Trẻ Babylift về cội: Tìm thấy bình an ở Việt Nam

27/04/2015 08:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã tiến hành không vận hàng ngàn đứa trẻ ra khỏi Sài Gòn, trong khuôn khổ chiến dịch mang tên Babylift.

40 năm sau đó, nhiều đứa trẻ Babylift ngày nào đã trở lại Việt Nam, trong hành trình tìm lại gia đình hoặc khám phá nguồn cội, nơi họ chào đời.

Chiến dịch không vận trẻ em

Trong chiến dịch Babylift, khoảng 3.000 đứa trẻ đã được chở khỏi Việt Nam, được các gia đình Mỹ, Australia, Thụy Điển và nhiều nước khác nhận nuôi.

Tuy nhiên chuyến bay Babylift đầu tiên đã gặp nạn không lâu sau khi cất cánh. "Cha mẹ (nuôi) của tôi nhận được một bức điện với nội dung... nói rằng người ta không thể tìm thấy chúng tôi... Chúng tôi bị mất tích và được xem như đã chết" - Landon Carnie, người đi trên chiếc C5-A Galaxy bị rơi trong ngày 4/4/1975, kể lại.


Hình ảnh vụ rơi máy bay đầu tiên trong chiến dịch Babylift (ảnh NPR)

Carnie và người chị em song sinh là Lorie về sau được tìm thấy đang nằm trong một hộp đựng giày, trôi lềnh bềnh trên một ruộng lúa, giữa đống mảnh vỡ máy bay đang bốc khói nghi ngút. Vụ tai nạn đã làm 138 người chết, gồm 78 đứa trẻ.

"Một gia đình nông dân đã tìm thấy tôi và chị tôi, vẫn nằm bên nhau trong cùng chiếc hộp đựng giày" - anh kể lại với hãng tin AFP khi trở lại địa điểm máy bay rơi vào đầu tháng này.

Carnie và Lorie về sau đã rời Việt Nam trong một chuyến bay khác, cùng hàng ngàn trẻ sơ sinh Babylift - được mang đi từ các trại trẻ mồ côi hoặc bệnh viện ở miền Nam Việt Nam khi đó. Những đứa trẻ thuộc về một làn sóng người ra nước ngoài khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi tới hồi kết.

Carnie trở lại thăm nơi chiếc máy bay chở trẻ Babylift đầu tiên gặp nạn (ảnh AFP)

Một số người về sau đã chỉ trích chiến dịch Babylift, chất vấn rằng có phải mọi đứa trẻ trong chiến dịch đều là trẻ mồ côi?

Tới Mỹ, Carnie và Lorie được một gia đình ở bang Washington nhận nuôi. Khi Carnie quyết định trở lại Việt Nam cách đây 15 năm, điều đầu tiên khiến anh kinh ngạc là mọi người đều giống mình.

"Tôi chẳng có gì khác biệt. Tôi không bị người khác nhìn ngó, chỉ chỏ" - Carnie kể lại cảm giác lần đầu đặt chân về đất mẹ. Anh nói rằng tại TP Hồ Chí Minh, "chẳng ai để ý đến mình" và anh rất thích điều đó.

"Đây mới là nhà tôi"

Carnie đã thích thú với Việt Nam tới mức anh dọn về sống ở TP Hồ Chí Minh trong vòng một thập kỷ qua.

Carnie được cho biết rằng, mẹ đẻ đã chết trong lúc sinh anh và Lorie. Nhưng anh cũng không thể xác minh điều này, do tất cả các tài liệu nói về gốc gác của anh đều đã bị thiêu hủy trong vụ rơi máy bay. Thực tế Carnie cũng không muốn lần lại nguồn gốc, kể từ khi trở về Việt Nam.

Anh nói rằng đã chấp nhận quá khứ. "Tôi cảm thấy thoải mái với con người hiện nay nên chẳng cần phải tìm lại bất kỳ thứ gì khác" - anh chia sẻ.

Nhưng những đứa trẻ Babylift khác vẫn tìm kiếm câu trả lời. Chantal Doeckë, người được một gia đình nhận nuôi và lớn lên ở Australia, nói rằng chị đã bắt đầu tìm lại nguồn gốc của mình, sau khi sinh con.

Đầu tháng này, Doeckë đã trở lại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, nơi chị chào đời, và cố tìm hiểu về mẹ đẻ, người đã cho chị đi ngay sau khi sinh. Nhưng do không còn lại tài liệu nào, chị khó có thể thành công.


Chị Kim Lan Duong, người đã được đưa ra nước ngoài trong hoạt động Babylift (ảnh Japan Times)

"Tôi chỉ muốn tìm một người thân" - chị nói với hãng tin AFP, mắt rơm rớm lệ - "Có những điều tôi muốn được biết".

Không tìm thấy gia đình của mình nhưng Doeckë đã gặp được một "gia đình" khác - những người được đưa ra khỏi Việt Nam trong chiến dịch Babylift mà chị kết nối được qua Facebook và nhờ một cuộc hội ngộ ở Việt Nam, dự kiến diễn ra trong tháng này.

"Tôi kết bạn với rất nhiều người là con nuôi (sau chiến dịch Babylift) tới từ khắp nơi trên thế giới và điều đó thật tuyệt vời" - chị kể - "Tôi yêu mến mọi người... Chúng tôi đều gọi nhau là anh em".

Giờ chị cảm thấy ngày càng thoải mái khi ở Việt Nam. "Australia là nơi tôi sống nhưng đây mới là nhà của tôi... Rất nhiều người được nhận nuôi (sau chiến dịch Babylift) cũng nói ra những điều tương tự" - chị cho biết.

Khao khát tìm người thân

Trong 3 thập kỷ, kể từ năm 1945 tới 1975, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến, nhiều thăng trầm. Kết quả là vẫn còn rất nhiều người mất tích ở Việt Nam, theo lời bà Nguyễn Phạm Thu Uyên, người dẫn chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phát trên kênh VTV.

Cuộc hội ngộ của những người từng được đưa khỏi Việt Nam trong chiến dịch Babylift (ảnh AP)

Theo lời bà Thu Uyên, gần như mọi gia đình ở Việt Nam đều trải qua một cuộc chia ly nào đó, với ít nhất 1 người mất tích. Trong 8 năm chương trình của bà Thu Uyên lên sóng, những người thực hiện chương trình đã nhận được 70.000 đề nghị giúp đoàn tụ.

Đó có thể là đề nghị của những người lính Mỹ tìm kiếm bạn gái thất lạc, cho tới các gia đình Việt Nam đi tìm con. Chương trình đã giúp hàng ngàn người tìm lại thân nhân.

Đội ngũ của bà Thu Uyên đã làm việc với vài trường hợp Babylift và bà thấy rằng họ có góc nhìn rất đặc biệt. Rất ít người tức giận với các bậc sinh thành ra họ, chấp nhận rằng họ được cho đi vì cha mẹ mong muốn mình có một cuộc sống tốt hơn. Bà Thu Uyên nói rằng đó là quan điểm đầy nhân văn, gây xúc động.

Doeckë cũng đồng tình rằng những câu hỏi cháy bỏng mà bà muốn dành cho gia đình sinh ra mình không bao gồm "vì sao con lại bị cho đi?"

"Tôi không có gì oán hận cha hay mẹ mình. Đó là thời chiến và họ đâu có sự lựa chọn? " - chị chia sẻ - "Tôi chỉ muốn tìm được một người thân mà thôi"

Tường Linh
Lược dịch theo AFP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm