Sức mạnh "rồng lửa" trong chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

17/10/2012 12:47 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trận địa tên lửa Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội là địa danh lịch sử in đậm chiến công của những người lính canh trời thủ đô. Nơi đây, từ năm 1967 - 1972, Sư đoàn 361 đã bắn rơi 25 máy bay của đế quốc Mỹ.

Trong những chiến công đó, có chiến tích bắn rơi 4 chiếc B-52 (3 chiếc rơi tại chỗ) của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, làm nên dấu ấn lịch sử của trận địa lừng danh này. Ngày 16/1/1995, trận địa Chèm đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

Dấu ấn lịch sử trận địa Chèm

Trận địa Tên lửa Chèm hiện nay là điểm đóng quân của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361). Trong quá trình đô thị hoá, những bãi đất hoang quanh trận địa trước đây, nay được thay bằng các công trình cao ốc, văn phòng của các cơ quan, doanh nghiệp... Dẫu vậy, ngoài những công trình doanh trại được cải tạo và nâng cấp thì trận địa Chèm vẫn gìn giữ được những nét xưa, vẫn thấy đâu đây những ký ức hào hùng của quân và dân thủ đô.



Đồng chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị gặp gỡ chiến sỹ Tiểu đoàn 77 tại trận địa Chèm

Hiển hiện ngay cổng ra vào doanh trại Tiểu đoàn 77 là khuôn viên và văn bia lịch sử trận địa Chèm. Trong đó điểm nhấn là hình ảnh quả tên lửa vút lên trời xanh uy nghi và tráng lệ. Càng đi vào trong trận địa, xen giữa những hàng cây xanh tỏa bóng mát là những ngôi nhà cấp 4 khang trang, sạch đẹp, với những khuôn viên vườn hoa, cây cảnh đẹp mắt. Bên những giàn hoa rợp sắc đỏ hoa mười giờ là những bệ phóng tên lửa sừng sững hiên ngang giữ trời thủ đô.

Để tìm hiểu về những chiến công làm nên lịch sử của trận địa Chèm chúng tôi đã gặp Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 trong những ngày tháng Chạp năm 1972. Nhà ông ở thôn Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhắc đến Tiểu đoàn 77, đến trận địa Chèm, mắt ông sáng bừng, niềm tự hào trong ông như trỗi dậy. Trong cuốn sổ nhỏ nhắn, bạc màu thời gian, ông ghi lại trọn vẹn các khoảnh khắc trận đánh, cả những suy tư, trăn trở đầy trách nhiệm của vị Tiểu đoàn trưởng.

Ông tự hào kể, trong 12 ngày đêm tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Tiểu đoàn 77 đã hạ được 4 chiếc máy bay B-52 của địch, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ, đó là chiến tích đã làm nên danh tiếng trận địa Chèm lịch sử. Trong số các trận đánh tại trận địa Chèm, với Đại tá Đinh Thế Văn thì trận đánh mở màn ngày 18/12 để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Đó là bởi lần đầu tiên cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 77 hạ được pháo đài bay và là chiếc B-52 thứ 2 bị hạ ngay trên bầu trời Hà Nội.

Đại tướng đến lúc bom còn vương vãi

Cho đến bây giờ, Đại tá Đinh Thế Văn vẫn chưa quên khoảnh khắc đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trận địa vào sáng 22/12/1972. Trước đó, trận địa bị địch oanh kích dữ dội, gây thiệt hại về người và khí tài. Giữa lúc đơn vị đang khôi phục chiến đấu thì nhận được tin đại tướng đến thăm, trên trận địa lúc này còn vương vãi nhiều bom bi chưa nổ.



Tượng đài tên lửa tại trận địa Chèm

Đồng chí bảo vệ đại tướng hỏi Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn: “Bây giờ là giờ cao điểm, nếu địch đến, đồng chí xem có vị trí nào an toàn để bảo vệ đại tướng?”. Nhìn bối cảnh lúc ấy ông thấy thật khó trả lời, nhưng giọng ông dứt khoát: “Báo cáo đồng chí khi có địch đến, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 77 sẽ xả thân bảo vệ đại tướng”!

Thay vì gặp gỡ trong hội trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn giữa trận địa. Đại tướng nói: “Các đồng chí tên lửa đánh rất giỏi, cảm ơn các đồng chí. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này. Các đồng chí phải khẩn trương sửa chữa khí tài, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tăng cường luyện tập, phát huy chiến thắng, rút kinh nghiệm, khắc phục khuyết điểm, đánh giỏi và đánh thắng lớn hơn nữa”! Đồng chí Đỗ Quý Dần - Chính trị viên Tiểu đoàn thay mặt tiểu đoàn hứa với đại tướng chấp hành nghiêm chỉnh lời huấn thị của đại tướng.

Chỉ sau đó 2 ngày, Tiểu đoàn 77, trận địa Chèm được đón các đồng chí lãnh đạo của TP Hà Nội đến thăm, trong đó có đồng chí Chủ tịch UBND TP Trần Duy Hưng. Ngày 30/12, tiểu đoàn lại vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng xuống thăm. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã chỉ huy kíp chiến đấu diễn tập lại cách đánh B-52 cho chủ tịch xem. Xem xong Bác Tôn phấn khởi biểu dương và khen ngợi cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn. Sau đó, đồng chí Lê Đức Thọ - Cố vấn đặc biệt của Chính phủ, khi ký kết xong ở Hội nghị Paris về nước, xuống sân bay liền đi thẳng đến Tiểu đoàn. Đồng chí xúc động nói: “Cám ơn các đồng chí, chính các đồng chí đã bắt đế quốc Mỹ phải ký theo yêu cầu của Việt Nam”!

Để biểu dương thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 77, năm 1973, Tiểu đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tên Tiểu đoàn đã ghi vào trang sử vẻ vàng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cũng như trận địa Chèm đã đi vào lịch sử như những Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng của thời đại mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm