Khuyến học, khuyến tài đã trở thành 'thương hiệu' của vùng Đất Tổ Phú Thọ

30/09/2020 21:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều mô hình hay cách làm sáng tạo đã đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên Đất Tổ - Phú Thọ phát triển ngày càng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong cả nước.

Phú Thọ: Thêm 40 nghệ nhân kế cận 'tốt nghiệp' lớp truyền dạy hát Xoan

Phú Thọ: Thêm 40 nghệ nhân kế cận 'tốt nghiệp' lớp truyền dạy hát Xoan

Ngày 19/8, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức bế mạc 2 lớp truyền dạy hát Xoan cho các nghệ nhân kế cận của các phường Xoan: Phù Đức, Thét, Kim Đái, An Thái (thành phố Việt Trì).

Với phương châm “Học làm cho mình và mọi người xung quanh hạnh phúc”, “Học tập suốt đời, chìa khóa của mọi thành công”, những năm qua, các cấp Hội Khuyến học đã chú trọng xây dựng các mô hình học tập, xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức Hội đã có cách làm hay sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Điển hình tại huyện Thanh Thủy, hoạt động khuyến học của huyện đã giúp đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và lao động sản xuất trên địa bàn trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện cho biết, để động viên, chia sẻ và nâng bước các em trên con đường học tập, Hội Khuyến học huyện đã vận động được nhiều nguồn lực chung tay vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Từ năm 2019 đến nay, Hội Khuyến học huyện đã huy động được trên 483 triệu động từ các tổ chức, đơn vị… để trao học bổng, tặng quà Tết, tặng quà nhân dịp khai giảng năm học mới cho 637 học sinh, giáo viên. Từ nguồn quỹ đóng góp, các cấp Hội Khuyến học của huyện cũng dành trên 900 triệu đồng  tuyên dương, khen thưởng cho các giáo viên và học sinh, con em hội viên khuyến học đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập.

Ngày hội khuyến học ở Phú Thọ
Ngày hội mổ lợn nhựa khuyến học ở Phú Thọ

Tại huyện miền núi Đoan Hùng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song Hội Khuyến học huyện vẫn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác khuyến học đến các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân.

Bên cạnh đó, Hội cũng tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; tích cực vận động nhân dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ “Khuyến học trái bưởi vàng” để tạo nguồn vốn động viên khích lệ cán bộ, giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhiều mô hình khuyến học hay như “Cây bưởi khuyến học” ở xã Nghinh Xuyên, xã Phong Phú, xã Vân Đồn, Bằng Luân; mô hình “Tiếng trống Khuyến học” ở xã Minh Phú; Mô hình “1+n” ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương giúp tài trợ cho nhiều học sinh nghèo học hết chương trình Đại học hay mô hình “Cấp học bổng hàng năm cho con em hội viên Hội Cựu chiến binh”… đã giúp cho phong trào khuyến học ở huyện Đoan Hùng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 20 năm thành lập, đến nay hội khuyến học, khuyến tài đã được phủ kín 100% các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn, khu dân cư trên địa bàn toàn  tỉnh. Từ 970 hội viên ngày đầu thành lập, đến nay, toàn tỉnh đã có 13 hội cấp huyện, 225 hội cấp xã, 5.551 chi hội/ban khuyến học, với 410.446 hội viên (đạt 28,04% dân số), là một trong những địa phương có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất nước.

Các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn cũng đã sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng và mô hình hóa các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần duy trì quy mô, tăng thêm các điều kiện thuận lợi, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, đóng góp vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiêu biểu là các hoạt động vận động và giúp đỡ để học sinh không bỏ học; vận động học sinh trở lại lớp; cho trẻ khuyết tật đến trường; mở lớp học tình thương cho học sinh thất học, cơ nhỡ, khuyết tật; hỗ trợ giúp đỡ học sinh, sinh viên thuộc các gia đình nghèo, vượt khó vươn lên học tốt cũng được nhiều địa phương triển khai có hiệu quả.

Từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội đã trao trên 350 nghìn suất học bổng, quà; 2.800 xe đạp cùng hàng trăm nghìn cuốn vở và nhiều quần, áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp Hội phối hợp các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các đoàn thể tặng 99 nhà mái ấm khuyến học, “mái ấm tình thương”, hỗ trợ 160 lượt phụ nữ nghèo vay vốn khuyến học...; khen thưởng hàng triệu lượt giáo viên, học sinh, sinh viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc; hỗ trợ xây dựng phòng học, mua bàn, ghế, trang thiết bị, máy tính, tặng tủ sách khuyến học... Tổng trị giá các hoạt động trên 760 tỷ đồng.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, phong trào khuyến học, khuyến tài đã trở thành “thương hiệu” của vùng Đất Tổ và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến học các cấp, nhất là Hội Khuyến học các xã, phường, thị trấn và các khu dân cư mới sáp nhập; chú trọng xây dựng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến.

Phú Thọ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển quỹ (học bổng) khuyến học ở các cấp Hội để hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều hơn các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn được học tập, mang lại sự công bằng trong học tập cho mọi đối tượng.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm