Tấm vải liệm Chúa Jesus không phải giả mạo?

29/03/2013 12:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tấm vải liệm Turin, một trong những Thánh tích gây tranh cãi nhiều nhất, không phải là một sản phẩm giả mạo có từ thời Trung cổ như người ta đã nghĩ. Đó là tuyên bố được đưa ra trong một cuốn sách vừa ra mắt, với thông tin bên trong có đầy sức nặng, chứng minh rằng nó thực tế đã tồn tại từ khoảng thời gian Chúa qua đời.

Người Thiên Chúa giáo tin rằng tấm vải liệm Turin dài 4 mét đã được dùng để bọc thi hài Chúa Jesus khi ngài được đưa xuống từ cây thập giá, sau lúc bị đóng đinh câu rút cách đây 2.000 năm.

Trùng thời điểm Chúa qua đời

Nhiều thí nghiệm do các nhà khoa học ở Đại học Padua, miền Bắc Italia thực hiện, đã chứng minh được rằng tấm vải liệm quả thực có nguồn gốc hết sức xa xưa, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, thời gian Chúa Jesus còn sống.

Phân tích của các nhà khoa học được xuất bản trong cuốn sách mới mang tựa đề Il Mistero della Sindone hay Bí ẩn của tấm vải liệm. Cuốn sách là sản phẩm hợp tác của Giulio Fanti, một giáo sư về cơ khí và đo đạc nhiệt tại Đại học Padua và Saverio Gaeta, một phóng viên.

Các nhà khoa học ở Padua, gồm giáo sư Fanti, đã sử dụng 3 phương thức phân tích mới, với hai là hóa học và một là cơ khí. Hai phương pháp hóa học liên quan tới việc sử dụng ánh sáng hồng ngoại và quang phổ Raman.

Kết quả cuối cùng cho thấy các mẫu vải liệm được kiểm tra đã cho ra những kết quả tương đối giống nhau, với độ chắc chắn lên tới 95%. Cụ thể, mẫu vải được kiểm tra hồng ngoại có niên đại khoảng năm 300 năm trước Công nguyên ±400 năm. Mẫu vải được kiểm tra bằng quang phổ Raman có niên đại từ năm 200 trước Công nguyên ± khoảng 500 năm. Mẫu vải kiểm tra bằng phương pháp phân tích cơ khí cho kết quả là năm 400 sau Công nguyên, ±400 năm.

Tính trung bình ba kết quả phân tích là năm 33 trước Công nguyên ± 250 năm. Các tác giả cuốn sách nói rằng ngày họ tìm thấy khá tương đồng với ngày Chúa Jesus qua đời trên thập giá, vốn được các sử gia cho là vào năm 30 sau Công nguyên.

Sẽ lại gây tranh cãi

Điều đáng chú ý là thí nghiệm của trường Padua được tiến hành dựa trên các mẫu vải lấy từ tấm vải liệm Turin để phục vụ cho một nghiên cứu trước đó vào năm 1988.

Trong cuộc thí nghiệm trước, người ta đã đo đếm tuổi tấm vải bằng phương pháp xác định tuổi carbon phóng xạ. Sau khi xem xét kết quả, các nhà khoa học thuộc nhiều phòng thí nghiệm ở Oxford, Zurich và Arizona dường như đã ủng hộ giả thuyết rằng tấm vải liệm là một sản phẩm giả mạo khéo léo được làm từ thời Trung cổ. Họ nói rằng nó thực tế đã chỉ ra đời vào khoảng năm 1260 - 1390.

Tuyên bố của nghiên cứu 1988 đã gây sốc trên toàn thế giới, bởi tấm vải liệm Turin được cho là rất thiêng liêng, chứa đựng gốc rễ của Công giáo và nó được tất cả các tín đồ Công giáo sùng kính. Việc tuyên bố nó là giả khác nào việc làm lung lay tới tận gốc đức tin Công giáo.

Thời gian đó, đã xuất hiện nhiều ý kiến phản bác quan điểm của các nhà khoa học. Người ta nói rằng rất có thể mẫu vải được phân tích có lẫn một số miếng vải non tuổi hơn, đã được dùng để sửa chữa tấm vải liệm gốc, sau khi nó bị hư hại trong một vụ cháy ở thời Trung cổ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của trường Padua, dường như đã ngả theo hướng bênh vực tấm vải liệm, chắc chắn cũng sẽ làm dấy lên không ít tranh cãi.

Bí ẩn khó giải đáp

Bí ẩn của tấm vải liệm Turin đã mê hoặc người đời trong hàng thế kỷ qua. Vô số các cuốn sách, phim tài liệu và cả thuyết âm mưu đã hình thành xung quanh nó.

Tấm vải này dường như có hình dáng lờ mờ của một người đàn ông để râu, để tóc dài và trên cơ thể có những vết thương giống như bị đóng đinh câu rút. Mỗi năm, tấm vải liệm đã thu hút hàng trăm ngàn tín đồ đổ tới nhà thờ Turin, nơi đang bảo quản nó trong một hòm chứa được thiết kế đặc biệt và được điều hòa nhiệt độ.

Dù đã làm nhiều phân tích, các nhà khoa học chưa từng giải thích được vì sao lại có hình ảnh của một người đàn ông in trên tấm vải liệm, cũng như dấu vết về các thương tích do đinh gây ra ở bàn chân, bàn tay hay các vết gai đâm ở vùng trán và một vết giáo xuyên ở vùng ngực.

Vatican chưa từng nói về việc tấm vải là thực hay không, dù Giáo hoàng Benedict XVI từng nói rằng các hình ảnh in trên tấm vải liệm sẽ luôn nhắc các con chiên nhớ về sự khổ đau mà Chúa phải chịu đựng. 

Trong khuôn khổ lễ Phục sinh tới đây, hình ảnh về tấm vải liệm sẽ được phát trên kênh truyền hình RAI của Italia, khi tân Giáo hoàng Francis thuyết giảng về cái chết và sự hồi sinh của Chúa Jesus trong ngày 29/3 tới.

***

Tấm vải liệm Turin có in hình dáng lờ mờ của một người đàn ông để râu, để tóc dài và trên cơ thể có những vết thương giống như bị đóng đinh câu rút. Mỗi năm, tấm vải liệm đã thu hút hàng trăm ngàn tín đồ đổ tới chiêm ngưỡng.

Tường Linh (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm