, vốn vận hành trên 6 bánh xe và có các panel quang điện trông như đôi cánh. Xe có thể leo dốc 30 độ và di chuyển với tốc độ 200km/h. Dù Hằng Nga 3 và Thỏ Ngọc chưa được phóng lên, đã có những quan ngại rằng nhiệm vụ của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới một nhiệm vụ thăm dò mặt trăng của Mỹ đang diễn ra. Cụ thể, tàu thăm dò khí quyển và bụi môi trường mặt trăng, biệt danh Laddie, hiện đang hoạt động để thu lấy các thông số quan trọng.


Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm