Tác nhân nào gây nên các thảm họa thiên tai?

12/11/2013 11:55 GMT+7 | Trong nước

Thiên nhiên và con người là hai tác nhân chính gây nên các thảm họa thiên tai trên thế giới mà mới đây nhất là trận siêu bão Haiyan - cơn bão nhiệt đới được cho là mạnh nhất thế giới diễn ra trong năm nay - vừa quét qua Philippines để lại hậu quả thảm khốc.

Trong một nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên công bố ngày 11/11, Giáo sư chuyên ngành khí tượng Kerry Emanuel đến từ Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ nhận định hầu hết các thảm họa thiên nhiên đều có sự "đóng góp" lớn của 2 yếu tố, đó là con người và thiên nhiên. Theo ông Emanuel, chính vị trí địa lý, đặc điểm khí tượng học, tình trạng đói nghèo, cơ sở vật chất yếu kém, dân số bùng nổ cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất đã khiến Philippines trở thành quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các trận bão. Cụ thể, khoảng 7.000 hòn đảo của quốc gia Đông Nam Á này nằm ở khu vực tập trung nhiều cơn bão lớn nhỏ trên thế giới, trong đó có các trận siêu bão được ghi nhận trong thế kỷ 20 và 21.


Siêu bão Haiyan quét qua, để lại hậu quả nặng nề cho Philippines

Trong khi đó, cùng với đặc điểm địa lý, nhà nghiên cứu Brian McNoldy đến từ Đại học Miami cho rằng hậu quả của hành động của con người "đóng góp" khoảng 80% vào các thảm họa thiên nhiên xảy ra trên thế giới. Theo ông McNoldy, chính nạn đói nghèo và tốc độ tăng dân số nhanh chóng chủ yếu tập trung tại các khu vực ven biển có cơ sở hạ tầng và nhà ở yếu kém, dễ bị các cơn bão tấn công đã là những yếu tố không nhỏ gây nên các thảm kịch sau thiên tai.

Tại thành phố Tacloban của Philippines, nơi cơn bão Haiyan vừa quét qua, dân số tại đây đã tăng chóng mặt từ khoảng 76.000 người lên đến 221.000 người trong vòng 40 năm qua trong khi cơ sở hạ tầng và các công trình nhà ở lại xuống cấp trầm trọng. Hậu quả là khu vực này hầu như không có khả năng chống chịu thiên tai, vì thế những thiệt hại về người và cửa là không tránh khỏi. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới hồi năm 2012, có khoảng 50% dân số Philippines hiện đang sống tại các thị trấn và thành phố có từ 100.000 dân trở lên thuộc diện nguy cơ cao, dễ bị tổn thương do thiên tai.


Thiên nhiên và con người là hai tác nhân chính gây nên các thảm họa thiên tai trên thế giới

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng hành động phá hoại môi trường của con người cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, khiến các hiện tượng thiên nhiên diễn biến ngày càng phức tạp và các cơn bão nhiệt đới ngày càng nguy hiểm và xuất hiện với tần suất cao hơn.

Ở trường hợp của Philippines, hiện tượng nóng lên của Trái đất cũng khiến mực nước biển nước này tăng hơn 1cm trong vòng 20 năm qua, tăng gấp ba lần mức tăng trung bình của toàn cầu, khiến nước này có nguy cơ bị bão lũ nghiêm trọng tấn công. Từ thực trạng trên, các nhà khoa học kêu gọi mọi người dân có thể giảm thiểu các thảm họa thiên tai bằng cách xây dựng các công trình nhà ở kiên cố hơn, thực hiện các cảnh báo thiên tai tốt hơn cũng như chính phủ các nước cần có phản ứng nhanh và kịp thời hơn trước những hiểm họa thiên nhiên.

Khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ được đưa ra ngay sau khi siêu bão Haiyan - cơn bão mạnh nhất năm nay và là một trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại - vừa hoành hành tại Philippines từ ngày 8/11 với sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ. Siêu bão đã gây ra lở đất, lũ lụt tại nhiều khu vực, cắt đứt đường dây thông tin liên lạc, làm mất điện ở nhiều khu vực và phá hủy hàng nghìn căn nhà, trong đó có hàng trăm căn nhà sập hoàn toàn.

Ước tính gần 4,5 triệu người dân Philippines bị ảnh hưởng, trong đó gần 800.000 người đã phải tới những trung tâm sơ tán. Sau khi siêu bão Haiyan quét qua, giao thông, đường sá ở nhiều địa phương hoàn toàn bị tắc nghẽn, 13 sân bay đóng cửa và 118 chuyến bay nội địa bị hủy làm gần 3.400 hành khách mắc kẹt ở các sân bay. Riêng tại tỉnh Leyte, ít nhất 10.000 người được cho là đã thiệt mạng, chủ yếu tại ở thành phố Tacloban.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm